Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 12/7/2013 15:58'(GMT+7)

Mốc phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ



Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cuộc họp diễn ra ngay sau thành công của Năm Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ 2012, đánh dấu một mốc phát triển trong quan hệ hai nước. Quan hệ Đối tác Chiến lược hai nước sau 5 năm thiết lập đã phát triển rất tích cực trên mọi lĩnh vực.

Ấn Độ khẳng định sẽ tiếp tục coi trọng quan hệ chính trị và duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Hai bên cam kết thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; phát huy vai trò Ủy ban Hỗn hợp và tăng cường hơn nữa cơ chế Tham khảo Chính trị, Đối thoại chiến lược.

Hai bên đã đề ra phương hướng và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng thực chất và hiệu quả hơn; Chương trình hành động 2013-2015 đã được ký kết. Hai bên thiết lập Tiểu ban Thương mại hỗn hợp nhằm đẩy mạnh thương mại song phương, thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 7 tỷ USD vào năm 2015. Ấn Độ cam kết xem xét tích cực việc cấp tín dụng ưu đãi hơn cho Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ khuyến khích doanh nghiệp nước này đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, trong các lĩnh vực có thế mạnh như: khai thác dầu khí, năng lượng, công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất hàng nông sản...

Hai bên khẳng định mở rộng hợp tác quốc phòng như công nghiệp quốc phòng, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm; đào tạo cán bộ... Hai bên cũng bàn thảo kỹ lưỡng các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, khoa học-công nghệ, thông tin truyền thông, giao lưu văn hóa, kết nối giao thông, khuyến khích mở các đường bay thẳng giữa hai nước trong năm 2013, khuyến khích du lịch. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục trao đổi ý kiến, phối hợp lập trường trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh kể từ khi Việt Nam-Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước luôn được lãnh đạo hai bên quan tâm, thúc đẩy và đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân cả hai nước. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại hiện phát triển chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Hai nước cần xác định rõ những khác biệt và tương đồng, để từ đó có các chính sách phù hợp để hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực hai nước có cùng thế mạnh.

Dựa trên Kế hoạch Hành động, hai nước tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trụ cột của mối quan hệ Đối tác chiến lược, đặc biệt là về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ và văn hóa giáo dục, phát huy hơn nữa vai trò các cơ chế hợp tác song phương, đồng thời xem xét thiết lập các cơ chế hợp tác mới nhằm tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mối quan hệ hợp tác. Trước mắt, cần tháo gỡ ngay những vướng mắc của một số dự án trọng điểm, tạo điều kiện để hợp tác trên các dự án mới được khai thông. Các ngành và địa phương cũng cần chú trọng tiếp cận các đối tác Ấn Độ, tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm tranh thủ triệt để các nguồn vốn, công nghệ và kỹ thuật cao của Ấn Độ phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.

Ông nêu rõ Việt Nam hoan nghênh chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ và hy vọng với chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối cho sự hợp tác hữu nghị giữa Ấn Độ và các nước trong khu vực, nhất là các nước ASEAN.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết nêu rõ mối quan hệ đối tác chiến lược, hữu nghị, truyền thống lâu đời, thủy chung giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ trong sáng như bầu trời không gợn một chút mây.” Mối quan hệ tốt đẹp đó đã được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của hai dân tộc. Trong suốt 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 7/1/1972 và thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2007, mối quan hệ đó không ngừng phát triển rực rỡ, ngày càng đi vào chiều sâu, hợp tác hiệu quả và mở rộng ra trên tất cả các lĩnh vực. Đây chính là nền tảng căn bản nhất để quan hệ chính trị hai nước tiếp tục phát triển vững chắc trong tương lai.

Ông tỏ ý ngưỡng mộ sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ trong những năm qua. Ấn Độ là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến đạt 1.800 tỷ USD trong năm 2012 và đã trở thành một cường quốc có vị trí và tiếng nói ngày càng quan trọng ở khu vực và quốc tế.

Việt Nam và Ấn Độ đều là hai nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, cơ hội hợp tác giữa hai nước là hết sức to lớn, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ tới đầu tư trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như đầu tư và xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư vào các khu công nghệ cao, dầu khí, sản xuất điện...

Ấn Độ là trung tâm giáo dục hiện đại và khoa học-công nghệ tiên tiến. Để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam rất cần kinh nghiệm và sự hỗ trợ của Ấn Độ trong lĩnh vực này. Đó cũng là một trong các trụ cột quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước hiện nay và sẽ là một định hướng hợp tác trọng tâm của Việt Nam với Ấn Độ trong những năm tới.

Nhân dân hai nước đã gắn bó trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ cho phát triển du lịch, giao lưu nhân dân và trao đổi văn hóa. Hiện hàng năm có khoảng 25 triệu người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài. Nếu hai nước có những chính sách khuyến khích phù hợp, có đường bay thẳng giữa hai nước, thì việc qua lại thăm viếng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước sẽ gia tăng mạnh mẽ.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng nhấn mạnh có thể hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian tới./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất