Thứ Hai, 2/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 18/3/2022 9:7'(GMT+7)

Mù mờ như đơn thuốc F0

(Ảnh minh họa: qdnd.vn)

(Ảnh minh họa: qdnd.vn)

Người nhà tôi là F0 khi Hà Nội đang ở đỉnh dịch COVID-19. Lo lắng, tôi vội ra quầy hỏi mua thuốc cho F0, cô bán hàng rất nhiệt tình: “Chị nhà anh bị mấy ngày rồi? Có ho, sốt, đau họng không? Đây, em kê cho anh cứ uống theo đơn này sẽ khỏi”. Đơn thuốc có nhiều loại như: Nhỏ mắt, nhỏ mũi, xịt họng, súc miệng, hạ sốt, vitamin, kháng sinh, chống dị ứng, xuyên tâm liên, kháng virus... cũng suýt soát tiền triệu.

Vốn quen biết một số người có chuyên môn ngành y, để yên tâm hơn, tôi gọi điện hỏi thêm về cách sử dụng. Sau khi hỏi kỹ tình trạng người bệnh, đo mức oxy trong máu (SpO2), tiểu sử bệnh nền, độ tuổi... bác sĩ khuyên, nhiều thuốc trong đó chưa cần uống, thậm chí có thuốc không được sử dụng. 9 ngày sau F0 âm tính, thuốc mua theo đơn hầu như vẫn còn nguyên, tự trách mình “mất tiền vì thiếu hiểu biết”. Mình cũng như nhiều người khác, không chủ quan với bệnh nhưng đã lo lắng quá mức cần thiết.

Hà Nội cũng như các địa phương trong thời điểm này dịch đang lây lan mạnh, số người nhiễm rất cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng các loại thuốc mà phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhưng than ôi, thời điểm này, F0 rất khó liên hệ được với cơ sở y tế để có cho mình một đơn thuốc chuẩn. Bởi vậy, cách phổ biến nhất là người dân đều phải trông cậy vào đội ngũ nhân viên ở các hiệu thuốc hoặc mua thuốc theo kiểu truyền tai nhau và lấy trên mạng. Trước đó, hầu hết các gia đình đã tích trữ nhiều loại thuốc trong nhà để phòng trường hợp có người là F0. Không chỉ thuốc tây, thuốc Đông y cũng được nhiều gia đình tích trữ. Một loại khác được quảng cáo rầm rộ với công dụng hỗ trợ điều trị COVID-19 là thực phẩm chức năng cũng được dịp tung hoành. Tất nhiên, giá cả cũng chẳng dễ chịu chút nào.

Một nguyên tắc bất di bất dịch trong ngành y đó là, thuốc kê toa cho người này thì không được phép áp dụng cho người khác dù cùng loại bệnh, bởi cơ chế sinh học của mỗi người không giống nhau. Vậy nhưng, những đơn thuốc mù mờ cho F0 như trên hiện rất phổ biến. Người dân không có nhiều kiến thức về chữa trị COVID-19 nên đành phải “tiểu nhân phòng bị gậy”. Ra cửa hàng, người bán thuốc nói sao, quảng cáo công dụng các loại thuốc thế nào người dân mua vậy. Người bán thì có những người, hoặc là thiếu hiểu biết nhưng lại rất nhiệt tình hướng dẫn người mua; hoặc là cố tình kê “khét hầu bao” để bán được nhiều hàng, thu được nhiều lợi nhuận.

Thời gian qua có quá nhiều thông tin về thuốc điều trị COVID-19 trên truyền thông và mạng xã hội khiến người dân hoang mang, bị ngợp, dẫn đến không chọn lọc được thông tin chuẩn xác. Trong khi đó, thông tin chính thống từ Bộ Y tế bị xem là hàn lâm, chưa có chọn lọc phù hợp cho từng đối tượng. Trên mạng xã hội, các hội, nhóm thi nhau đưa ra lời khuyên, phổ biến kinh nghiệm càng khiến F0 hoang mang đủ đường. Dường như ai cũng có quyền phát biểu như thầy thuốc, trong khi cơ quan chức năng lại chưa có biện pháp quản lý kiểu phát ngôn tùy tiện này.

Từ thực trạng lâu nay cho thấy, mỗi chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ. Không thể ai cũng có thể trở thành thầy thuốc, trở thành chuyên gia. Ở lĩnh vực y tế, chỉ những người có chuyên môn mới được khuyến cáo, cảnh báo và chữa trị cho người bệnh. Điều này là rất quan trọng, bởi nó giúp người bệnh được điều trị đúng phác đồ, không phải "tiền mất tật mang".

Ở một khía cạnh khác, đó là vai trò của cơ quan quản lý. Hiện nay, việc bán thuốc không cần đơn đã trở thành phổ biến, bất kể loại thuốc gì cũng có thể mua được ở hiệu thuốc hoặc mua qua mạng, mua trôi nổi trên thị trường. Cách thức quản lý này đang khiến cho tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc, nhất là kháng kháng sinh ở người bệnh rất khó kiểm soát. Hơn nữa, việc người bán tự ý kê đơn mà không được quản lý chặt dẫn đến tình trạng “móc hầu bao” của người dân một cách vô tội vạ. Cần phải siết chặt ở tất cả các khâu, các bước bởi đây là lĩnh vực không được buông lỏng./.

Nguyễn Tuấn (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất