Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu
Thứ Sáu, 18/3/2022 15:45'(GMT+7)

Một vài suy ngẫm từ hình tượng cây tre đến bản sắc ngoại giao Việt Nam

Hình tượng Thánh Gióng cùng cây tre hóa thân thành một trong “Tứ bất tử” sống mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)

Hình tượng Thánh Gióng cùng cây tre hóa thân thành một trong “Tứ bất tử” sống mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)

Trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, hoa sen và cây tre là hai hình tượng đặc trưng. Nếu như hoa sen là sự kết tinh những giá trị nhân văn của dân tộc, thì cây tre là biểu trưng của bản lĩnh quật cường, ý chí bất khuất của con người Việt Nam. Từ thuở hồng hoang, những ý niệm về quốc gia - dân tộc của Việt Nam được hình thành từ sự cố kết cộng đồng trải qua hàng nghìn năm trường kỳ phòng, chống thiên tai và địch họa. Cây tre tạo nên những lũy, thành, giúp cha ông ta bảo vệ làng quê trước thử thách của thiên nhiên và bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm.

Hình tượng Thánh Gióng cùng cây tre hóa thân thành một trong “Tứ bất tử”(1) sống mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Những bụi tre mà Thánh Gióng nhổ trên đường đã trở thành vũ khí đánh giặc. Giữa lúc vận nước nguy nan, tre là biểu tượng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần quật cường đồng sức, đồng lòng cứu nước. “Sức mạnh cứng” có thể có hạn, nhưng “sức mạnh mềm”, sức dân là vô tận.

Cũng từ ngàn đời nay, hình ảnh cây tre luôn gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng và một phần không thể thiếu cho bản sắc dân tộc Việt Nam. Cây tre Việt Nam đi từ làng quê đến phố thị, từ miền ngược đến miền xuôi, từ quá khứ đến hiện tại, có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước ta. Hàng tre xanh được trồng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho tinh thần và cốt cách dân tộc Việt Nam, mọi người dân Việt Nam khi đến nơi đây đều cảm thấy rất đỗi thân thuộc.

Thấm đượm bản sắc và văn hóa Việt Nam, hình tượng cây tre và ngoại giao Việt Nam rất gần gũi nhau. Ngoại giao là sự giao thoa của chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội và văn hóa, là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, lịch sử và tương lai, đất nước với thế giới. Ngoại giao lấy cái gốc là văn hóa dân tộc và mang trong mình nội hàm văn hóa dân tộc. Bản sắc của ngoại giao Việt Nam là một phần của bản sắc dân tộc Việt Nam, được tôi rèn qua thực tiễn khắc nghiệt để gây dựng nên nền văn hiến dài lâu.

Cội nguồn sâu xa của bản sắc ngoại giao Việt Nam xuất phát từ những triết lý và truyền thống ngoại giao của cha ông ta. Đó là tinh thần độc lập, tự cường, hòa mục bên trong, hòa hiếu bên ngoài. Đó là kiên quyết, kiên trì, biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng. Đó là nghệ thuật dùng ngòi bút thay giáp binh, lấy lẽ phải, chính nghĩa để thuyết phục lòng người. Nền tảng cốt lõi của bản sắc ngoại giao Việt Nam hiện đại là tư tưởng, phương pháp, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Bản sắc đó được nâng lên tầm cao mới bởi tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, với những bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “ngũ tri”, biết nhu, biết cương, giúp bạn là tự giúp mình, vì hòa bình, hợp tác và sự tiến bộ của nhân loại. Đặc trưng quan trọng của bản sắc ngoại giao Việt Nam là không ngừng kế thừa và phát triển, sàng lọc qua thực tiễn và chắt lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại.

HÌNH TƯỢNG CÂY TRE VÀ BẢN SẮC NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Từ những hình ảnh dung dị, quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, hình tượng cây tre đã gắn với bản sắc ngoại giao Việt Nam một cách nhuần nhị, thấm đượm triết lý dựng nước và giữ nước, đối nhân xử thế và quan hệ bang giao của dân tộc.

Tre Việt Nam cứng cỏi mà linh hoạt. Theo triết lý phương Đông, cây tre là biểu tượng của mẫu người quân tử: trọng chữ tín và đạo nghĩa. Vững chắc và linh hoạt, cương và nhu là hai mặt có mối quan hệ biện chứng. Nếu chỉ uyển chuyển mà không vững được ở gốc, thì khi gió bão sẽ bị lay đổ, bật gốc. Còn nếu chỉ chắc ở gốc rễ mà không biết linh hoạt lựa thế, thì thân sẽ gãy, cành sẽ lìa. Tre mọc thẳng, nhưng dáng mềm, gió táp tứ phía mà không đổ gãy. Tre cũng giống như người quân tử không hạ mình, mà biết nhún nhường; người quân tử chính trực, mà cũng dung hòa vì đại cục.

Ngày nay, trước một thế giới cạnh tranh chiến lược gay gắt của các nước lớn, Việt Nam luôn kiên định nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, vì chính nghĩa. Chính điều này khiến Việt Nam luôn được các nước nể trọng và đánh giá cao.

Tre Việt Nam do đó thể hiện đặc điểm đáng quý của truyền thống ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là thủy chung, chính nghĩa, “kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược”. Nguyên tắc là độc lập, tự chủ, là lợi ích quốc gia - dân tộc. Sách lược là những biện pháp khéo léo, linh hoạt nhằm giữ vững nguyên tắc đó. Vì cội gốc và mục đích vững chắc đó nên ngoại giao Việt Nam luôn vững vàng, thích ứng trước những khắc nghiệt và chuyển biến của thời cuộc.

Tre Việt Nam phát triển tốt ở cả những nơi đất cằn, không kén chọn. Dù đất nước phồn thịnh và cả khi gặp khó khăn, dù môi trường thế giới bên ngoài thuận lợi hay trắc trở, ngoại giao luôn chắt lọc cơ hội, nhận diện và kiến tạo cơ hội, là nghệ thuật, là dấn thân vượt khó khăn. Khi ở vào hoàn cảnh khó khăn, ngoại giao cũng như đất nước luôn coi nghịch cảnh là nơi thử thách bản lĩnh và trí tuệ, là bước đà tạo thế lập thời, từ đó mà quật khởi vươn lên. Còn khi đất trời thuận lợi, tre biết vươn ra vừa đủ, rồi thu mình khiêm nhường thành khóm, thành cụm, cố kết với nhau để mạnh mẽ hơn.

Với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống vẻ vang, sứ mệnh của ngoại giao Việt Nam là luôn “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”, đi tiên phong góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước, giúp đất nước vượt qua những rủi ro, thách thức, đặt đất nước vào vị trí thuận lợi nhất trong dòng chảy của thời đại.

Tre phục vụ đất nước, phục vụ người dân. Cả đời tre cống hiến cho cuộc sống của người dân Việt Nam: là thức ăn, là nguyên liệu tạo nên công cụ lao động, để làm nhà, làm rào chắn, làm vũ khí… Ngoại giao cũng như vậy, phục vụ đất nước từ những điều nhỏ bé đến mục tiêu lớn lao, trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Cũng như tre dựa vào thổ nhưỡng, ngoại giao dựa vào thế và lực của đất nước, luôn góp phần bảo vệ và làm gia tăng vị thế và uy tín của đất nước. Tre bắc cầu nối bờ bến thì ngoại giao cũng bắc nhịp cầu hòa bình và hữu nghị, hợp tác và phát triển, hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc và quốc gia, giữa đất nước và thế giới.

Trong thời chiến, ngoại giao kết hợp cùng quân sự kiến tạo nền hòa bình cho dân tộc. Trong thời bình, ngoại giao phục vụ phát triển đất nước, góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu, tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại. Thời điểm đất nước bị bao vây, cô lập, ngoại giao bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc, đấu tranh đàm phán, tạo đột phá, mở đường để đất nước tham gia hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đất nước chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, ngoại giao Việt Nam là “mũi chủ công” trong mặt trận ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, cùng các lực lượng khác đóng góp vào sự bình an của người dân và ổn định của đất nước.

Tre tiên phong giữ đất, giữ làng, góp phần giữ gìn cuộc sống yên bình và no ấm. Rặng tre bao kín quanh làng, trở thành một thành lũy kiên cố tự nhiên ngoài cùng bao bọc cộng đồng cư dân. Cũng như tre, ngoại giao có sứ mệnh là lực lượng tiên phong trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, đóng vai trò quan trọng cùng các lực lượng khác trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngoại giao kiến tạo và gìn giữ những điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ phát triển đất nước, nâng cao vị thế đất nước.

Thế giới đang biến động rất nhanh và phức tạp, có những thách thức, rủi ro tiềm ẩn khó dự báo và có cả những cơ hội nảy sinh mà nếu không nhạy bén, thấu suốt sẽ bị bỏ lỡ. Trong mọi hoàn cảnh, ngoại giao phát huy tinh thần tiên phong, “đi trước, về sau”, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Sự vẻ vang của người làm công tác ngoại giao không phải là vẻ vang cho riêng mình, mà là những điều làm được để đất nước bình an, phát triển và hội nhập quốc tế, được bạn bè năm châu biết đến và nể trọng.

Tre Việt Nam không đứng một mình, mà sống quần thể, thành khóm, thành bụi, nhờ đó mà vững vàng và làm nên thành lũy. Đối ngoại và hội nhập quốc tế là sự nghiệp của cả đất nước và dân tộc. Trong đó, ngoại giao không làm một mình, mà luôn đồng lòng sát cánh cùng các lực lượng khác, từ đó phát huy vai trò chủ chốt trong tổng thể chung của mặt trận đối ngoại.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoại giao nhà nước là lực lượng chủ công, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các binh chủng làm đối ngoại là ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế đối ngoại và các lĩnh vực khác. Chính sự kết hợp chặt chẽ những trụ cột và binh chủng này đã, đang và sẽ “nên lũy, nên thành”, tạo nên sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tre già, măng mọc - đó là lẽ tự nhiên, là bản chất, quy luật truyền thống. Tre Việt Nam là sự kế thừa, tiếp nối từ đời này sang đời khác, dù phải trải qua giông bão hay khi phải hy sinh thân mình. Trải qua bao thăng trầm cùng đất nước, nền ngoại giao Việt Nam qua bao thế hệ xây dựng vẫn tiếp tục phát triển ngày một vững vàng hơn, luôn có sự “truyền nghề” và “truyền lửa” từ những thế hệ đi trước cho những người đi sau trong ngành đối ngoại.

Ngoại giao luôn cầu thị, tự hoàn thiện mình, cũng là tự tu thân, để phấn đấu và phấn đấu hơn nữa trở thành đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên”, hết lòng, hết sức vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân; “biết gắn bó và san sẻ”, “phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở; làm nên đất nước muôn đời”(2). Cốt cách, truyền thống và sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã tôi luyện ngành ngoại giao ngày càng trưởng thành về bản lĩnh và trí tuệ, phát triển vững mạnh về tổ chức và lực lượng(3). Nhờ đó mà ngoại giao cùng đất nước trải qua gần 77 năm vất vả và gian lao, đã và sẽ luôn đồng hành, phục vụ cho sự trường tồn của đất nước, của dân tộc(4).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ. (Ảnh: Tư liệu)

VỮNG Ở GỐC, CHẮC Ở THÂN, UYỂN CHUYỂN Ở CÀNH

Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, cây tre Việt Nam, cũng như ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển(5). Nhân dịp này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đúc kết nội hàm văn hóa ngoại giao với bốn đặc trưng nổi bật là: kiên định trong mục tiêu, nhân văn trong cốt cách, rộng mở trong tinh thần và linh hoạt trong hành động (6).

Có thể thấy được ở tre Việt Nam những nội hàm ấy. Và ngược lại, những ý niệm về tre đều có giá trị phóng chiếu tới nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Điều đó được thể hiện từ trong bản sắc đến đường lối, chính sách và phong cách của nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Về bản sắc ngoại giao: Vững ở gốc là truyền thống tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, là tinh thần đoàn kết, nhân ái, thủy chung. Chắc ở thân là bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách và khó khăn, trước vất vả và gian lao. Uyển chuyển ở cành là sự mềm mại, khôn khéo, sáng tạo.

Về đường lối, chiến lược và chính sách ngoại giao: Vững ở gốc là đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới. Đường lối đó đã mở ra cho đất nước vận hội phát triển mới, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đường lối đó tiếp tục là nền tảng vững chắc để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phát triển với các mục tiêu trong những thập niên sắp tới: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao(7)Chắc ở thân là những phương châm, quan điểm chỉ đạo và bài học kinh nghiệm, như bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hợp tác và đấu tranh, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy... Đó cũng là những đường lối, chính sách, các văn kiện, nghị quyết về đối ngoại đã được thể chế hóa, đi vào cuộc sống và kiểm nghiệm trước thực tiễn một thế giới đầy biến động và những định hướng chiến lược đối ngoại đã và đang được đề ra cho giai đoạn tiếp theo. Uyển chuyển ở cành là cách ứng xử linh hoạt về sách lược, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gay gắt, sự va đập giữa những xu thế và phản xu thế đang diễn ra trên thế giới, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng, nhằm giữ vững bản sắc, giá trị đất nước và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam phù hợp với những giá trị chung của nhân loại.

Về phong cách ngoại giao: Vững ở gốc là bản lĩnh can trường, lập trường chính trị và văn hóa, cốt cách dân tộc thấm đượm trong mỗi người làm đối ngoại. Chắc ở thân là kiến thức sâu rộng, tư duy nhạy bén, phương pháp ngoại giao khoa học. Uyển chuyển ở cành là kỹ năng đối ngoại đa văn hóa, nghệ thuật “kiến tạo tương đồng và hóa giải tương khắc”, để từ đó hài hòa được lợi ích riêng của Việt Nam với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình và phát triển của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ ngoại giao phải “có quan điểm và lập trường của Đảng, của chủ nghĩa Mác - Lênin vững vàng và thông suốt, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình; phải học chủ nghĩa Mác - Lênin”; “Cán bộ, nhân viên ngoại giao… là đại diện cho dân tộc, cho đất nước”; “Phải hiểu rõ tình hình, chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa của nước ta và của nước mình đến”; “Phải có tư cách đạo đức tốt, trình độ văn hóa và hiểu biết về ngoại giao.”; “Phải học tiếng nước ngoài. Công tác ở nước nào phải học tiếng của nước ấy”(8). Những lời dạy đó của Người luôn được các thế hệ cán bộ ngoại giao khắc cốt ghi tâm, là cẩm nang soi đường để không ngừng phấn đấu và tự rèn luyện để phục vụ đất nước.

Những tư tưởng, phương châm và phong cách ngoại giao đó góp phần tạo nên trường phái ngoại giao Việt Nam, trong một thế giới biến động, đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay. Đó là nét độc đáo dựa trên nền tảng tư tưởng, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, thấm đậm truyền thống, bản sắc ngoại giao và khí phách, cốt cách của dân tộc Việt Nam.

*            *            *

Cây tre có ở nhiều nơi trên thế giới. Hình tượng cây tre cũng xuất hiện trong văn hóa của nhiều quốc gia khác. Có điều, mỗi quốc gia, dân tộc đều có bản sắc riêng và bản chất gắn bó riêng với cây tre. Cây tre được trồng trên đất nước Việt Nam, ăn nắng, uống sương của bầu trời Việt Nam, nên mang trong mình cốt cách riêng của người Việt Nam. Hình tượng ấy, cốt cách ấy rất gần gũi với bản sắc ngoại giao Việt Nam - nền ngoại giao kết tinh vẻ đẹp của ý chí kiên cường, bản lĩnh vượt qua khó khăn, mà mềm dẻo, hòa hiếu, rộng mở, bao dung, tất cả vì sự độc lập, tự do, phát triển của đất nước, cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc của nhân dân./.

Trần Chí Trung
Học viện Ngoại giao

______________________

(1) Tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đó là: Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh.

(2) Nguyễn Khoa Điềm: Đất nước, trích chương V trong trường ca “Mặt đường khát vọng”, được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, in lần đầu vào năm 1974.

(3) Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại “Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”, https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/phat-huy-vai-tro-tien-phong-cua-doi-ngoai-trong-tao-lap-va-giu-vung-moi-truong-hoa-binh-on-dinh-137087, ngày 14/12/2021.

(4) Bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc”, https://tuoitre.vn/ngoai-giao-viet-nam-75-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-20200828000353122.htm, ngày 28/8/2020 .

(5) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộcTạp chí Cộng sản, số 980, tháng 12/2021, tr. 8.

(6) Vũ Khoan: Suy ngẫm về văn hóa ngoại giao Việt Nam, https://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=456412, ngày 18/12/2021.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.36.

(8) Trích lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các Hội nghị ngoại giao lần thứ hai (tháng 2/1962), lần thứ ba (tháng 1/1964), lần thứ năm (tháng 3/1966) và lời căn dặn của Người khi một số Đại sứ đến chào (tháng 5/1969), trang “Sổ tay Ngoại giao năm 2021” của Bộ Ngoại giao, tr.13-14.

(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất