Chủ Nhật, 13/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 10/1/2014 8:19'(GMT+7)

Một số vấn đề đặt ra về chất lượng cán bộ tuyên giáo cấp huyện ở Nam Định hiện nay

Nam Định là tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, dân số khoảng gần 2 triệu người, gồm 09 huyện và 01 thành phố. Tính đến tháng 12/2012, số lượng cán bộ tuyên giáo cấp huyện và thành phố tương đương cấp huyện là 54 người. Đội ngũ này có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ làm công tác tham mưu, chỉ đạo của Huyện ủy về công tác tuyên giáo mà còn là lực lượng trực tiếp, rất quan trọng trong quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và góp phần đưa cuộc sống “trở lại” Nghị quyết của Đảng.

Xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt đó, trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, trực tiếp là của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện ủy của tỉnh Nam Định đã nỗ lực phấn đấu, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp huyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập do cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan, tạo nên những mâu thuẫn nội tại, làm giảm hiệu quả công tác của cấp ủy. Đây là những mâu thuẫn cần phải xem xét, khắc phục mới có thể đáp ứng được đòi hỏi công tác trong tình hình hiện nay.

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa yêu cầu phải nhanh chóng nâng cao chất lượng cán bộ tuyên giáo cấp huyện với việc nhận thức chưa đầy đủ của các cấp ủy về vị trí, vai trò của cán bộ tuyên giáo

Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình chính trị trong nước và trên thế giới. Đặc biệt, ngày càng có nhiều sự việc diễn ra ở địa phương, nhất là ở các cơ sở có nhiều yếu tố nhạy cảm, thường xuyên tác động tới tâm tư, tình cảm, tư tưởng của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhiều vấn đề “nóng” bức xúc, đòi hỏi trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp huyện ngày càng cao.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác Tuyên giáo, các cấp ủy tỉnh Nam Định đã thấm nhuần điều đó, luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng của Ban tuyên giáo và cán bộ tuyên giáo cấp huyện. Tuy nhiên, không phải lúc nào, không phải khi nào và ở đâu, tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đều có nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo và đội ngũ làm công tác này.

Mặc dù sau mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc đã đều cường chỉ đạo cấp ủy các cấp trong huyện củng cố các ban tuyên giáo huyện ủy; kịp thời bổ sung điều chỉnh đội ngũ báo cáo viên cấp ủy khóa mới; ban hành chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo và Quy chế hoạt động báo cáo viên…; hàng năm, đều rà soát củng cố, kiện toàn đội ngũ tuyên giáo về số lượng và chất lượng để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở… Nhưng trong quá trình ấy, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm nổi lên như: Một số cấp ủy nhận thức còn mờ nhạt về hoạt động tuyên giáo, coi công tác tuyên giáo chỉ là tuyên truyền một chiều nghị quyết của Đảng, mà chưa nhận thấy tầm quan trọng của nó trên nhiều lĩnh vực, nhất là đội ngũ này phải có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đủ năng lực tham mưu, nghiên cứu, đề xuất chủ trương chính sách với cấp ủy; có khả năng chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng, nghị quyết và chủ trương của Đảng ủy cấp trên và cùng cấp; thẩm định, thẩm tra hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước, các tổ chức đoàn thể của huyện có liên quan đến các lĩnh vực tuyên giáo, báo cáo Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy; phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng bố trí và sử dụng cán bộ, nhân tài của huyện và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy giao… là những công việc không chỉ có tầm chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy mà còn là những công việc gắn bó thường xuyên với đời sống xã hội, gắn trực tiếp với tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.

Nhận thức chưa đúng mức ấy, dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc xác định chức năng nhiệm vụ của tuyên giáo cấp huyện; đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng; việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên giáo theo hướng hiện đại; đầu tư kinh phí hoạt động; phương tiện hoạt động hỗ trợ trong công tác tuyên truyền… làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của cán bộ tuyên giáo.

Nam Định là quê hương có truyền thống yêu nước, cách mạng, nhưng cũng là địa bàn thường có những diễn biến chính trị phức tạp do đa dạng các thành phần lao động, tôn giáo, tín ngưỡng. Trong lịch sử cũng như hiện tại, trên địa bàn các huyện trong tỉnh thường phát triển đan xen nhiều tôn giáo khác nhau, để lại những dấu ấn đậm nét, có tính điển hình của cả nước về cơ sở vật chất, ý thức và niềm tin tôn giáo, số lượng chức sắc và tín đồ… Hiện nay, Nam Định có 3 tôn giáo được công nhận và hoạt động, đó là: Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Theo số liệu thống kê: Phật giáo có 838 chùa; 848 tăng, ni và khoảng trên 15 vạn tín đồ (nếu kể cả những người chịu ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo, chiếm tới 65% dân số của tỉnh). Công giáo gồm trọn vẹn Giáo phận Bùi Chu và 1 phần Giáo phận Hà Nội; có 141 xứ - nhà thờ xứ (Giáo phận Bùi chu 119 xứ và Giáo phận Hà Nội 22 xứ), 521 nhà thờ họ, 513 nhà Nguyện; 2 giám mục, 191 linh mục, 134 chủng sinh đang học tại Đại chủng viện, trên 47 vạn giáo dân (chiếm 25% dân số toàn tỉnh). Đạo Tin lành có 2 Hội Thánh Tin lành thuộc Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) do 2 mục sư và 1 mục sư nhiệm chức quản nhiệm, có 2 nhà thờ với 670 tín đồ. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện còn có một số điểm, nhóm Tin lành và một số hệ phái chưa được công nhận tư cách pháp nhân.

Cùng với những diễn biến phức tạp nảy sinh sau một số chủ trương của tỉnh, huyện và các xã trong quá trình CNH, HĐH, nhất là trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quá trình phát triển và hoạt động của các tôn giáo, tín ngưỡng ở Nam Định diễn ra đa dạng, là những vấn đề luôn đặt ra cho cán bộ tuyên giáo những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Nếu không nắm vững chủ trương của Đảng và biết cách tuyên truyền, giải thích sẽ dễ dẫn tới những điểm nóng chính trị, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Điều đó, đòi hỏi năng lực, phẩm chất cán bộ tuyên giáo phải được nâng cao.

Việc nhận thức đúng đắn và đầy đủ của cấp ủy về vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ, nâng cao chất lượng của đội ngũ tuyên giáo cấp huyện, để xác định chủ trương, hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế hoạt động phù hợp trong nhiệm vụ chính trị của cấp ủy là hết sức cần thiết. Vấn đề này không chỉ là nhu cầu tồn tại có tính chất nguyên lý về lý luận mà còn là giải pháp thực tiễn rất quan trọng để đẩy mạnh công tác tư tưởng trong giai đoạn cách mạng mới.

Thứ hai, mâu thuẫn giữa yêu cầu phải nhanh chóng nâng cao chất lượng cán bộ tuyên giáo cấp huyện với thực trạng trình độ, năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ  hiện nay.

Nâng cao chất lượng cán bộ tuyên giáo cấp huyện phụ thuộc rất lớn vào năng lực, trình độ của đội ngũ này. Tuy nhiên trong thực tế, chất lượng đội ngũ tuyên giáo cấp huyện vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của công tác tuyên giáo.

Với một tỉnh có mức dân số gần hai triệu dân, 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thanh phố; 230 đơn vị hành chính cấp xã, phường và thị trấn, với nhiều thành phần lao động, tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng đội ngũ tuyên giáo cấp huyện của cả tỉnh chỉ có 54 người, là một con số khiêm tốn nếu không nói là quá ít. Nhiều năm qua, các Ban tuyên giáo cấp huyện chỉ có từ 3 đến 5 biên chế, trong đó có 1 trưởng ban, 1 hoặc 2 phó trưởng ban, số cán bộ chuyên môn, làm đúng nghiệp vụ tuyên giáo rất ít. Trong khi đó, cấp xã chưa có cán bộ tuyên giáo chuyên trách; hầu hết trưởng ban tuyên giáo cấp xã là các đồng chí trong thường trực cấp ủy kiêm nhiệm. Nhiều cán bộ tuyên giáo được điều động, luân chuyển “thu dung” từ những đơn vị khác trong huyện, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo; chưa được rèn luyện qua thực tiễn, qua các thử thách chính trị. Thậm chí có trường hợp có “vấn đề” ở nơi khác do không bố trí sắp xếp được công tác, hoặc không còn đủ nhiệm kỳ thì chuyển về công tác tại ban tuyên giáo, làm cho chất lượng cán bộ luôn mâu thuẫn với đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ chính trị.

Qua đánh giá gần đây về chất lượng cán bộ tỉnh Nam Định, cho thấy: Trong tổng số cán bộ tuyên giáo cấp huyện của tỉnh đều có trình độ đại học trở lên, trong đó, có 6 người có trình độ trên đại học (chiếm 11,1%), tuy nhiên có nhiều người được đào tạo không chính quy dưới các hệ tại chức, chuyện tu, hàm thụ, từ xa và không thuộc các chuyên ngành là lình vực tuyên giáo; về lý luận chính trị có 5 người có trình độ cao cấp (chiếm 9,25%), 06 người có trình độ trung cấp chiếm 11,1%), số còn lại đều có trình độ sơ cấp hoặc trung cấp (Nguồn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Định).

Với một lực lượng như vậy, cùng với sự quan tâm chưa đầy đủ, thiếu dồng bộ và không đồng đều của các cấp ủy và chính quyền địa phương, dẫn đến còn nhiều mặt hạn chế trong công tác tuyên giáo cấp huyện. Nhiều cán bộ tuyên giáo chưa quen với cách tiếp cận các phương tiện truyền thông hiện đại, việc truy cập, xử lý thông tin còn nhiều bất cập. Quá trình triển khai nhiệm vụ, chủ yếu là làm theo, nói theo kế hoạch, chương trình quy định của cấp ủy mà thiếu các khả năng nghiên cứu, các dự báo, phát hiện, phân tích sáng tạo. Một số cán bộ có bằng cấp chuyên môn, lý luận chính trị đầy đủ nhưng không có năng lực về tuyên giáo, được sắp xếp là vì có bằng cấp, hoặc đã từng giữ các chức vụ ở đâu đó, khi về tuyên giáo vừa là lĩnh vực mới, khó, phức tạp lại không có “màu mè”, nên đã không phát huy được khả năng, lại thiếu tâm huyết, làm cho chất lượng công tác tuyên giáo của huyện bị giảm sút. Bản thân cán bộ tuyên giáo chưa nỗ lực, cơ chế tuyển dụng, sắp xếp, đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác chưa phù hợp (trong đó có nguyên nhân chính từ chính sách vĩ mô); quá trình đào tạo, nhất là đào tạo tại chức, từ xa còn chạy theo thành tích, phong trào, không đảm bảo chất lượng, là những nguyên nhân gây nên sự bất cập về chất lượng của đội ngũ tuyên giáo các huyện trong tỉnh.

 Theo một khảo sát gần đây về chất lượng cán bộ Tuyên giáo cấp huyện, cho thấy, một bất cập lớn nữa trong chất lượng cán bộ tuyên giáo là phần lớn chưa được đào tạo chuyên ngành công tác tư tưởng nên ảnh hưởng nhiều đến phong cách và nghệ thuật truyền đạt, hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Về bằng cấp, đa số đều có trình độ nhất định, song chủ yếu được đào tạo từ các ngành khác như lịch sử Đảng, ngữ văn, báo chí, sư phạm, thậm chí là các ngành không gắn với hoạt động xã hội…Chẳng hạn, Ban Tuyên giáo huyện ủy Xuân Trường có 05 cán bộ tuyên giáo, trong đó, 02 người tốt nghiệp đại học sư phạm, 01 người có bằng đại học tại chức văn hóa, 02 người được đào tạo ngành lịch sử Đảng. Như vậy, cả ban không có cán bộ nào được đào tạo ngành chính trị học, chuyên ngành công tác tư tưởng. Điều này cũng xảy ra ở hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh, chứng tỏ, số có trình độ, được đào tạo từ ngành chính trị học, chuyên ngành công tác tư tưởng còn chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng số cán bộ ngành tuyên giáo.

Hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nảy sinh nhiều vấn đề mới. Một số vấn đề lý luận đang bị lạc hậu so với thực tiễn, hoặc không giải đáp được các vấn đề thực tiễn, cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị - tư tưởng đang diễn biến phức tạp. Do đó, để nâng cao chất lượng cán bộ tuyên giáo cấp huyện, công việc bồi dưỡng năng lực, nâng cao trình độ lý luận, xây dựng bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức, hoàn thiện đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp huyện là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay.

Thứ ba,  mâu thuẫn giữa yêu cầu phải nhanh chóng nâng cao chất lượng cán bộ với môi trường và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ tuyên giáo cấp huyện hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp huyện của tỉnh Nam Định trong những năm qua có nhiều biến động. Các phòng ban khi tách nhập hoặc khi thay đổi điều động cán bộ đều bị tác động bởi các yếu tố không ổn định. Trong khi đó, tổ chức bộ máy cấp huyện thiếu thống nhất, làm tiềm ẩn xu hướng tách rời trong hoạt động giữa các bộ phận trong ban, thậm chí trong một phòng chuyên môn. Môi trường làm việc không ổn định, các chế độ đặc thù chưa có, hoặc chưa đủ mạnh đã gây ra nhiều khó khăn cho việc nâng cao chất lượng cán bộ ngành tuyên giáo nói chung và tuyên giáo cấp huyện nói riêng. Nhiền cán bộ không coi công tác tuyên giáo là một nghề gắn với sự nghiệp của mình, mà chỉ là nơi “lấy biên chế” rồi tìm cách thuyên chuyển sang lĩnh vực khác, hoặc với đối tượng khác là chờ “hạ cánh”.

Một số cấp ủy có chuyển biến tích cực trong nhận thức, nhưng lại bị giàng buộc trong cơ chế tài chính, nên việc đầu tư cơ sở vật chất như phòng làm việc, phương tiện phục vụ công tác; máy vi tính, máy ảnh, máy nghe nhìn, máy chiếu... cho cán  bộ tuyên giáo cấp huyện là rất khó khăn. Nhiều địa phương trong tỉnh chưa trang bị phương tiện làm việc đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho Ban Tuyên giáo và cán bộ tuyên giáo. Điều này đã gây ảnh hưởng tới việc đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền và nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền của cán bộ tuyên giáo cấp huyện.

Điều đáng quan tâm là, hầu hết cán bộ tuyên giáo cấp huyện không được thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để được đào tạo, đào tạo lại hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo, thậm chí cán bộ tuyên giáo huyện không được cấp kinh phí để đi dự các hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh, kinh phí mua tài liệu...

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ tuyên giáo cấp huyện còn nhiều hạn chế, bất cập. Ngoài chế độ lương và các khoản phụ cấp như cán bộ các ban Đảng nói chung, cán bộ tuyên giáo cấp huyện của tỉnh thường không có nguồn thu nhập nào khác, trong khi đòi hỏi công việc lại rất nhiều. Gánh nặng tuyên giáo cấp huyện vẫn luôn đặt lên vai cấp ủy. Lương thấp, việc nhiêu, khó khăn, phức tạp, làm cho nhiều cán bộ tuyên giáo cấp huyện trong tỉnh không thể bền lòng bám trụ với sự nghiệp. Vì thế, phần nhiều cán bộ tự “an phận”, làm việc cầm chừng và chẳng cần trau dồi năng lực chuyên môn nghiệp vụ hay “mẫn cán” với công việc. Một số người có ý chí thì tìm cơ hội để tiến thân. Bất cập trong chính sách tiền lương, thu nhập và các chế độ đãi ngộ hiện nay đối với tuyên giáo cấp huyện, đặc biệt đối với các vùng khó khăn, có nhiều điểm “nóng”, phức tạp, không thể khuyến khích cán bộ cơ sở tích cực như phong trào “Ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào như trước đây. Thực trạng đó khiến cho tuyên giáo cấp huyện, thành phố luôn thiếu vắng cán bộ giỏi, thật sự tâm huyết và gắn bó với nghề. Chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng giảm sút so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Nam Định cùng với cả nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, từng bước chuyển mình theo hướng xây dựng một tỉnh công nghiệp hiện đại. Công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng cán bộ tuyên giáo của Đảng nói riêng trở thành vấn đề bức thiết trong công cuộc đổi mới. Trên lĩnh vực công tác tư tưởng, hơn lúc nào hết, nhiệm vụ đặt ra hiện nay rất nặng nề. Bởi chính những bước chuyển của cách mạng, của công cuộc đổi mới luôn đi liền với sự xuất hiện các vấn đề tư tưởng. Giải quyết tốt những mâu thuẫn nêu trên, chất lượng cán bộ tuyên giáo cấp huyện của tỉnh Nam Định sẽ được cải thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Đỗ Thị Mai Hương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất