(TG) - Trong bài này tôi không có ý định bàn đến việc ngắt dòng các câu văn và đặc biệt là các câu thơ. Bởi việc “bẻ đôi câu thơ” hay “chẻ làm ba câu thơ” nhiều khi phụ thuộc vào bút pháp vào tài nghệ của thi sĩ. Có khi chính sự thay đổi của các “nghệ sĩ ngôn từ” này mà làm nên sự sáng tạo bất ngờ cũng nên. Ở đây, tôi muốn trao đổi đôi chút về cách ngắt đoạn các tiêu đề trên sách báo hiện nay.
Tiêu đề, đầu đề, tên gọi, tít (title)… là dấu hiệu đầu tiên, là thông tin bắt buộc phải có đối với mọi cuốn sách (hay bài báo). Khi trình bày bìa sách (hay trang báo), khi thiết kế maket (maquette), người ta phải chọn một cách thể hiện nhất định sao cho phù hợp về bố cục: cân đối và mang tính thẩm mĩ. Tuy nhiên, không hiểu vô tình hay hữu ý mà các hoạ sĩ nhà ta đã ngắt đoạn các tiêu đề một cách hết sức ngẫu hứng và từ đó mà làm lệch lạc nội dung ngữ nghĩa của nó. Hiện tượng này trên báo thì có rất nhiều. Nhưng tôi chỉ bàn về cách ngắt dòng trên một số bìa sách, là những ấn phẩm trang trọng, được lưu trữ lâu dài và vì thế, ảnh hưởng của nó không nhỏ.
Ta biết, tên sách thường có cấu trúc là một từ hay một ngữ và số lượng ngữ luôn chiếm đa số (có những tên sách rất dài nhưng nó cũng phát triển từ một ngữ). Việc đưa cả tiêu đề vào một dòng (Ví dụ: Kết giao kinh tế - (NXB) LĐXH 2010, Cây thế Việt Nam - Mỹ thuật 2010, Kinh tế học hài hước - Tri thức 2010) hoặc hai dòng (Nguồn gốc và quá trình hình thành/ cách đọc Hán Việt - ĐHQG HN 2004, Từ điển/ tục ngữ Việt - Tổng hợp TPHCM 2010, Phép tỉnh lược/ và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt - KHXH 2002) cũng có nhưng không nhiều. Cũng có bìa sách đặt tiêu đề theo hàng dọc, kiểu câu đối, mỗi âm tiết một hàng (101/ truyện/ mẹ/ kể/ con/ nghe - VHTT 2009, Sẵn/ sàng/ chưa/ nào? - VHTT 2010, Giấc/ mơ/ kinh/ hoàng - VH 2010). Những cách trình bày như vậy có lẽ không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, hầu hết các bìa sách đều chọn các phương án ngắt nhiều dòng và có cách ngắt rất lạ:
- Tuyển tập truyện ngắn Pháp ngắt thành
Tuyển tập
truyện
ngắn Pháp (ĐH &THCN, 1990)
- Giải đáp thắc mắc giới tính tuổi Teen ngắt thành
- Giải đáp thắc mắc
giới tính tuổi
Teen (ĐN, 2009)
- Những điều cần biết và không nên trong ăn uống ngắt thành
Những điều cần biết
và không
nên
trong ăn uống
(VHTT, 2007)
- Bí quyết phòng và chữa các bệnh nam giới ngắt thành
Bí quyết
phòng và
chữa
các bệnh
nam giới (VHTT, 2010)
- 7 mối quan hệ cần duy trì trong cuộc sống ngắt thành
quan hệ cần duy trì
trong
cuộc sống (Thời đại, 2010)
- Cô gái/ và hoa/ cẩm chướng ngắt thành
Cô gái
và hoa
cẩm chướng (TN, 2010)
- Mỗi gia đình hai con, vợ chồng hạnh phúc ngắt thành
Mỗi gia đình
hai con vợ
chồng hạnh phúc (Biển tuyên truyền ở Thái Bình)
- -v.v.
Như vậy, 2 chữ “ngắn Pháp” bị tách ra trong tổ hợp “truyện ngắn Pháp”, “Teen” bị tách ra trong “giới tính/ tuổi Teen”, “nên” bị tách ra trong “không nên”, “cẩm chướng” bị tách ra trong “hoa cẩm chướng”… sẽ dẫn đến hiện tượng: hoặc là bị hiểu sai (“nên” khác hẳn “không nên”), hoặc là rất phi lí (“ngắn Pháp” là gì?). Trên báo chí vừa rồi đưa nhiều về khẩu hiệu đang rất phổ biến trong giáo dục: Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử. Cụm từ này phải hiểu theo cấu trúc 2 vế: “nói không với tiêu cực trong thi cử” và “nói không với bệnh thành tích trong thi cử”. Có trường đã ngắt đoạn là: Nói không với tiêu cực/ và/ bệnh thành tích trong thi cử thì vô hình trung sẽ bị hiểu là chỉ “nói không với tiêu cực” thôi còn “bệnh thành tích trong thi cử” lại thuộc một vấn đề khác (2 vế bị tách khác nhau).
Hay cách ngắt dòng được thể hiện trong tấm biển cổ động kế hoạch hóa gia đình nêu trên, do thiếu dấu phẩy và cách ngắt dòng bất hợp lý, tấm biển đã bị nhiều người hiểu nhầm thành: "Mỗi gia đình hai con vợ/ Chồng hạnh phúc".
Cách ngắt dòng như thế này thật tai hại vì sẽ gây hiệu ứng phản cảm. Người trình bày tít sách, tít báo, tít pano, quảng cáo cũng cần hiểu và “thuấm nhuần” nội dung ngữ nghĩa các đoạn văn bản mà họ cần trình bày. Nếu không, chính sự sơ suất đó mà “chữ tác sẽ biến thành chữ tộ”.
PGS. TS. Phạm Văn Tình