Thứ Tư, 18/9/2024
Lý Luận
Chủ Nhật, 25/8/2019 10:28'(GMT+7)

Triết lý nhân sinh trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh là những quan niệm, quan điểm chung của Người trong việc xem xét mọi mặt của cuộc sống, là những quan niệm của Người về cuộc sống, là tâm tư tình cảm, ước mơ, khát vọng, lý tưởng sống của Người.  Triết lý nhân sinh trong Di chúc của Hồ Chí Minh được thể hiện trong những nội dung cơ bản sau:

Trước hết, triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh thể hiện ở tình thương yêu con người, thương yêu nhân dân hết sức sâu sắc. Đó là sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ. Triết lý nhân sinh của Người lấy thực tiễn làm điểm xuất phát, lấy đấu tranh cách mạng làm phương tiện, lấy giải phóng và phát triển con người toàn diện làm mục tiêu - đó là triết lý hành động, triết lý của đạo “ở đời và làm người”. Với Hồ Chí Minh, yêu nước gắn liền với thương dân. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1]. Vì vậy, trong Di chúc, Người cho rằng, việc đầu tiên là công việc đối với con người. Con người là quý giá nhất, là gốc của cách mạng; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Điều này thể hiện tình thương yêu và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với các tầng lớp nhân dân. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[2]. Và “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[3].

Triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự trăn trở, quan tâm của Người tới cả những nạn nhân của chế độ cũ. Người căn dặn phải cải tạo, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện. Đối với những người này, các biện pháp được Người nêu ra đều mang tính nhân văn sâu sắc: Vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo, giúp đỡ họ, bởi theo Người, biện pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất để “trồng người” chính là giáo dục. “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”[4]. Đó là tình yêu thương con người với một tấm lòng bao la, là tình yêu thương của con người đối với con người một cách cụ thể, chân thành, tất cả vì con người và cho con người.

Triết lý nhân sinh trong Di chúc của Hồ Chí Minh còn thể hiện sâu sắc trong tư tưởng của Người về đoàn kết quốc tế. Bản thân Người cũng là hình ảnh sáng ngời của tình đoàn kết đó- tình đoàn kết không chỉ giới hạn ở nhân dân và các nước xã hội chủ nghĩa, mà còn đối với tất cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Vì thế, đối với hai nước Pháp, Mỹ đã xâm lược Việt Nam, nhưng Hồ Chí Minh phân biệt rõ kẻ đi xâm lược với người dân ở đất nước đó, đối đãi chân thành, cởi mở trên tinh thần coi trọng hòa bình, hữu nghị. Người luôn khơi dậy tình cảm tốt đẹp và khích lệ nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập tự do và thống nhất đất nước của nhân dân ta. Người nói: “Nhân dân Pháp có truyền thống cách mạng tốt đẹp trước đây đã ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của toàn thể nhân dân Việt Nam, nay lại tỏ sự đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam và cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước Việt Nam trên cơ sở Hiệp nghị Giơnevơ. Nhân dân Việt Nam rất biết ơn nhân dân Pháp về mối cảm tình đó”[5].

Đối với nhân dân Mỹ, Người nhấn mạnh: “Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hòa bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ. Nhân dân chúng tôi được giáo dục theo tinh thần quốc tế chân chính. Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp với nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn đang nâng đỡ chúng”[6]. Bằng triết lý nhân sinh thấm đượm tinh thần nhân văn và cách mạng, Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng tình hữu nghị đoàn kết với các dân tộc trên thế giới. Di chúc của Người một lần nữa cho thấy, đoàn kết quốc tế là nguồn sức mạnh và là động lực to lớn, là vấn đề mang tầm chiến lược hàng đầu trong đường lối cách mạng Việt Nam.

Một nội dung rất quan trọng của triêt lý nhân sinh trong Di chúc của Hồ Chí Minh là phải chăm lo bồi dưỡng, sử dụng, phát huy sức mạnh của con người, của nhân dân. Xuất phát từ nhận thức về vai trò quần chúng trong lịch sử, vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng…, Người luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng, trí tuệ, tình cảm, nâng cao dân trí, chăm lo mọi mặt cho đời sống nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo, Người luôn tin tưởng vào sức mạnh, tính chủ động sáng tạo của quần chúng nhân dân; đồng thời coi đó như là một nguyên tắc, một biện pháp khắc phục bệnh quan liêu.

Trong các tác phẩm xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, Người luôn khẳng định nhân dân là một trong những yếu tố tác động quan trọng đến sự chuyển hoá khả năng và hiện thực của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định mục tiêu cao cả nhất và thực tiễn nhất, tiêu chí cơ bản đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia là làm cho mọi người dân có được cơm no, áo ấm, được hạnh phúc, được sống tự do, công bằng, dân chủ.

Điểm nổi bật ở triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh là đi từ giải phóng những người dân mất nước, những người lao động cùng khổ đến giải phóng con người. Người nhận thức sâu sắc rằng, chỉ có làm cách mạng vô sản thì mới đem lại tự do cho con người. Bởi mục tiêu của cách mạng là giải phóng con người, mang lại tự do hạnh phúc cho con người, nhưng sự nghiệp này phải được thực hiện theo tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Do đó mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng phải vì dân, vì lợi ích của nhân dân.

Triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở sự nhận thức tình cảm, mà đã nâng lên thành tư tưởng nhân văn hành động, nhằm giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho con người, đặc biệt là giải phóng phụ nữ. Người xác định giải phóng phụ nữ, giành quyền bình đẳng cho phụ nữ là một trong các mục tiêu của cách mạng: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[7]. Trong Di chúc, Người chỉ rõ mục tiêu vươn tới mang tính nhân văn cao cả của người phụ nữ trong chế độ mới đó là quyền bình đẳng giới. Người yêu cầu: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”[8]. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là bản thân phị nữ phải cố gắng hơn nữa

Triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc Người đặc biệt quan tâm và chăm lo tới việc giáo dục đoàn viên, thanh niên, tức là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Do đó, trong Di chúc, Người xác định trọng trách của Đảng đối với thế hệ trẻ là rất to lớn, cụ thể, rõ ràng: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”[9]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, nội dung quan trọng hàng đầu là xây dựng đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa và gột rửa chủ nghĩa cá nhân; đồng thời, phải ra sức bồi dưỡng tri thức lý luận và văn hóa, khoa học - kỹ thuật để trở thành người vừa có đức, vừa có tài.

Nghiên cứu triết lý nhân sinh trong Di chúc của Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn đối với việc phát triển con người Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và tương lai. Đặc biệt, những lời dạy của Người trong Di chúc đã chỉ rõ con đường và mục tiêu của cách mạng nước ta: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[10]. Để thực hiện mục tiêu đó, theo Người “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[11].

Biến triết lý nhân sinh thành hành động thiết thực, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã đấu tranh không mệt mỏi, cống hiến không ngừng cho sự nghiệp giành độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Ngay cả khi phải từ biệt thế giới này, Người vẫn tiếc rằng, không còn được phục vụ nhân dân “lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Sinh thời, Người chăm lo cho dân, cho nước; trước lúc đi xa, Người vẫn không quên căn dặn chúng ta phải chăm lo cho hạnh phúc của mỗi người và mọi người. Triết lý nhân sinh với trung tâm là tình yêu thương con người, vì con người và tất cả cho mọi người ở Hồ Chí Minh, càng làm cho Người trở nên vĩ đại, có tầm ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà còn đối với tất cả nhân dân tiến bộ thế giới.

PGS, TS Nguyễn Xuân Trung


Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn: QĐND

 

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.4, tr.187

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.15, tr.622

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.15, tr.622

[4] Hồ Chí Minh. Sđd., t.15, tr.672.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.14, tr.323

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.14, tr.148

[7] Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.300.

[8] Hồ Chí Minh. Sđd., t.15, tr.617.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.15, t.622

[10] Hồ Chí Minh. Sđd., t.15, tr.624.

[11] Hồ Chí Minh. Sđd., t.15, tr.617

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất