Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 23/8/2014 16:11'(GMT+7)

Mong “Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam…” sớm đi vào cuộc sống

Một chương trình văn nghệ về chủ đề Biển đảo quê hương

Một chương trình văn nghệ về chủ đề Biển đảo quê hương

Văn hóa của dân tộc ta chính là sự kết tinh, cô nén từ xa xưa trong suốt chiều dài của lịch sử phát triển đất nước, phát triển qua nhiều giai đoạn thăng lúc trầm cho tới ngày nay… và để có được bề dày truyền thống, ngoài giá trị về thời gian (và không gian) còn là tinh thần và ý chí độc lập – quốc gia – bờ cõi, là bản sắc, là phong tục, tập quán, là nếp sống riêng của mỗi cộng đồng các dân tộc Việt Nam…

Chỉ tính lịch sử nước ta gần đây (lấy mốc 1930 của thế kỷ XX) nghĩa là trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, thì thấy rõ vấn đề văn hóa đã luôn được đặc biệt quan tâm, bởi cao hơn hết trong giai đoạn này, văn hoá được xác định chính là tinh thần độc lập dân tộc. Từ khi ra đời, để thu hút quần chúng, nhân dân… Đảng ta luôn đề cao và nhấn mạnh đến văn hóa song hành với cách mạng như một thứ vũ khí sắc bén, Bác Hồ nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và câu nói vào thời điểm đó, được hiểu rõ ràng là dẫn dắt để quốc dân Việt Nam ta giành chiến thắng, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người… Năm 1943, ngay từ khi cách mạng còn nhiều khó khăn, Đảng đã quyết định xây dựng một Đề cương về văn hóa… Đề cương này như một tiền đề chuẩn bị kỹ về tinh thần cho một xã hội tốt đẹp hơn mà Đảng đang lãnh đạo toàn dân quyết tâm giành bằng được “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”.

Đề cương văn hóa (1943) ra đời đã góp phần kích thích mạnh mẽ mọi lực lượng sáng tạo văn hóa-nghệ thuật cũng như khơi dậy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam hướng đến một mục đích chung sức, đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đẻ kết thúc bằng thắng lợi vĩ đại - Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chính vì lẽ đó, có thể gọi Đề cương văn hóa (1943) là Đề cương văn hóa của tinh thần Độc lập dân tộc.

Rõ ràng, trong suốt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (từ kháng chiến chống Pháp, đến chống Đế quốc Mỹ và Ngụy quyền tay sai) Đề cương văn hóa đã tạo động lực quan trọng, để cả dân tộc dồn đủ sức mạnh, tinh thần và vật chất để quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

Đến 1998, sau một thời gian dài của quá trình đổi mới, cải cách, mở cửa hội nhập với thế giới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tiềm lực của đất nước vững mạnh lên rất nhiều, quan hệ quốc tế được mở rộng… Trong bối cảnh đó, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ra đời tạo được một sự thay đổi lớn trong nhận thức của toàn xã hội, đồng thời cho thấy duy trì được sự nối tiếp của Đề cương 1943 nhưng ở một cấp độ mới cảu một thời kỳ mới - thời kỳ mở cửa và xây dựng đất nước, từng bước hội nhập với thế giới một cách tự tin, vững vàng trên cơ sở giữ vững bản sắc văn hóa “hội nhập nhưng không hoà tan”, coi đó là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Trong hoạt động văn học-nghệ thuật nói riêng và cả nền Văn hóa Văn nghệ nói chung có thể nói Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) tiếp tục khẳng định và tạo điều kiện rất cơ bản cho văn nghệ sĩ trong hoạt động sáng tạo thể hiện sự quan tâm, định hướng phát triển và tạo hành lang để văn hóa phát triển phù hợp với những điều kiện thay đổi của xã hội, đặc biệt là sự chuyển đổi về cơ bản từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Tiếp theo Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuatạ trong thời kỳ mới” càng khẳng định quyết tâm của Đảng mong muốn nền văn hóa Việt Nam phát triển nhanh hơn, chắc hơn, phù hợp hơn với những thay đổi quan trọng của xã hội.

Trong gần 30 năm đổi mới (tính từ 1986), đặc biệt là qua 16 năm kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VII) – Văn hóa Việt Nam nói chung và văn học nghệ thuật của nước nhà nói riêng đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đáp ứng về cơ bản nhu cầu hưởng thụ Văn hóa, nghệ thuật của nhân dân, góp phần không nhỏ trong việc chấn hưng và phát triển nền Văn hóa, nghệ thuật dân tộc, nhanh chóng hội nhập với thế giới thông qua việc giới thiệu ngày càng rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thân thiện tới bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú hơn giá trị văn hóa nước nhà… Có thể nói Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) là Nghị quyết của sự Đổi mới, mở cửa để xây dựng đất nước!

Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) cho ra đời Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nghị quyết thể hiện sự điều chỉnh kịp thời, sát hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Vì vậy, có thể coi đây là Nghị quyết xây dựng và củng cố về Tâm thế -  Bản lĩnh để phát triển và hội nhập.

Sau 16 năm mở cửa hội nhập với thế giới , nhiều thuận lợi và thời cơ đã tạo đà để phát triển Kinh tế xã hội và cả Văn hóa – Văn nghệ của ta, tuy nhiên trong quá trình cọ sát với thực tế, chúng ta cũng thấy bộc lộ nhiều nguy cơ, thách thức và những khó khăn còn tiềm ẩn rất đáng lo ngại phải tính đến... Tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến đổi và nảy sinh những phức tạp rất nhanh chóng, khó lường... Vừa hữu nghị hợp tác để phát triển vừa cảnh giác, phòng ngừa và phải kiên định với bản lĩnh của nền Văn hóa truyền thống không được phép hòa tan trong hôi nhập… Trong bối cảnh của tình hình hiện nay, chúng ta kiên định bảo vệ thành quả Cách mạng, độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vừa mềm mỏng, uyển chuyển để giữ hòa khí hữu nghị truyền thống tốt đẹp!

Lúc này, điều quan trọng là chúng ta sẽ sớm bắt tay triển khai việc phổ biến Nghị quyết 9 về xây dựng và phát triển văn hó, con người trong tình hình mới của đất nước. Qua việc truyền đạt Nghị quyết được đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực sự về nhận thức và phương pháp, để nghị quyết đi vào cuộc sống của người dân một cách rất thực tế và gần gũi, để toàn dân dễ hiểu, dễ thực hiện… Có thể nói đây là một Nghị quyết hội đủ tinh hoa của truyền thống với những khoa học của thực tế cuộc sống, kế thừa Đề cương văn hóa 1943, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị để phát huy được sức mạnh và trí tuệ dân tộc, để đưa văn hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ với những điều kiện đủ cho sự liên tục, lâu dài, bền vững.

Trên tinh thần đó, việc xác định nhận thức đầy đủ và trách nhiệm từ Trung ương tới khắp 63 tỉnh/thành cả nước, đến từng cơ quan, trường học, đến từng gia đình và người dân là đặc biệt quan trọng. Và từ nhận thức phải là những biện pháp, hành động cụ thể. Trong đó, tập trung vào những việc cơ bản, cấp thiết để quán triệt (từ Trung ương xuống địa phương) nhanh chóng và thiết thực.

Ở đây, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin được đề cập đến một số giải pháp cơ bản mang tính chủ quan về phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà, mà vấn đề mấu chốt theo chúng tôi là phải chú trọng đến nguồn nhân lực cho ngành. Phải có đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho 03 lĩnh vực: quản lý văn hóa nghệ thuật; văn hóa nghệ thuật đỉnh cao; văn hóa nghệ thuật cơ sở.

Một là, quản lý văn hóa-nghệ thuật: phải lựa chọn đào tạo những nhà quản lý rất am hiểu về văn hóa nghệ thuật, có trình độ, tâm huyết thực sự với văn hóa nước nhà… phải có bản lĩnh để giữ vững bản sắc, đồng thời phải nhạy bén để hội nhập với thế giới trong tư thế bình đẳng. Quản lý văn hóa nghệ thuật tronh tìng hình hội nhập và mở cửa hiện nay cần: chặt mà thoáng, tự do sáng tạo đi đôi với định hướng chuẩn mực, kiên định bản sắc mà cầu thị mở mang…

Hai là, văn hóa nghệ thuật đỉnh cao: chú trọng đào tạo những nghệ sỹ chuyên sâu cho các lĩnh vực Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Kiến trúc… là những tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ.v.v. Phải có chính sách cụ thể về sự đãi ngộ, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và trọng dụng họ thực sự để có những tác phẩm có giá trị cao mang dấu ấn của thời đại.

Ba là, văn hóa nghệ thuật cơ sở: có thể coi đây là một ngành vì được phủ rộng trên toàn quốc và góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, vì thế những cán bộ làm công tác văn hóa-văn nghệ ở cơ sở với ý kiến, tiếng nói của họ có trọng lượng với chính quyền địa phương. Với đặc trưng sống và làm việc sát với người dân ở khắp mọi vùng miền nên họ phải là những cán bộ chuyên ngành có bản lĩnh văn hóa, tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, Nhà nước phải trang bị cho họ đủ lực lượng, điều kiện, sự quan tâm để làm việc (ưu tiên vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo…)

Với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước cùng với sự đồng lòng của các bộ, ngành, địa phương, hy vọng Nghị quyết mới của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sẽ sớm hiện hữu trong đời sống và có hiệu ứng như một bản hiệu triệu để toàn thể người dân Việt Nam là một ý chí! Và chúng ta quyết tâm xây dựng đất nước ta - một đất nước ngàn năm văn hiến, tỏa rạng thật đẹp và nhân văn với những công dân mạnh mẽ, trí tuệ, luôn mỉm cưởi tự tin trước mọi tình huống… biết tự lực phát triển để xây dựng đất nước giàu mạnh, hội nhập thế giới./.

Vương Duy BiênThứ trưởng Bộ VHTTDL


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất