Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vẫn vượt quá nguồn cung sẵn có khi bước vào mùa đông ở Bắc bán cầu, cán cân thị trường "vàng đen" vẫn dễ bị tổn thương trước những rủi ro kinh tế và địa chính trị gia
tăng, cũng như những biến động tiếp theo trong thời gian tới.
Theo báo cáo tháng 11 của OPEC,
nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 2,5 triệu thùng/ngày trong năm
2023, so với dự báo trước đó do OPEC đưa ra là 2,44 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu dầu thô toàn cầu dự kiến tăng 2,2 triệu thùng/ngày năm 2024,
không thay đổi so với dự báo được đưa ra trong báo cáo tháng trước.
Nhập
khẩu dầu thô của Trung Quốc, vốn tăng lên 11,4 triệu thùng/ngày vào
tháng 10/2023, vẫn đang trên đà đạt mức cao kỷ lục mới trong năm nay.
Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ cũng dự kiến tăng vào quý cuối
năm nay và đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023. Nhu cầu dầu toàn cầu tiếp
tục thể hiện khả năng phục hồi khá tốt, với mức tăng trưởng đạt cao hơn
dự kiến trong quý IV/2023, chủ yếu tại các quốc gia không thuộc Tổ chức
Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Bất chấp việc duy trì cắt giảm sản lượng tự nguyện của một thành viên OPEC+ (gồm OPEC cùng các đối tác), nhìn
chung, nguồn cung vẫn được bổ sung cho thị trường khi sản lượng dầu mỏ
của OPEC năm 2023 và 2024 cũng được dự báo sẽ lần lượt tăng khoảng
50.000 thùng/ngày và 65.000 thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của
OPEC tháng 10/2023 tăng 80.000 thùng/ngày so với tháng trước đó lên mức
27,90 triệu thùng/ngày. OPEC cũng nâng dự báo tăng trưởng nguồn cung
ngoài OPEC năm nay lên 1,8 triệu thùng, so với mức dự báo tăng 1,7 triệu
thùng/ngày được đưa ra tháng trước. Theo OPEC, động lực chính của mức
tăng này sẽ là Mỹ, Brazil, Kazakhstan, Na Uy, Guyana, Mexico và Trung
Quốc. Năm 2024, nguồn cung dầu thô ngoài OPEC dự kiến tăng thêm 1,4
triệu thùng/ngày, không thay đổi so với dự báo tháng trước.
Trong
khi đó, IEA cũng đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm
nay và năm tới, dù tăng trưởng kinh tế dự kiến tại hầu hết nền kinh tế
lớn đều chững lại. Đối với năm 2023, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu
cầu dầu mỏ từ 2,3 triệu thùng/ngày lên 2,4 triệu thùng/ngày.
Về
tổng thể, nhu cầu dầu mỏ năm 2023 vẫn đang được hỗ trợ nhờ nhu cầu tăng
kỷ lục vào tháng 9 vừa qua tại thị trường Trung Quốc và lượng giao hàng
ổn định tại Mỹ. Năm 2024, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ
từ 880.000 thùng/ngày lên 930.000 thùng/ngày. Theo IEA, dù việc Saudi
Arabia và Nga tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm nay sẽ
thu hẹp nguồn cung và tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ có khả năng chững lại,
thì cán cân trên thị trường dầu mỏ sẽ nghiêng về thặng dư vào đầu năm
2024.
Tăng trưởng nguồn cung dầu thế giới đang vượt quá mong đợi
do tăng trưởng sản xuất ở Mỹ và Brazil vượt xa dự báo. IEA cho rằng,
thị trường dầu mỏ thế giới sẽ quay trở lại tình trạng dư cung trong nửa
đầu năm 2024, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng nhu cầu chậm lại đáng kể
khi khả năng phục hồi sau đại dịch đã cạn kiệt và việc sử dụng năng
lượng ngày càng hiệu quả hơn.
Dự báo của OPEC và IEA được đưa ra
trong bối cảnh giá dầu Brent đã ghi nhận mức 95 USD/thùng trong tháng 9
vừa qua, giữa lúc các quyết định cắt giảm nguồn cung tự nguyện của các
thành viên OPEC+ đã thắt chặt thị trường dầu thô.
Đầu tháng này,
Saudi Arabia và Nga thông báo sẽ gia hạn mức cắt giảm nguồn cung tổng
cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2023. Việc bổ sung cắt giảm
tự nguyện nhằm tăng cường các biện pháp mà các nước OPEC+ thực hiện để
duy trì sự ổn định và cân bằng của thị trường. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu
ngày càng tăng từ các nước bị trừng phạt cũng như những lo ngại về triển
vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đã kéo giá dầu thô đi xuống
những tuần gần đây.
Mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế và nhu
cầu đã gây áp lực lên giá cả, bất chấp ảnh hưởng của việc OPEC và các
đối tác cắt giảm nguồn cung, cũng như xung đột ở Trung Đông. Trong khi
đó, nhu cầu nhiên liệu rất lớn khi Bắc bán cầu bước vào mùa đông, cùng
những rủi ro kinh tế và địa chính trị gia tăng tiếp tục khiến thị trường
dầu mỏ dễ biến động và mong manh./.