Thứ Tư, 27/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 11/5/2011 13:34'(GMT+7)

Không thể xuyên tạc về dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam

 *Những pa-nô, khẩu hiệu, áp phích chào mừng ngày bầu cử đang xuất hiện trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần tạo không khí vui tươi trong ngày hội

Cách đây hơn 65 năm, ngày 6-1-1946, lần đầu tiên trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, nhân dân ta, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, chính kiến… đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới bằng phương thức bầu cử dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Hơn 65 năm qua, với 12 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã luôn luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011), Quốc hội đã thông qua 67 luật, 12 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã thông qua 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Các dự án luật được ban hành có chất lượng cao, cụ thể, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, xử lý tốt một số vấn đề nhạy cảm; bám sát, phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn kinh tế-xã hội.

Cùng với giám sát tối cao qua việc xem xét các báo cáo của cơ quan, cá nhân theo quy định, trong nhiệm kỳ khóa XII, Quốc hội đã giám sát tối cao 6 chuyên đề. Trong đó, đã tiến hành tái giám sát đối với nội dung về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương để có cơ sở đánh giá đúng sự chuyển biến trên thực tế sau lần giám sát trước. Sau mỗi chuyên đề, Quốc hội đều ra Nghị quyết nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ, các cơ quan liên quan phải tập trung thực hiện.  Cũng trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; xem xét thông qua nhiều vấn đề quan trọng khác. Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở các báo cáo và tờ trình của Chính phủ, Quốc hội  đã thảo luận dân chủ, xem xét, cân nhắc toàn diện, nghiêm túc, kỹ lưỡng và quyết định chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; giao Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể các loại hình vận tải Bắc - Nam, trên cơ sở đó trình Quốc hội xem xét, quyết định cụ thể vào thời gian thích hợp.

Sở dĩ chúng tôi phải nhắc lại một số công việc đã làm của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua để khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Quốc hội trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước, điều này trái với quan điểm của một số người có thể do không hiểu tình hình  mà đã xuyên tạc rằng “Các đại biểu Quốc hội Việt Nam chỉ là “nghị gật”, nói theo Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Trở lại với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Cuộc bầu cử được tổ chức căn cứ vào Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Nguyên tắc bầu cử đã được ghi trong Luật là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đây cũng chính là những nguyên tắc cơ bản nhất của những đạo luật về bầu cử được đánh giá là dân chủ, tiến bộ nhất thế giới hiện nay. Các nguyên tắc này thể hiện tính chặt chẽ, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn.

Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND  theo quy định của pháp luật.

Bình đẳng trong bầu cử là một nguyên tắc nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.

Bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước.

Nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Theo đó, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Như vậy, việc cử tri lựa chọn ai là quyền của họ, không hề có “sự chỉ đạo” như một số người đã phát biểu. Mới đây, tại phiên họp thứ tư của Hội đồng bầu cử, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử lại một lần nữa khẳng định: “Không có “quân xanh”, “quân đỏ” trong bầu cử”. Đồng chí cũng yêu cầu các cấp các ngành, các địa phương phải tạo điều kiện tốt nhất cho cử tri lựa chọn những người xứng đáng nhất trong số những người xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Cũng cần phải nhắc lại rằng: Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được tổ chức vừa qua là quá trình thực hiện dân chủ và minh bạch do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chủ thể tổ chức, thể hiện bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và việc tham gia hiệp thương bầu cử có đại diện của các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo... tham gia.

Cho đến thời điểm này, công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của cả nước đã cơ bản hoàn tất. Các địa phương đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri, niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Các ứng cử viên đều được lựa chọn, giới thiệu theo quy trình bình đẳng, dân chủ và đúng pháp luật. Theo tổng hợp của Hội đồng bầu cử, số người ứng cử đại biểu Quốc hội trong danh sách chính thức đã gấp 1,65 lần so với đại biểu được bầu (827/500). Số người ứng cử đại biểu HĐND so với số đại biểu được bầu gấp 1,55 lần (5.965/3.822). Như vậy sẽ có rất nhiều ứng cử viên dư ra để cử tri lựa chọn. Cũng theo tổng hợp của Hội đồng bầu cử, trình độ học vấn của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp kỳ này đều cao hơn kỳ trước. Hiện nay, các địa phương đang tổ chức  các Hội nghị để cử tri gặp gỡ, tiếp xúc với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; các ứng cử viên cũng đang trong quá trình vận động bầu cử để cử tri hiểu thêm về người ứng cử, làm cơ sở để lựa chọn người đủ tiêu chuẩn, có đức, có tài làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Đó là những cơ sở quan trọng để khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sắp tới thực sự dân chủ và đang trở thành ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Đỗ Phú Thọ/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất