Thứ Sáu, 20/9/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Năm, 3/2/2022 9:0'(GMT+7)

Một từ Đảng “nói gọn, viết hoa”

Nếu đứng riêng rẽ, đảng chỉ là một danh từ chung, chỉ “nhóm người kết hợp với nhau để cùng thực hiện một mục đích chung nào đó, trong sự đối lập với những nhóm người khác” (Theo Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2020). Chính đảng là chỉ một đảng cụ thể. Ở Việt Nam hiện nay, khi nói tới từ “Đảng”, mặc nhiên, dùng để chỉ “Đảng Cộng sản Việt Nam” (tiền thân là Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam).

Từ Đảng nói rút gọn như thế không hề chịu một “áp lực” nào hết. Không có văn bản nào quy định, bắt buộc phải làm thế. Đó là một nhu cầu biểu hiện tự thân. Khi một từ cụ thể được xuất hiện với tần số cao, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì nó sẽ có khả năng “tỉnh lược và rút gọn” trong giao tiếp. Điều này không chỉ có giá trị tiết kiệm mà còn làm cho việc diễn giải rõ ràng, mạch lạc hơn. Nếu là 2 người dạy (hay học) cùng khoa, cùng trường… thì câu hỏi đại loại như: “Hôm nay cậu có vào Khoa không? Mai nhớ lên Trường họp tổng kết nhé!”… hoàn toàn được hiểu bình thường; vì cả hai đều xác định rõ các đối tượng vừa được nhắc đến là khoa của mình, trường của mình. Trừ trường hợp chuyển sang một đối tượng khác “lệch quy chiếu” thì lập tức người nói phải điều chỉnh, ví dụ: Văn phòng Khoa nhắc cậu nhớ sang khoa Toán, trường đại học Sư phạm lấy tài liệu nhé. Trong giao tiếp tiếng Việt hiện nay, có biết bao nhiêu từ được nói gọn như thế: đoàn (viên) (tức đoàn (viên) Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, bách hoá (cửa hàng bách hoá tổng hợp), (trường) Kiến trúc, Bách khoa, Y… (trường đại học Kiến trúc, trường đại học Bách khoa, trường đại học Y…), v.v.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Do ưu thế về tần số xuất hiện mà khi rút gọn, Đảng hoàn toàn đại diện cho cả tổ hợp “Đảng Cộng sản Việt Nam” theo quy tắc “một thành tố có thể đại diện và có giá trị định danh cho cả nhóm”. Vì vậy, việc nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” (Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt, da đồng) và nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cũng nói gọn từ này trong toàn bộ bài hát “Đảng là cuộc sống của tôi” (Đảng của tôi ơi, đời tôi chưa quen sóng gió/ Đảng đã cho tôi lẽ sống, niềm tin/ Giữa biển khơi biết đâu là bờ…) là hoàn toàn hợp lý và ai cũng hiểu hai tác giả đang nói về đảng nào.

Còn việc viết hoa từ Đảng (riêng chữ cái Đ hay toàn bộ chữ ĐẢNG) là một cách thức viết hoa tu từ học. Khi một danh từ chung được riêng hoá, được nhấn mạnh hay thể hiện một sự kính trọng thì người ta có thể viết hoa để biểu thị thái độ ấy. Từ Đảng như trên đã nói, có quyền đại diện cho cả tổ hợp danh ngữ Đảng Cộng sản Việt Nam, một danh từ riêng, vì vậy, việc viết hoa là đương nhiên. Trong tâm khảm người Việt, đây là một từ rất đỗi quen thuộc và thiêng liêng. Viết hoa chữ Đảng, chúng ta gửi vào đó sự trân trọng, niềm tự hào và niềm tin sâu sắc. Đó là cả một quá trình. Nói như PGS.TS Đào Thản (Viện Ngôn ngữ học): “Để có thể đưa từ Đảng vào “phạm trù viết hoa”, Bác Hồ của chúng ta đã phải đi gần khắp thế gian và cống hiến trọn cuộc đời, đã có hàng triệu người ngã xuống, cả dân tộc đã phải vượt qua những chặng đường lịch sử đầy thử thách quyết liệt”. Đảng trở thành một từ biểu tượng, có ý nghĩa kính trọng và thiêng liêng, làm nên tinh thần dân tộc của nước Việt Nam mới.

Vậy là, có một từ Đảng “nói gọn, viết hoa” như hôm nay, không phải chúng ta muốn là được. Từ ngữ nào cũng có cuộc sống riêng, cũng có tính lịch sử của nó. Từ Đảng đã đi vào kho tàng Tiếng Việt như một minh chứng giản dị: Chính cuộc sống quyết định và làm nên giá trị của từ ngữ.

          Đảng ta, muôn vạn công nông

          Đảng ta, muôn vạn tấm lòng, niềm tin.

                                                (Tố Hữu)

 PGS. TS. Phạm Văn Tình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất