Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới khẳng
định, gia đình Việt Nam có vai trò quan trọng với cá nhân và xã hội, là
một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững
của đất nước.
Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình
được hiểu là việc gia đình, dòng họ, cơ quan, tổ chức và tổ hòa giải ở
cơ sở thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt bạo lực, mâu thuẫn, tranh chấp
một cách ổn thỏa, phục hồi lại cuộc sống, tâm lý của cá nhân, gia đình.
Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là quá trình
người/tổ hòa giải thực hiện hoạt động phân tích, tư vấn, hướng tới sự
đồng cảm và sẵn lòng lắng nghe nỗi đau của nạn nhân, sự thừa nhận những
tổn thương và chấp nhận thay đổi thái độ, hành vi của người gây ra hành
vi bạo lực. Quá trình hòa giải là giải quyết và cố gắng hàn gắn chia rẽ,
khép lại vụ việc và chữa lành vết thương, mang lại công lý cho nạn
nhân; phục hồi cuộc sống và tâm lý của các nạn nhân; thúc đẩy sự đồng
cảm, sẻ chia gắn với trách nhiệm của đối tượng gây ra bạo lực; từ đó,
khôi phục cuộc sống bình yên cho gia đình và cộng đồng. Đây là một quá
trình thay đổi sâu sắc, liên quan đến thay đổi thái độ, nguyện vọng, cảm
xúc, thậm chí có thể cả niềm tin. Sự thay đổi sâu sắc như vậy không thể
vội vàng hoặc áp đặt, mà cần có thời gian, cũng như không có công thức
thành công chung cho mọi trường hợp. Quá trình hòa giải không chỉ nghiêm
khắc lên án hành vi bạo lực gia đình, mà còn góp phần nâng cao nhận
thức của toàn xã hội về vấn đề bình đẳng giới, tạo sức lan tỏa trong
cộng đồng, khuyến khích những nạn nhân bị bạo lực gia đình, nhất là
phụ nữ, không e ngại, không che giấu khi gặp phải hành vi bạo lực gia
đình; đồng thời, xây dựng ở mỗi người dân tinh thần chủ động thông tin
cho cơ quan chức năng về các hành vi bạo lực gia đình.
Thời
gian qua, bạo lực đối với phụ nữ vẫn là một trong những vấn đề nhức
nhối mà phụ nữ phải đối mặt trên quy mô toàn cầu. Báo cáo Điều tra quốc
gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 (trên 5.976 phụ nữ từ
15 - 64 tuổi) cho thấy, tuy tỷ lệ bạo lực ở các hình thức đều thấp hơn so
với năm 2010, song tình hình còn khá phức tạp. Năm 2019, cứ ba phụ nữ
thì có gần hai phụ nữ (62,9%) từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác,
tình dục, tâm lý (tinh thần và kiểm soát hành vi) và/hoặc bị bạo lực
kinh tế; có 31,6% phụ nữ chịu các hình thức bạo lực này trong năm 2019;
13,3% phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời và 5,7% bị bạo lực này
vào thời điểm khảo sát và hầu hết những phụ nữ này cũng bị bạo lực thể
xác. Phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực nhiều hơn so với bạo lực do người
khác gây ra và chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, năng suất
lao động và cuộc sống nói chung (1). Ở Việt Nam, phần lớn phụ
nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ rất ít người tìm
kiếm sự giúp đỡ từ xã hội. Việc gặp gỡ, tiếp xúc với nạn nhân cũng như
người gây ra bạo lực gia đình rất khó khăn do tâm lý xác định đây là
việc gia đình, không muốn đưa ra ngoài xã hội; nhiều vụ bạo lực gia đình
đã xảy ra song chưa được chính quyền địa phương và tổ hòa giải tham gia
giải quyết kịp thời, nhất là các vụ bạo lực gia đình về tinh thần và
tình dục rất khó phát hiện do tâm lý chịu đựng của phụ nữ. Đa số các vụ
việc bạo lực gia đình là do người dân phát hiện, rất ít trường hợp người
bị bạo lực tố giác, yêu cầu can thiệp. Chính vì thế, công tác hòa giải
trong phòng, chống bạo lực gia đình là hoạt động cần thiết và cần đặt
trong mối quan hệ giới và gia đình của không gian văn hóa Việt Nam hiện
nay.
Để nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải, góp phần phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Quá trình hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình cần chú ý đến chiều cạnh văn hóa và quyền lực giới.
Trước
tiên, hoạt động hòa giải cần quan tâm đặc biệt đến chiều cạnh văn hóa
của các mối quan hệ hôn nhân, gia đình. Chiều cạnh văn hóa của hòa giải
nhiều khi ảnh hưởng đến khía cạnh pháp lý, nhất là ở khu vực nông thôn,
nơi sức mạnh và tầm ảnh hưởng của dòng họ, cộng đồng truyền thống còn
đậm nét. Ví dụ, người hòa giải nhiều khi gắn các cá nhân với việc thực
hành vai trò của giới theo quan niệm truyền thống thông qua các tục ngữ,
thành ngữ nói về đức làm vợ, làm chồng, đề cao sự nhẫn nhịn, cam chịu
của phụ nữ (như “chồng giận thì vợ bớt lời”, “một sự nhịn, chín sự
lành”); về ý nghĩa của gắn kết gia đình toàn vẹn, mà bỏ quên những cam
chịu, đau khổ, tổn thương của nạn nhân bạo lực gia đình. Do đó, vấn đề
hòa giải bạo lực gia đình thường được tiếp cận trên quan điểm giữ gìn sự
toàn vẹn gia đình là ưu tiên hàng đầu.
Thiếu nhi thi vẽ tranh chủ đề "Gia đình của em" - hoạt động trong
khuôn khổ Ngày hội Gia đình Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tổ chức. (Ảnh: TTXVN)
Chiều
cạnh quyền lực giới có liên hệ mật thiết với chiều cạnh văn hóa trong
hòa giải phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện nay, những thay đổi về luật
pháp, chính sách, biến đổi văn hóa và xã hội tác động mạnh tới quan hệ
quyền lực giới ở Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam đã có những vị thế xã hội cao
hơn trong gia đình, xã hội và các không gian khác mà trước đây là độc
quyền của nam giới. Tuy nhiên, nhiều nơi trên cả nước vẫn còn bị ảnh
hưởng của tư tưởng Nho giáo phong kiến với nhiều định kiến giới với phụ
nữ và đề cao vai trò, vị thế của nam giới trong gia đình và xã hội.
Trong không gian gia đình Việt Nam mang đậm nét truyền thống hiện nay,
mối quan hệ của giới và quyền lực thường đặt gia đình lên trên cá nhân,
nam giới trên nữ giới, người cao tuổi trên người trẻ tuổi. Nam giới cao
tuổi trong gia đình thường giữ vai trò quyết định trong các cuộc họp hòa
giải mâu thuẫn gia đình. Nhiều nam giới hợp lý hóa việc bạo hành vợ
bằng những quan điểm chịu ảnh hưởng của phong kiến khi cho rằng, vợ phải
phục tùng chồng và cho mình quyền dạy dỗ vợ bằng bạo lực. Đa số phụ nữ
cho rằng, gia đình là ưu tiên, chồng được ưu tiên hơn vợ trong phát
triển sự nghiệp. Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019
cho thấy, hơn một phần tư phụ nữ (27,2%) quan niệm rằng, người vợ tốt là phải nghe lời chồng, cho dù bản thân không đồng ý (2). Vì
thế, nhiều quá trình hòa giải được bắt đầu bởi chính những tiền đề có
sẵn ở những người làm hòa giải, rằng một số mức độ bạo lực là có thể
chấp nhận, có thể tha thứ (do một “lỗi” nào đó của người vợ).
Bên cạnh đó, vị
thế phụ thuộc chồng về kinh tế khiến nhiều người phụ nữ bị bạo hành
thường nhẫn nhịn, cam chịu, vì thế, nhiều người chồng nắm quyền kinh tế
cho mình có quyền bạo hành vợ mà không cần quan tâm tới hậu quả. Với
những trường hợp này, sự tham gia của người vợ vào quá trình hòa giải là
ít ý nghĩa vì sự thống trị quyền lực kinh tế của chồng với vợ. Do đó,
trao quyền kinh tế cho phụ nữ để họ có thể tự chủ trong cuộc sống là một
giải pháp bền vững.
Đồng
thời, vì muốn con cái được có đầy đủ cha mẹ, nhất là trong bối cảnh văn
hóa phụ nữ Việt Nam có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với con cái hơn so
với nam giới, nhiều phụ nữ bị bạo hành vẫn chịu đựng để giữ gia đình
toàn vẹn cho con cái, giữ thể diện cho gia đình. Trong trường hợp này,
người phụ nữ đặt quyền tự do, tự chủ cuộc sống của bản thân bên dưới sự
toàn vẹn gia đình cho con cái. Với những ảnh hưởng của các chiều cạnh
văn hóa này, người hòa giải nhiều khi vô tình mang những định kiến giới
để khuyên nạn nhân bạo lực gia đình nhẫn nhịn, hy sinh, tha thứ cho
người gây ra bạo lực. Vì thế, cần chú trọng yếu tố văn hóa, con người,
bình đẳng giới trong hòa giải phòng, chống bạo lực gia đình.
Quá trình hòa giải phòng, chống bạo lực gia đình cần tiếp cận lấy phụ nữ, người bị bạo lực làm trung tâm, tôn trọng các giá trị văn hóa và tính tự chủ của phụ nữ. Tiếp
cận này chú ý tới việc tôn trọng người phụ nữ, đặt người phụ nữ bị bạo
hành không chỉ là một nạn nhân đơn độc, mà còn là một người vợ, người
mẹ, người con dâu, giúp người phụ nữ thấy được sự gắn bó với gia đình và
cộng đồng, từ đó tìm kiếm sự chia sẻ, giúp đỡ không chỉ của các thành
viên gia đình, họ hàng mà cả xã hội. Các tổ hòa giải cần thể hiện sự sẵn
sàng giúp đỡ và sự hiểu biết về hoàn cảnh gia đình của nạn nhân, động
viên nạn nhân không nên cam chịu, mà cần tìm sự hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể. Đồng thời,
đặc thù của bạo lực gia đình là nạn nhân và người gây ra hành vi bạo
lực cùng sống trong gia đình; nam giới gây ra hành vi bạo lực gia đình
đối với phụ nữ là chủ yếu, nên người nam giới cần được xem là đối tượng
đích trong công tác hòa giải. Hòa giải thực sự là sự thay đổi từ người
có hành vi bạo lực, chứ không phải là sự chấp nhận hay tha thứ từ người
chịu bạo lực. Nếu người gây ra hành vi bạo lực sẵn sàng nhận sự giáo
dục, giúp đỡ ngăn chặn hành vi bạo lực của mình, cụ thể là chấp nhận hòa
giải, tư vấn, thì mối quan hệ bạo lực có thể được thay đổi.
Như
vậy, có thể thấy, trong quá trình hòa giải phòng, chống bạo lực gia
đình, điều quan trọng nhất là phải lấy phụ nữ, người bị bạo lực làm
trung tâm, đặt trong mối quan hệ với các đặc điểm văn hóa, quan hệ giới
trong xã hội đương đại. Có như vậy, công tác hòa giải mới có thể mang
lại hiệu quả thực sự bền vững, hướng tới xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh
phúc.
Nâng cao trình độ, năng lực người hòa giải
Lớp tập huấn dành cho nhân viên tham vấn và công tác xã hội trực
tiếp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại mô hình "Nhà tạm lánh" (Ngôi
nhà Bình yên). (Ảnh: baoquocte.vn)
Yếu
tố quan trọng quyết định sự thành công và bền vững của hòa giải là
trình độ, năng lực của người hòa giải. Thực tế cho thấy, các hòa
giải viên thường chưa được bồi dưỡng kiến thức về giới và bạo lực gia
đình nên nhiều vụ việc hòa giải chưa thực sự phát hiện được bản chất sự
việc, chưa hóa giải được mâu thuẫn, do đó, nhiều trường hợp bạo lực tái
diễn. Thậm chí, một số người còn có tư tưởng định kiến giới khi hòa giải
theo hướng khuyên nhủ sự nhẫn nhịn của phụ nữ để xây dựng gia đình ấm
êm, mà chưa thực sự quan tâm đến tâm lý, tình cảm, quyền của phụ nữ.
Cũng chính do trình độ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, nhiều
nạn nhân lo sợ hậu quả đối với chính bản thân và con cái về vật chất và
tinh thần. Bởi người hòa giải nếu không khéo léo, không đủ năng lực hóa
giải mâu thuẫn thì khi người hòa giải rời đi, để lại người gây ra hành
vi bạo lực và người bị bạo lực cùng chung sống dưới một mái nhà, sẽ gây
nhiều nguy cơ cho người bị bạo lực. Vì thế, việc các hòa giải viên được
tập huấn về kiến thức, kỹ năng và có chứng chỉ hòa giải viên bạo lực gia
đình là cần thiết.
Ngoài
ra, do đặc điểm che giấu bạo lực gia đình, nên các trường hợp được phát
hiện hay được báo cáo đa phần là nghiêm trọng. Chẳng hạn, các vụ việc
bạo lực về thể chất đối với phụ nữ thì tổ hòa giải thường không thể trực
tiếp tiến hành hòa giải, mà cần có sự giúp đỡ của lực lượng công an địa
phương. Ngoài việc bảo đảm yếu tố giới, dân tộc thiểu số trong thành
phần tổ hòa giải trong Luật Hòa giải ở cơ sở hiện nay, thì việc có đại
diện của ngành công an là cần thiết để bảo đảm tính kịp thời của việc
hòa giải và tình huống chuyển tiếp thành vụ việc hành chính, hình sự.
Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn nữa cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022 nêu
các quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, nguyên
tắc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Quy
định này trong dự thảo luật sửa đổi nên được gọi thống nhất như luật
hiện hành là “Các nguyên tắc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình”.
Luật
Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành quy định hòa giải mâu thuẫn,
tranh chấp do gia đình, dòng họ tiến hành (Điều 13), do cơ quan tổ chức
tiến hành (Điều 14) và do tổ chức hòa giải cơ sở tiến hành (Điều 15). Dự
thảo luật sửa đổi có quy định các loại hình hòa giải tương tự. Việc
phân chia các loại hình hòa giải như trên là cần thiết, nhằm bảo đảm có
sự tham gia đầy đủ của gia đình, cộng đồng, xã hội trong phòng, chống
bạo lực gia đình.
Thực
tế công tác hòa giải yêu cầu người hòa giải cần có kinh nghiệm, thấu
hiểu được những nhu cầu, giá trị, nguyện vọng của cả nạn nhân và người
gây ra hành vi bạo lực. Người hòa giải vì thế không chỉ cần am hiểu pháp
luật, chính sách, mà còn cần có hiểu biết về văn hóa và các tập quán
truyền thống của cộng đồng để có thể bảo đảm tính pháp lý cũng như khả
năng hòa giải thành công. Trên thực tế, đối với hòa giải do gia đình,
dòng họ và cơ quan tổ chức tiến hành, các yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn
theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, về kiến
thức pháp luật, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên
cơ sở giới trong gia đình, về quyền con người không phải lúc nào cũng
được bảo đảm. Để kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình đang diễn ra, kịp
thời bảo vệ sức khỏe, mạng sống cho người bị bạo lực, thì bất kỳ ai
trong gia đình, dòng họ, cơ quan, tổ chức chứng kiến hoặc biết vụ việc
đều có thể hòa giải ngăn chặn, không bắt buộc bảo đảm có đầy đủ tiêu
chuẩn về hòa giải ở cơ sở. Đối với thành viên tổ hòa giải cơ sở, các yêu
cầu về tiêu chuẩn như trên là cần thiết. Bên cạnh đó,
luật cần có quy định rõ hơn khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng
hòa giải thông thường và khi nào thì cần các biện pháp khác, như xử lý
hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật nên bổ sung các quy định
để người tham gia hòa giải của từng loại hình nắm được khi nào cần làm
gì cho từng tình huống cụ thể của bạo lực gia đình. Ví dụ, hòa giải của
gia đình, dòng họ cho những tình huống nào, khi nào cần báo cáo vụ việc
lên chính quyền, khi nào dừng ở hòa giải? Với các cơ quan, tổ chức tham
gia hòa giải, cần quy định cụ thể tình huống nào thì hòa giải, khi nào
thì báo cáo vụ việc để xử lý. Đặc biệt, với trẻ em, người cao tuổi hay
một số nhóm đặc thù như hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đang
cư trú tại Việt Nam, cần có các quy định về phòng ngừa, hòa giải và bảo
vệ, hỗ trợ trong phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể./.
PGS. TS. Trần Thị Minh Thi
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
__________________
(1) Xem: Trần Thị Minh Thi (chủ biên): Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2021.
(2) Xem: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam: Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 - Hành trình để thay đổi, H, 2020.
(Nguồn: TC Cộng sản)