Thứ Hai, 23/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 5/10/2012 15:6'(GMT+7)

Một công cụ quan trọng bảo đảm an sinh xã hội

Hướng dẫn người vay sử dụng vốn tại tổ tiết kiệm và vay vốn

Hướng dẫn người vay sử dụng vốn tại tổ tiết kiệm và vay vốn

 

Chặng đường vượt khó

Là một tổ chức tín dụng đặc thù, NHCSXH hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc XÐGN, bảo đảm an sinh xã hội. Ngày đầu thành lập, nguồn vốn của NHCSXH chỉ có khoảng 7.083 tỷ đồng, cho vay duy nhất một chương trình tín dụng hộ nghèo, với 500 cán bộ từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo chuyển qua. Trụ sở làm việc phải thuê mượn, thậm chí các phòng giao dịch cấp huyện không có ô-tô, két bạc, thiếu cả máy tính, quạt điện... Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đạt xấp xỉ 112 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16 lần so với giai đoạn mới thành lập. Hơn 18,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, với dư nợ bình quân mỗi hộ tăng từ 2,5 triệu đồng (năm 2003) lên hơn 15,5 triệu đồng, góp phần đưa 2,5 triệu hộ trong cả nước vượt qua ngưỡng nghèo.

Chương trình tín dụng hộ nghèo được đánh giá là một trong những Chương trình triển khai thành công nhất, với dư nợ tập trung khá lớn, đạt 40,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,2% tổng dư nợ của NHCSXH. Với quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp trình độ người nghèo; tổ chức giải ngân trực tiếp cho người nghèo vay tại các điểm giao dịch tại xã trước sự chứng kiến của chính quyền, hội, đoàn thể cơ sở, các hộ nghèo trong cả nước đã được vay vốn tối đa đến 30 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng. Ðặc biệt ba năm trở lại đây, chương trình tín dụng hộ nghèo còn kịp thời bổ sung nguồn vốn cho các vùng khó khăn vay theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ,... Trong khi đó, Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) lại có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất, nhanh nhất trong tổng số các Chương trình tín dụng ưu đãi. Ngay sau khi nhận bàn giao từ Ngân hàng Công thương Việt Nam vào năm 2003 với nguồn vốn 160 tỷ đồng, dư nợ là 76 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 13%, NHCSXH đã tập trung tạo lập nguồn vốn, đẩy mạnh việc cho vay, đồng thời tìm cách thay đổi phương thức cho HSSV vay thuận tiện, hiệu quả. Sự cố gắng công tác cùng tính chủ động đề xuất của NHCSXH đã là một trong những căn cứ quan trọng để Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QÐ-TTg về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, đối tượng được thụ hưởng vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi để học tập không chỉ bó hẹp những HSSV trong hệ chính quy như quy định trước đây, mà được mở rộng ra các loại trường, loại hình đào tạo, và là con của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Mức cho vay của chương trình cũng được nâng lên và thực hiện cơ chế thông qua hộ gia đình trực tiếp vay vốn, trả nợ cho ngân hàng. Chính nhờ vậy, doanh số cho vay của NHCSXH từ khi thực hiện Quyết định 157 (năm 2007) đến ngày 30-6-2012 đạt 40 nghìn tỷ đồng với 2,8 triệu lượt HSSV được thụ hưởng và số hộ gia đình đang dư nợ là 1,9 triệu hộ. Trong khi chờ giải ngân năm học mới 2012-2013, NHCSXH đã làm tốt công tác thu nợ đến hạn nên dư nợ đến ngày 31-8-2012 là 34.359 tỷ đồng, giảm so với tháng 6 là 5,6 nghìn tỷ đồng.  Bên cạnh ý nghĩa nhân văn cao cả, chương trình còn tạo sự gắn kết  giữa công tác tín dụng ưu đãi với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát huy hiệu quả nguồn tín dụng ưu đãi

Ðể có cuộc hành trình của một lượng lớn vốn tín dụng ưu đãi đến tận vùng đặc biệt khó khăn và về đúng đối tượng thụ hưởng, thời gian qua, NHCSXH đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Gần 9.000 cán bộ, viên chức của hệ thống NHCSXH thường trực làm nhiệm vụ tổ chức, điều hành, quản lý an toàn nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, kiên trì thực thi công việc theo phương châm "3 cùng": Cùng bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền đoàn thể cơ sở, cùng hướng dẫn người dân vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả. Bên cạnh đó còn có hơn 8.000 cán bộ lãnh đạo do các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cử đến NHCSXH hoạt động kiêm nhiệm để tham mưu hoạch định các chính sách, giải pháp về huy động nguồn lực, về đầu tư tín dụng chính sách.

Một phương pháp quản lý phù hợp đã được NHCSXH lựa chọn thực hiện, đó là thông qua hình thức ủy thác từng phần, ủy thác một số công đoạn trong quy trình tín dụng cho các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện bình xét công khai hộ đủ điều kiện vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn tại các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); cán bộ ngân hàng giải ngân trực tiếp cho các hộ nghèo vay vốn tại các điểm giao dịch tại xã. Thực hiện phương thức này, NHCSXH đã tổ chức được mạng lưới hoạt động rộng khắp ở tất cả các xã, phường, thôn, bản trong cả nước. Hàng vạn cán bộ các hội tham gia chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến đúng địa chỉ hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ðến nay, các tổ chức chính trị - xã hội đã tham gia quản lý 106 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng, chiếm 98% dư nợ của NHCSXH. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và NHCSXH còn chung tay, hợp lực xây dựng hơn 203 nghìn Tổ TK&VV, tổ chức được gần 11 nghìn điểm giao dịch. Tại các điểm giao dịch, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai. Người vay giao dịch trực tiếp với ngân hàng vào một ngày cố định hằng tháng tại địa bàn mình cư trú, để vay và trả nợ, nộp lãi không qua cầu cấp trung gian, trước sự chứng kiến của tổ chức hội, đoàn thể, UBND xã và Tổ trưởng Tổ TK&VV. Vì vậy đã hạn chế việc thất thoát, xâm tiêu, tham ô, lợi dụng tiền vốn, tạo được lòng tin của dân đối với Ðảng, Nhà nước, với NHCSXH.

Mặc dù vậy, sau 10 năm hoạt động, NHCSXH cũng còn một số hạn chế. Ðó là cơ chế tạo lập nguồn vốn chưa có tính ổn định lâu dài, cơ cấu nguồn vốn hiện nay còn bị động và chắp vá, chất lượng tín dụng chính sách tuy được nâng lên nhưng kết quả đạt được không đồng đều trên phạm vi toàn quốc. Ðể khắc phục những khó khăn và thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 21-6-2012 của Quốc hội khóa 13 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định 852 ngày 10-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, NHCSXH trước hết chủ động thực hiện tốt kế hoạch tăng tín dụng ưu đãi, bảo đảm đủ vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách, nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác tín dụng ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể và tăng cường hoạt động tại các điểm giao dịch lưu động ở xã, phường...

Có thể chặng đường phía trước còn nhiều gập ghềnh gian khó, song với thành quả, kinh nghiệm đã đạt được trong 10 năm qua, chắc chắn NHCSXH sẽ hoàn thành nhiệm vụ được Ðảng, Chính phủ và nhân dân tin cậy giao phó.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất