Thứ Hai, 23/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 28/8/2013 19:46'(GMT+7)

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) ở Lạng Sơn

Hội viên Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tham gia biểu diễn tại Lễ hội Xuân (Ảnh: Báo Lạng Sơn).

Hội viên Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tham gia biểu diễn tại Lễ hội Xuân (Ảnh: Báo Lạng Sơn).

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", đời sống văn hoá, tinh thần của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều khởi sắc; nhiều giá trị văn hoá được bảo tồn và phát huy; văn hóa đã thực sự góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, trật tự - an toàn xã hội trên địa bàn...

Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) ra đời, Tỉnh uỷ Lạng Sơn xác định đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc; trên cơ sở 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp về xây dựng và phát triển nền văn hoá, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 3/9/1998 về quán triệt học tập và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; căn cứ vào Chương trình và Kế hoạch của Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, việc xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó trọng tâm là giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống, khơi dậy truyền thống yêu nước, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Qua quá trình thực hiện, đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tin tưởng vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa; ý thức phấn đấu vì nền độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được nâng lên; xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình trong lao động, học tập và công tác. 15 năm qua (1998-2012), toàn tỉnh đã có 25.436 tập thể, cá nhân được khen thưởng, trong đó có 08 tập thể, 6.406 cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại; 43 tập thể được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc, 02 tập thể đạt danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 45 tập thể, 152 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3.837 cá nhân được nhận bằng khen của UBND tỉnh khen thưởng kháng chiến; 177 cá nhân được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 1.163 tập thể được tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng; 5.545 tập thể và 7.555 cá nhân được tặng bằng khen chuyên đề, đột xuất của UBND tỉnh. Năm 2011, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từng bước đi vào chiều sâu, với việc thực hiện tốt hương ước, quy ước của các thôn, làng, bản, khối phố và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, nếp sống văn hóa mới đã dần đi vào đời sống trong các cộng đồng dân cư, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh: Tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, ý thức vươn lên trong cuộc sống của nhân dân được nâng cao; nhiều giá trị văn hoá trong gia đình và cộng đồng được phát huy; ý thức trách nhiệm của người dân tham gia xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ngày càng tốt hơn; việc cưới, việc tang, lễ hội được tổ chức văn minh, tiết kiệm...; số gia đình văn hóa, thôn, làng bản, khối phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa mỗi năm một tăng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Năm 2001, có 45.232/147.257 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 30,7%), đến nay đã có 106.314/180.931 hộ gia đình văn hóa được công nhận (đạt 58,7% tăng 28%). Số thôn, bản, làng, khối phố được công nhận đạt văn hóa là 497/2.294 năm 2001 (đạt 21,6%), đến nay đã có 545/2.324 thôn, bản, làng khối phố được công nhận đạt văn hóa (đạt 23,4% tăng 1,8%). Từ 152/1.243 cơ quan, đơn vị được công nhận cơ quan văn hóa năm 2001 (đạt 12,2%), đến nay đã có 1.515/1.744 cơ quan, đơn vị được công nhận cơ quan văn hóa (đạt 86,8% tăng 74,4%).

Hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đội ngũ văn nghệ sỹ không ngừng phát triển. Khi mới thành lập, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh có 68 hội viên, đến nay đã có 249 hội viên với 5 chi hội chuyên ngành, trong đó có gần 80 hội viên thuộc các hội chuyên ngành Trung ương. Trung bình mỗi năm xuất bản 16 - 20 đầu sách với hàng trăm tác phẩm, trong đó, nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, phản ánh chân thực và sâu sắc sự nghiệp đổi mới của tỉnh, của đất nước, có tác dụng định hướng và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ phát triển khá toàn diện. Các đề tài khoa học xã hội và nhân văn hướng vào mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần tích cực vào việc xây dựng, hình thành nhân cách con người mới Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Công tác thông tin đại chúng được củng cố, phát triển và từng bước hiện đại hoá, chất lượng và hiệu quả hoạt động từng bước được nâng cao, tăng cường đưa thông tin về cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 193 trạm truyền thanh - truyền hình (trong đó có 67 trạm phát lại truyền hình, 70 trạm truyền thanh tăng âm; 56 trạm truyền thanh FM); 126/226 xã có đài truyền thanh. Các xã, phường, thị trấn đều được trang bị tủ sách; hầu hết các thôn, bản, khối phố đã có báo đọc trong ngày. Tỉnh đã cung cấp 3.3691 radio, 6.106 ti vi, 106 máy nổ, 30 đầu chiếu phim vi deo, 30 âm ly, 212 micrô, 212 loa phóng thanh, 106 đầu VCD và nhiều phương tiện phát thanh - truyền hình cho các xã vùng khó khăn, tạo điều kiện cho nhân dân các xã vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh được tiếp nhận các thông tin về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trong nước và quốc tế.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã triển khai được 26 dự án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Các làn điệu dân ca, dân vũ, các ngành nghề truyền thống, tiếng nói, phong tục tập quán, lối sống, ứng xử đã từng bước được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy. Năm 2010, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn được thành lập, đến nay, đã phát triển được gần 400 hội viên và thành lập 01 câu lạc bộ thể nghiệm “Nộc Én” tích cực hoạt động, sưu tầm và phát huy giá trị đặc sắc các làn điệu dân ca các dân tộc, mở được trên 40 lớp truyền dạy hát dân ca (then, sli, lượn ) và tổ chức được trên 30 cuộc giao lưu dân ca.

Các lễ hội được quan tâm duy trì và phục dựng, tính đến nay đã triển khai 08 dụ án nghiên cứu, phục dựng lễ hội, đó là: Lễ hội Phài Lừa Nà Lình, xã Quốc Việt, huyện Tràng Định (1999); Lễ Hội Tình yêu (Báo Slao) xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (2006); Lễ hội Nà Cưởm xã Tân Lang, huyện Văn Lãng (năm 2008); Lễ hội Lồng Thồng xã Chu Túc, huyện Văn Quan (năm 2009); Lễ hội đình Cao Sơn, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng (năm 2010); Lễ hội Ná Nhèm, xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn... Hằng năm, trên 340 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ khác nhau được duy trì tổ chức, góp phần bảo tồn và phát huy các loại hình lễ hội, đồng thời là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng di sản văn hóa của tỉnh.

Các giá trị di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm trùng tu tôn tạo và phát huy. Trên địa bàn tỉnh hiện có 581 di tích, gồm 248 di tích lịch sử cách mạng, 44 di tích khảo cổ, 246 di tích kiến trúc nghệ thuật, 43 di tích danh lam thắng cảnh. Trong đó có 23 điểm và khu di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 95 điểm và khu di tích xếp hạng cấp tỉnh. Từ năm 2003 đến nay, đã có 53 di tích được tôn tạo với 130 lượt trùng tu. Các di tích từng bước được khai thác, phát huy giá trị, đóng vai trò tích cực trong giáo dục truyền thống, bước đầu đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ văn hóa và phục vụ có hiệu quả các hoạt động du lịch.

Các thiết chế văn hóa được tăng cường, củng cố. Đến hết năm 2012, cùng với nhiều nguồn kinh phí, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 05 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; gần 10 thiết chế văn hóa cấp huyện, thành phố; 66/226 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn, 1.699/2.328 nhà văn hoá thôn, bản, khối phố; 162/226 sân chơi, bãi tập thể thao xã, phường; 13 sân vận động, 26 nhà luyện tập, 01 nhà thi đấu; 20 sân quần vợt, 3 bể bơi...

Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương mở rộng giao lưu, đối ngoại và hợp tác quốc tế về văn hóa, tỉnh Lạng Sơn cũng đã quan tâm đầu tư vào những hoạt động ngoại giao văn hóa với các tỉnh bạn và nước bạn Trung Quốc. Thông qua những hoạt động ngoại giao văn hoá, đã góp phần tích cực vào việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, quê hương và các giá trị văn hóa truyền thống của Xứ Lạng đến với bạn bè trong nước và quốc tế; thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Lạng Sơn, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng và từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn xứ Lạng./.

Nông Thị Thanh Tâm
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất