(TG) - Ngày 28 tháng 11 năm 2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Hiến pháp 2013). So với các bản Hiến pháp trước đó thì Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới về cấu trúc; về các quy định;… tuy nhiên có một điểm mới xuyên suốt đó là khi đề cập đến Nhân dân thì từ “Nhân dân” luôn được viết hoa (48 từ), đây là điểm khác biệt nhất, đây là lần đầu tiên hai từ “Nhân dân” được viết hoa một cách trang trọng.
Điều đó thể hiện ý nghĩa vô cùng to lớn trong một văn bản mang tính chính trị - pháp lý cao nhất của đất nước. Khoản 1, Điều 2 của Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước và do đó Nhân dân là chủ thể của Hiến pháp. Mặc dù Hiến pháp năm 2013 - văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, đã có hiệu lực, đi vào cuộc sống nhiều năm qua, thế nhưng qua tìm hiểu, xem xét nhiều văn bản của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, ban, ngành, đoàn thể… trong thời gian gần đây khi đề cập đến từ “Nhân dân” thì hầu hết chưa được viết hoa hoặc viết chưa thống nhất.
Về cách thức viết hoa trong tiếng Việt, ngày 05/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư trong đó quy định cụ thể về cách thức viết hoa. Theo đó, tại điểm 1, mục V, phụ lục II về Viết hoa trong văn bản hành chính đã nêu rõ: Danh từ thuộc trường hợp đặc biệt là từ Nhân dân và Nhà nước, do đó được quy định viết hoa chữ cái đầu của từ.
Thiết nghĩ, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện đúng vai trò, vị trí của Nhân dân, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP cũng đã giải thích rõ các trường hợp viết hoa trong các văn bản hành chính. Do đó, các cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể… cần chấp hành Hiến pháp năm 2013.
Nhân dân không phải là một khái niệm chung chung, trừu tượng. Nhân dân là mọi người Việt Nam, gồm tất cả mọi giai cấp, tầng lớp, trong đó có những bộ phận cơ bản, nền tảng. Mỗi chúng ta, những người cán bộ, công chức, những người trực tiếp tham mưu ban hành các văn bản cũng đều là từ Nhân dân mà ra, là một bộ phận không thể tách rời của Nhân dân. Về mặt kỹ thuật, cũng chẳng khó khăn gì khi viết hoa từ Nhân dân cả, nếu đánh máy thì thêm một phím shift; nếu viết tay thì chỉ là việc đưa nét bút dài thêm một chút. Do đó, việc viết hoa từ Nhân dân cũng là cách đề cao, tôn vinh và trân trọng chính mình./.
Dương Thị Bích
Huyện ủy Vĩnh Bảo, Hải Phòng