Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 31/10/2023 13:51'(GMT+7)

Quan hệ Nga - EU ngày càng xấu đi

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đã quyết định Nga phải chi trả cho việc tái thiết Ukraine. (Ảnh: Euronews)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đã quyết định Nga phải chi trả cho việc tái thiết Ukraine. (Ảnh: Euronews)

Trên kênh Telegram, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo Nga sẽ đáp trả theo cách khiến EU phải trả giá đắt hơn nếu liên minh này có các hành động gây bất lợi cho tài sản của Nga. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cảnh báo Moscow sẽ phản ứng tương xứng và giá trị của số tài sản thuộc về các quốc gia không thân thiện bị Nga tịch thu sẽ còn lớn hơn nhiều số tiền của Nga bị phong tỏa tại châu Âu.

Theo TASS của Nga, ngày 29/10, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố nước này sẽ tịch thu tài sản của các quốc gia thành viên EU mà Moscow cho là không thân thiện nếu Brussels “đánh cắp” những khoản tiền đang bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho Ukraine.

Tuyên bố của ông Volodin nhằm đáp trả động thái mới đây của EU về việc đề xuất dùng một phần tài sản Nga đang bị đóng băng tại châu Âu giúp Ukraine tái thiết sau xung đột. Phát biểu tại họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh EU trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen lưu ý giá trị tài sản nhà nước của Nga bị phong tỏa hiện nay là 211 tỷ Euro (223,15 tỷ USD) và EU đã quyết định Nga phải chi trả cho việc tái thiết Ukraine. Bà cũng cho biết, EC đang nghiên cứu đề xuất gộp một số lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga để giúp công cuộc tái thiết ở Ukraine sau xung đột.

Theo ông Volodin, động thái của một số chính trị gia châu Âu, mà đứng đầu là Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhằm củng cố chiếc ghế quyền lực, trong bối cảnh tình hình tài chính “yếu kém” của nhiều quốc gia thành viên EU.

Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ trước đề xuất của EC. Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh: “Mỹ cũng ủng hộ việc khai thác số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga, định rõ các cơ quan thanh toán bù trừ cụ thể và sử dụng tiền này để hỗ trợ cho Ukraine”.       

Ước tính, khối tài sản 211 tỷ Euro của Nga có thể tạo ra lợi nhuận hàng tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, mục tiêu của EU có thể vấp phải một số rào cản pháp lý và thủ tục, cũng như khả năng phía Nga sẽ trả đũa quyết liệt. Trước đó, vào tháng 3-2022, EU đã phong tỏa tài sản nhà nước của Nga sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trước đó, Nga nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và phương Tây đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài, đồng thời cảnh báo sẵn sàng đưa ra các phản ứng đáp trả thích đáng và kiện các bên liên quan ra tòa án quốc tế.

Trong một diễn biến liên quan cho thấy quan hệ Nga và EU đã tụt xuống mức thấp. Cùng ngày 29/10, theo TASS, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố gay gắt rằng EU mất quyền tự chủ địa chính trị không chỉ trên trường quốc tế mà ngay cả ở châu Âu. Ông nói: “Các nước EU đều phải nghe theo mệnh lệnh từ Mỹ và Anh là ủng hộ Ukraine và họ đang tuân thủ bất cứ yêu cầu nào”. Ông Medvedev cũng nói rằng giấc mơ EU trở thành một trụ cột của trật tự thế giới đã tan biến khi khối này “mất quyền lực quốc tế với vai trò trung gian hòa giải trong bất kỳ cuộc xung đột nào”.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga chỉ ra rằng hợp tác năng lượng của châu Âu với Nga đã đóng băng trong thời gian dài và EU đang trải qua “thời kỳ khó khăn”. Mỹ trong khi đó bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu với giá cao gấp ba lần. Theo các nguồn tin, kể từ khi chiến sự nổ ra, EU đã áp một số gói trừng phạt với Nga, trong đó có việc cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển từ tháng 12/2022. EU chưa đưa ra phản ứng về phát ngôn này của ông Medvedev.

Từ khi nổ ra chiến sự Nga - Ukraine hồi tháng 2/2022, ông Medvedev nhiều lần đưa ra phát biểu cứng rắn về EU. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga hồi tháng 9 kêu gọi đình chỉ quan hệ ngoại giao với khối này nhằm đáp trả lệnh cấm công dân Nga mang ô tô và các vật dụng cá nhân vào EU. Ông khi đó đã phát biểu ám chỉ động thái của EU là phân biệt chủng tộc khi nói rằng: “Chúng ta nên làm gì với điều này. Chắc chắn là không áp đặt các hạn chế trả đũa với công dân EU. Chúng ta không phải những người phân biệt chủng tộc”./.

XUÂN PHONG (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất