Sau khi được khai trương năm 2002, nhiều Bộ trưởng Ngoại giao của ta khi sang Bỉ đều gọi đây là “ngôi nhà đẹp nhất của Việt Nam trên thế giới”. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Bỉ Didier Reymders cũng dành cho tòa nhà những lời hoa mỹ. Ông Didier Reymders coi tòa nhà  là “công cụ quý báu của ngoại giao Việt Nam tại Bỉ và châu Âu, là biểu tượng của hoạt động ngoại giao nhằm chia sẻ giá trị hiếm có về kỹ năng và sự độc đáo. Đó cũng là sự minh họa rõ nét sức mạnh của mối quan hệ giữa Vương quốc Bỉ và Việt Nam, được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm gần đây”.


Nguyên Đại sứ Phạm Sanh Châu giới thiệu cuốn sách "Ngôi nhà Việt Nam tại Bỉ".

 

Tòa nhà đẹp đến mức, hết nhiệm kỳ đại sứ, như một hành động chia tay đầy quyến luyến “người bạn” đã gắn bó bao năm và cũng là để tôn vinh cái đẹp, kiểm kê tài sản của cơ quan đại sứ, Đại sứ Phạm Sanh Châu có sáng kiến làm một cuốn sách giới thiệu về tòa nhà. Ông viết trong mở đầu cuốn sách “Ngôi nhà Việt Nam tại Bỉ” như thế này: “Một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi trong nhiệm kỳ công tác tại Vương quốc Bỉ là được sống và làm việc trong "Ngôi nhà Việt Nam"… May mắn vì được các vị đại sứ tiền nhiệm để lại một kho báu di sản văn hóa Việt có giá trị to lớn trên đất Bỉ với bao tác phẩm nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kỷ vật của các nghệ sĩ, họa sĩ đương đại kiệt xuất. May mắn vì được nhiều bạn bè quốc tế nghiêng mình khâm phục Việt Nam với bề dày và chiều sâu văn hóa Việt thể hiện qua một "Ngôi nhà Việt Nam". Và cuối cùng, nơi đây chính là sự pha trộn hài hòa nhất giữa nghệ thuật Việt trong không gian kiến trúc neoclassic của phương Tây. Có lẽ không có địa điểm nào lý tưởng hơn giới thiệu văn hóa Việt”.


Học theo mô hình này, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường cũng đã xây dựng thành công một ngôi nhà Việt Nam ở Oa-sinh-tơn DC. Ông tự hào khoe, trong nhiệm kỳ đại sứ của mình có hơn 300 lượt cán bộ lãnh đạo các cấp của Việt Nam sang Mỹ đều khen ngợi tòa nhà và đánh giá những bức tranh chính là điểm nhấn hàng đầu cho tòa nhà. Phu nhân Đại sứ Nguyễn Quốc Cường kể chuyện khi đến ở trong ngôi nhà Việt như thế, bà tìm hiểu về tranh và văn hóa Việt nhiều hơn. Rồi cũng từ những bức tranh được đặt trong một không gian Việt lại tạo ra “cớ” hợp lý để bà nói về văn hóa Việt Nam với những vị khách của mình. Bà cho rằng, khi đã hiểu nhau về văn hóa và có những đồng cảm về cái đẹp thì tất cả những vấn đề chính trị, kinh tế, đối ngoại khác trở nên hào hứng hơn, dễ dàng hơn.

Hiện nay, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhận công tác ở Nhật Bản. Thấy được vai trò to lớn của ngoại giao văn hóa, ông và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn cùng nhiều đại sứ ở các quốc gia khác đang nỗ lực để xây dựng những “Ngôi nhà Việt Nam” tuyệt vời như vậy trên toàn thế giới.

Bài và ảnh: HUY AN