Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 29/6/2009 18:4'(GMT+7)

Môi trường để sáng tạo

Phòng thí nghiệm của TT Khoa học vật liệu (ĐH KHTN)

Phòng thí nghiệm của TT Khoa học vật liệu (ĐH KHTN)

Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với văn minh hiện đại. Bài học thành công của một số nền công nghiệp phát triển tại Châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều lấy KHCN làm quốc sách hàng đầu để phát triển. Chỉ trong vòng 50/70 năm, nhờ KHCN, các nước này không chỉ thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu mà còn đuổi kịp các nước Châu Âu, Bắc Mỹ.

KHCN ở nước ta từ lâu đã được Đảng và Nhà nước xác định là “then chốt”, “nền tảng”, “động lực” của sự phát triển và cho đến nay “cùng giáo dục và đào tạo, KHCN là quốc sách hàng đầu” trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Tuy nhiên, theo phân loại của Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ 3, Việt Nam thuộc về nhóm nước SLDC - những nước đang phát triển lạc hậu về KHCN -  không chỉ so với các nước đang phát triển của thế giới mà còn thuộc về nhóm cuối cùng của khu vực.

Đội ngũ cán bộ KHCN của Việt Nam khá đông đảo về số lượng, theo số liệu năm 2005 là 21.000 người, trong đó có khoảng: 4.500-5.000 GS, PGS; 15.000 TS. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ này rất yếu. Nếu theo tiêu chí tối thiểu một nhà khoa học ngoài bằng cấp phải có khả năng nghiên cứu tạo ra sản phẩm KHCN là công bố (quốc tế), phát minh sáng chế, hoặc giải pháp hữu ích, chúng ta chỉ có khoảng 750-1.000 người đáp ứng tiêu chí trên. Nhiều nhà khoa học nhưng không làm khoa học mà chuyển sang làm quản lý, lãnh đạo.

Để biến KHCN trở thành động lực phát triển, trước hết KHCN cần trở thành nguồn nhân lực có trí tuệ - hay tài nguyên con người - mới có khả năng làm chủ và tạo ra tri thức mới, làm động lực cho phát triển. Muốn vậy, phải có một chiến lược đúng đắn, đồng bộ và khả thi.

** TS. Đặng Hữu Chung, Viện Cơ học: Cần môi trường cạnh tranh lành mạnh về năng lực chuyên môn

Bộ máy quản lý của các cơ quan nghiên cứu ở nước ta không ngừng phát triển với hiệu quả công việc rất thấp. Việc bổ nhiệm, đề bạt các chức vụ trong cơ quan nghiên cứu cũng có nhiều bất cập, thiếu dân chủ và các chuẩn mực hợp lý. Cho nên, tình trạng trưởng phòng chuyên môn quá yếu kém về chuyên môn là chuyện thường ngày. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, người tài sẽ mãi là người ngoài cuộc.

Thành viên hội đồng khoa học từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn ở Việt Nam thường chỉ tập trung những nhà khoa học mà sự nghiệp nghiên cứu đã bị bỏ qua từ rất lâu và họ không còn xứng đáng là đại diện cho các hướng nghiên cứu hiện nay. Tuy vậy, họ vẫn muốn là người cầm trịch trong việc xem xét phân bổ kinh phí, nghiệm thu đề tài, hay đưa ra những ý kiến có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp khoa học của các nhà nghiên cứu nghiêm túc. Nguy hại hơn nữa, chính họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp đề ra các tiêu chí cho việc xét chọn, do đó yếu tố khách quan sẽ không đảm bảo. Vừa là thành viên hội đồng khoa học vừa là ứng cử viên trong việc đấu thầu đề tài, điều này cần phải nhanh chóng loại bỏ. Người ta thường biện bạch là do chúng ta đang hụt hẫng đội ngũ kế cận. Đó chỉ là sự hụt hẫng giả tạo xuất phát từ sự đố kỵ, ích kỷ và lòng tham của một số trong các vị có chức sắc khoa học.

Để chấn hưng nền khoa học nước nhà, không có cách nào khác là phải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh về năng lực chuyên môn.

Dành kinh phí cho người giỏi nhất

Chúng ta đang rất lãng phí vì những người xuất sắc nhất về KHCN phải kiếm sống bằng những công việc không liên quan đến sở trường và nghề nghiệp của chính họ. Làm sao phụ cấp cho những người này ở một mức đủ cao để họ tập trung vào nghiên cứu KHCN. Khi kinh phí KHCN của ta còn ít, chưa đủ tài trợ cho mọi người làm nghiên cứu, thì trước hết dành kinh phí cho người giỏi nhất có chuyên môn phù hợp với những công việc đất nước đang cần. Nếu như ở các ngành, giả sử ta tìm được 100 người như vậy, đầu tư cho họ xây dựng được 100 nhóm nghiêu cứu mạnh, được làm việc với điều kiện đủ tốt, lương đủ sống, chắc chắn họ sẽ có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển KHCN của đất nước. Để tạo động lực cho họ, chính sách về khoa học và giáo dục của Nhà nước cần đề cao giá trị các nghiên cứu khoa học chất lượng cao.

** GS. Nguyễn Văn Tuấn,  Đại học New South Wales (Austraylia): Chúng ta thiếu cái mới trong ý tưởng

Có đến 75% các công trình khoa học từ Việt Nam do đứng tên chung hoặc hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Những công trình nghiên cứu do nội lực có chất lượng thấp là do thiếu cái mới trong ý tưởng, phương pháp nghiên cứu hạn chế. Nguyên nhân của thiếu cái mới trong ý tưởng một phần là do thiếu thông tin. Nhiều thư viện trường đại học chẳng khác gì thư viện trường trung học ở nước ngoài, không đủ sách, và ngay cả có sách thì cũng phần lớn đều lạc hậu. Thư viện trường cũng thiếu các tập san khoa học, nhà khoa học không được cập nhật hóa thông tin, không biết được những gì đã, đang, sắp xảy ra trong lĩnh vực chuyên môn. Phương pháp nghiên cứu, kể cả thiết bị, cũng hạn chế và lạc hậu. Tình trạng này khiến các nhà khoa học chỉ có thể làm những nghiên cứu đơn giản, không thể đột phá./.

(Theo Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất