Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 10/6/2010 15:17'(GMT+7)

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra công tác Tuyên giáo

Tăng cường kiểm tra sau mỗi đợt học tập và thực hiện các nghị quyết của Đảng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Tăng cường kiểm tra sau mỗi đợt học tập và thực hiện các nghị quyết của Đảng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

1. Kiểm tra công tác tuyên giáo (trước đây thường sử dụng thuật ngữ “kiểm tra công tác tư tưởng”) là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng trên lĩnh vực tuyên giáo, là hoạt động của cấp ủy đảng và cơ quan tuyên giáo các cấp hướng vào thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Trung ương và địa phương.

Công tác kiểm tra của Đảng đối với công tác tuyên giáo là mắt khâu quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực này. Đảng lãnh đạo lĩnh vực này bằng Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, chương trình công tác, bằng các quyết định và bằng công tác kiểm tra. Kiểm tra công tác tuyên giáo là phương tiện tác động nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng và từng bước bổ sung, hoàn thiện  đường lối, chính sách của Đảng trên lĩnh vực Tuyên giáo.

Trong mỗi thời kỳ cách mạng, công tác tuyên giáo luôn có sứ mệnh quan trọng. Công tác tuyên giáo góp phần xây dựng và cổ vũ việc thực hiện Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng. Để thực hiện Cương lĩnh, đường lối, Đảng ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, các chuyên đề về công tác tuyên giáo, đồng thời, kiểm tra việc thực hiện chúng trong thực tiễn. Việc kiểm tra nắm tình hình thực tiễn, phát hiện những khuynh hướng tư tưởng, tâm trạng và dư luận xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Kết quả kiểm tra là "thước đo" đánh giá tính đúng đắn, tính khả thi và cả những bất cập của một nghị quyết, một quyết định, hay một chỉ thị, thông qua đó để hoàn thiện, bổ sung, hình thành đường lối, chính sách mới cho phù hợp thực tiễn, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Kiểm tra sẽ tạo ra cơ sở khoa học để đổi mới nội dung, hình thức phương pháp công tác tư tưởng và kiện toàn bộ máy các cơ quan làm công tác tuyên giáo. Kiểm tra không chỉ nhằm mục đích phát hiện sai sót mà còn nhằm phát hiện các mặt tốt, các kinh nghiệm hay tìm ra các nguyên nhân cần giải quyết để thúc đẩy việc triển khai có chất lượng và hiệu quả các nghị quyết, quyết định của Đảng.

Lãnh đạo và kiểm tra trong công tác tuyên giáo là hai yếu tố quyết định hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực tuyên giáo. Do vậy, kiểm tra công tác tuyên giáo là một trong những khâu không thể thiếu được trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực này.

Hàng năm, trong báo cáo tổng kết và phương hướng, nhiệm vụ, ngoài nội dung chỉ đạo, lãnh đạo công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các cấp đã cụ thể hoá việc triển khai thực hiện chức năng kiểm tra và đề ra phương hướng, kế hoạch kiểm tra trong năm tiếp theo.

Thực tiễn công tác tuyên giáo của Đảng ta những năm qua cho thấy, nhìn chung các cấp uỷ đảng và ban tuyên giáo các cấp đã bước đầu chú trọng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra các hoạt động tuyên giáo. Mặt tích cực của công tác kiểm tra những năm qua là: đã làm tốt việc kiểm tra tình hình tư tưởng; nội dung tuyên truyền miệng; chất lượng, số lượng hệ thống báo cáo viên; nội dung tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng; các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ; nội dung chất lượng giảng dạy chính trị của hệ thống các trường chính trị ở Trung ương, tỉnh, thành phố, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Công tác kiểm tra của ban tuyên giáo các cấp trong những năm qua đã giúp các cấp ủy Đảng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo. Mới đây nhất, trong đánh giá kết quả công tác tuyên giáo thực hiện nửa nhiệm kỳ Đại Hội X của ngành, Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị tổng kết toàn ngành năm 2008 nêu rõ: trong đổi mới việc học tập nghị quyết, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã có chuyển biến tích cực. “Sau học tập đã có kiểm tra, viết thu hoạch, đánh giá sơ kết, tổng kết kịp thời, từng bước nâng cao nhận thức về quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra từ chỉ thị, nghị quyết”(1).

Về một số kinh nghiệm trong nửa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH X của Đảng về lĩnh vực tuyên giáo, Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị tổng kết toàn ngành năm 2008 cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong việc nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên giáo. Kinh nghiệm đó là: “Hướng mạnh các hoạt động tuyên giáo về cơ sở, tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết thực tiễn” (2).

Tuy nhiên công tác kiểm tra vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Không ít cấp uỷ buông lỏng khâu kiểm tra, thường chỉ chú trọng việc lãnh đạo, ban hành nghị quyết, quyết định, chỉ thị,… ít quan tâm khâu kiểm tra xem xét tình hình thực hiện các nghị quyết, quyết định. Trong khi đó, cũng không ít các cơ quan tuyên giáo các cấp sa vào tình trạng quan liêu, buông lỏng chức năng kiểm tra công tác tư tưởng.

Thực tế và sự bất cập, yếu kém đó đã thể hiện rõ trong nhận định, đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương trong các hội nghị toàn quốc những năm gần đây. Báo cáo tổng kết công tác tư tưởng - văn hoá toàn quốc 5 năm 1991 - 1995 đã nêu rõ “chức năng kiểm tra vẫn là khâu yếu do chưa được quan tâm đúng mức và lúng túng trong tổ chức triển khai, lại chưa được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ… Điều đó làm cho công tác tư tưởng chưa nắm được những vấn đề bức xúc đang đặt ra, chưa hiểu sâu tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, chưa phát hiện kịp thời các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; không chỉ ra kịp thời những hiện tượng sai trái, lệch lạc ở nơi này, nơi khác để khắc phục, uốn nắn”(3). Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 18-2-1995 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay, phần đánh giá tình hình công tác tư tưởng cũng nhấn mạnh: “Việc quán triệt các nghị quyết của Đảng chưa được tiến hành nghiêm túc, gắn với kiểm tra việc thực hiện; chưa kịp thời phổ biến những kinh nghiệm tốt, phê phán các quan điểm sai trái, uốn nắn những khuynh hướng lệch lạc…” (4). Tại Hội nghị công tác tư tưởng văn hoá toàn quốc tháng 4 năm 2000, khi đánh giá thực trạng công tác tư tưởng văn hoá năm 1999, Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương đã nghiêm túc kiểm điểm: “Công tác kiểm tra vẫn là khâu yếu. Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương ra nhiều hướng dẫn nhưng ít kiểm tra xem cấp dưới thực hiện ra sao. Thiếu những chương trình, kế hoạch kiểm tra có bài bản, nên chưa thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật trong ngành” (5). Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị tổng kết toàn quốc năm 2007 cũng chỉ rõ: “trên thực tế, việc tổ chức học tập, tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá sơ tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng còn bất cập; khâu kiểm tra, đánh giá là khâu yếu nhất của cấp ủy, Ban Tuyên giáo Trung ương và địa phương. Thực trạng phổ biến hiện nay là khi nghị quyết ban hành thì khẩn trương tổ chức học tập quán triệt, nhưng sau đó rất ít quan tâm theo dõi, chỉ đạo thực hiện và đánh giá hiệu quả thực tế” (6).

Về nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập, yếu kém trong công tác kiểm tra công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định: “một số cấp ủy, ban, ngành địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác tuyên giáo, do đó sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng chưa đúng tầm; công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tuyên giáo chưa thường xuyên, nhiều nơi xem nhẹ” (7).

2. Bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác tuyên giáo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tăng cường kiểm tra công tác tuyên giáo ở ban tuyên giáo các cấp có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả của toàn ngành, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… của thời kỳ mới.

Trước yêu cầu mới của ngành, cùng với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, việc tăng cường kiểm tra công tác tuyên giáo và khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập của nó là điều kiện quan trọng góp phần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực quan trọng này.

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của toàn ngành trong tình hình mới, theo chúng tôi cần triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng trong việc thực hiện chức năng kiểm tra công tác tư tưởng

Công tác tuyên giáo là nhiệm vụ của toàn Đảng, trong đó cấp uỷ và đồng chí bí thư trực tiếp lãnh đạo, kiểm tra công tác tư tưởng, theo phương châm “có lãnh đạo, có kiểm tra”. Mỗi cấp uỷ cần nhận thức rõ: tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra công tác tuyên giáo cũng có nghĩa là nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp uỷ. Kiểm tra công tác tuyên giáo phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên và là trách nhiệm chính của cấp uỷ.

Nâng cao tính chủ động của cấp uỷ trong công tác kiểm tra. Tính chủ động thể hiện ở chỗ: khi ban hành quyết định và hướng dẫn thực hiện quyết định phải cụ thể hoá công việc kiểm tra thực hiện quyết định.

Xoá bỏ tư tưởng khoán trắng công tác kiểm tra cho cơ quan tuyên giáo. Công tác kiểm tra cần đi vào nền nếp, có chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất, thường xuyên. Coi trọng nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo diễn biến và tổng kết kinh nghiệm sau kiểm tra. Kịp thời khen thưởng, kỷ luật các đơn vị, tập thể, cá nhân làm tốt hoặc làm chưa tốt công tác tư tưởng sau khi có kết luận chính thức của đoàn kiểm tra hoặc vào dịp tổng kết cuối năm. Cấp uỷ, ban tuyên giáo cấp trên cần: “tăng cường kiểm tra các hoạt động tư tưởng của cấp dưới, gắn chặt với tổng kết thực hiện nhiệm vụ chính trị” (8).

Hai là, tăng cường thực hiện chức năng kiểm tra của Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các cấp

Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra công tác công tác tuyên giáo, cần có văn bản thống nhất trong toàn quốc về hoạt động, phương thức kiểm tra công tác tuyên giáo; hướng dẫn ban tuyên giáo các cấp thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp cấp uỷ triển khai công tác kiểm tra, cả về nội dung, kế hoạch và phương pháp kiểm tra; tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra cho ban tuyên giáo tỉnh, thành uỷ, quận, huyện uỷ.

Ba là, vận dụng, kết hợp linh hoạt các hình thức kiểm tra như kiểm tra thường xuyên, đột xuất, định kỳ

Thông qua các hình thức kiểm tra thường xuyên, đột xuất, định kỳ để khắc phục, uốn nắn những thiếu sót, bất cập từ bản thân các nghị quyết, chỉ thị. Thông qua kiểm tra để tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất với cấp ủy cấp trên ra nghị quyết hay chỉ thỉ mới thay thế các văn bản đã cũ, lạc hậu, cho phù hợp với cuộc sống, vốn luôn luôn đổi thay. Mặt khác thông qua các hình thức kiểm tra đó cũng để khắc phục tình trạng lâu nay là chúng ta chỉ quan tâm quán triệt, học tập, ít quan tâm đến việc thực hiện nghị quyết và kiểm tra nó vào cuộc sống thế nào; đồng thời cũng khắc phục sự “lãng quên” nghị quyết, vì có một thực tế lâu nay là do tình trạng “nghị quyết chồng nghị quyết” nên có những nghị quyết trước đó chỉ khoảng hơn 10 năm về trước ít được biết đến.

Trong ba hình thức kiểm tra thì kiểm tra thường xuyên là hết sức quan trọng. Nó giúp chủ thể luôn nắm được những thông tin cần thiết, kịp thời uốn nắn, bổ sung, hoàn chỉnh các quyết định và đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhất. Kiểm tra đột xuất giúp chủ thể đánh giá, kết luận sự vật, hiện tượng một cách nhanh chóng, chính xác và khách quan phục vụ cho việc nghiên cứu, đánh giá và ra quyết định kịp thời khi tình hình đòi hỏi. Kiểm tra định kỳ giúp chủ thể nắm chắc tình hình trong từng thời gian nhất định, để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Đây là hình thức kiểm tra tốt, song phải tiến hành khéo léo, khoa học để nắm được chính xác thực tế công tác tuyên giáo.

Bốn là, đổi mới phương pháp kiểm tra cho phù hợp với đối tượng, nội dung kiểm tra

Như chúng ta đã biết công tác kiểm tra hết sức nhạy cảm, vì nó đụng cham đến tổ chức, con người. Do đó lựa chọn các phương pháp kiểm tra cho phù hợp với từng đối tượng là hết sức quan trọng.

Từ thực tiễn cuộc sống hiện nay nên chăng có thể kết hợp các phương pháp kiểm tra sau:

- Coi trọng phương pháp kiểm tra trực tiếp. Đây là phương pháp quan trọng nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Phương pháp này vừa đảm bảo tính tập trung cao độ, vừa phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ. Nó giúp chủ thể nắm bắt sự việc đúng đắn, chính xác nhất. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, người kiểm tra phải đi tận nơi, xem tại chỗ, để biết chính xác ưu, khuyết điểm của các tổ chức đảng trong việc thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị… của Đảng.

- Nâng cao chất lượng kiểm tra gián tiếp qua các báo cáo, thư từ, kiến nghị… để phân tích, đánh giá, kết luận. Đây là phương pháp không thể thiếu được, song để có kết quả kiểm tra chính xác, chủ thể phải nâng cao trình độ xử lý các nguồn thông tin, gạt bỏ những chi tiết phụ, nắm chắc bản chất vấn đề cần kiểm tra.

- Kết hợp kiểm tra trực tiếp và kiểm tra gián tiếp, gắn với điều tra dư luận xã hội. Kết quả điều tra dư luận xã hội cùng với kết quả kiểm tra thực tế sẽ có cơ sở khách quan để kết luận chính xác vấn đề kiểm tra.

Năm là, đổi mới nội dung kiểm tra theo hướng chú trọng cả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ mang tính lâu dài, thường xuyên và trước mắt của cấp uỷ, cơ quan tuyên giáo

Công tác tuyên giáo luôn đi trước, đi cùng, đi sau, do đó kiểm tra, uốn nắn việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị tự bản thân nó cũng đòi hỏi phải đáp ứng tính chất, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo cả trước mắt và lâu dài. Đối với nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài của công tác tuyên giáo, nội dung kiểm tra cần hướng vào: Kiểm tra chức năng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ về công tác tư tưởng; chức năng tham mưu, chỉ đạo của cơ quan tuyên giáo; chức năng kiểm tra của cả cấp uỷ và cơ quan tuyên giáo. Đối với nhiệm vụ trước mắt của công tác tuyên giáo, cần chú trọng kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, quuyết định, chỉ thị của Trung ương và cấp uỷ địa phương mang tính bức xúc, được dư luận và xã hội quan tâm nhất.

Kiểm tra công tác tuyên giáo là vấn đề tuy không mới, song lĩnh vực này lâu nay rất ít được bàn đến. Do đó, những nội dung nêu trong bài viết này cũng chỉ là những suy nghĩ bước đầu. Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, nhiệm vụ kiểm tra công tác tuyên giáo rất cần được quán triệt và thực hiện tốt hơn. Điều đó cũng là một trong những nhiệm vụ lớn mà toàn ngành trong những năm gần đây đã đề ra. Đó là đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và địa phương. Trên cơ sở kiểm tra để đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ những vấn đề bức xúc của cuộc sống đang đặt ra./.

Trần Doãn Tiến
______________


(1)- Kỷ yếu Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2008, phương hướng nhiệm vụ năm 2009. tr 77)

(2)- Kỷ yếu Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2008, phương hướng nhiệm vụ năm 2009. tr 90).

(3) - Ban Tư tưởng-Văn hoá TW: Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng văn hoá góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nxb.CTQG, Hà Nôi, 1997, t.1, tr.50-51.

(4) - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toán tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2007, t.54, tr.218.

(5) - Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương: Phát huy sức mạnh tổng hợp các binh chủng công tác tư tưởng văn hoá, hướng mạnh về cơ sở, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2000 và những năm tiếp theo, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2000, tr.89.

(6)- Kỷ yếu Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2007, phương hướng nhiệm vụ năm 2008. tr 62.

(7)- Kỷ yếu Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2007, phương hướng nhiệm vụ năm 2008. tr 65.

(8) - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2002, tr.140.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất