Thứ Hai, 14/10/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 2/2/2022 8:35'(GMT+7)

Tết an lành

Tuổi già vốn hay hoài niệm. Một chút bâng khuâng, một chút lắng lòng, người cựu chiến binh mái tóc bạc phơ, bộc bạch:

- Mỗi tuổi đuổi xuân đi. Suốt mấy chục năm trên dặm trường chinh đánh giặc cứu nước, từng nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, tôi thấu hiểu sự mất mát, hy sinh của nhiều đồng chí, đồng bào ta để đổi lại giá trị của hòa bình, độc lập, tự do cho đất nước.

Ông giáo già cũng nặng lòng suy tư:

- Điều ông nhắc khiến tôi và biết bao con dân đất Việt quặn lòng xót xa khi cái Tết này, hàng ngàn gia đình đã không được hưởng niềm vui đoàn tụ vì có người thân ra đi do “giặc COVID-19”. Qua đại dịch, chúng ta có mất mát, đau thương. Nhưng cũng từ đại dịch, tinh thần vững chí bền gan, phẩm hạnh cố kết cộng đồng, lòng nhân ái bao dung vì nghĩa lớn của người Việt thêm một lần được khẳng định, minh chứng trong những tháng ngày kiên cường chống chọi dịch bệnh.

- Thời buổi dịch giã, trong khi phần đông mọi người đồng cam cộng khổ, chung một ý chí “chống dịch như chống giặc” và đã làm tất cả những gì có thể làm được để bảo vệ tính mạng, sức khỏe giống nòi, thì vẫn có một số kẻ chỉ biết vì mình mà không vì người khác, vì cộng đồng. Khi ai đó để cái thói vô cảm, ích kỷ “lên ngôi” là tự họ đang “dìm” phẩm giá cá nhân mình xuống đáy đạo đức xã hội. Nhưng đó chỉ là số ít trong xã hội, đúng không ông?

- Đúng rồi, một con én nhỏ không làm nên mùa xuân. “Một người đâu phải nhân gian/ Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi”. Bỏ lại phía sau bao nỗi lo toan, nhọc nhằn của cuộc sống, chúng ta cầu mong cho mỗi người Việt đều thỏa lòng ước nguyện được hưởng những giây phút bình an, tâm hồn nhẹ nhõm, tinh thần thoải mái trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. 

- Như ông thấy đấy. Một thời cách đây chưa xa, vượt qua cuộc sống còn nhiều vất vả, tinh thần lạc quan và niềm vui, tiếng cười hầu như vẫn ngập tràn trên mọi nẻo đường quê, góc phố mỗi khi Xuân sang, Tết về. Trong bữa ăn ngày Tết, dù nhiều gia đình không có của ngon vật lạ, nhưng “thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh” vẫn làm ấm lòng người già, phấn chấn con trẻ. Mỗi khi bước chân ra ngõ đi chơi Tết, người người gặp nhau tay bắt mặt mừng, hồ hởi hỏi han, chúc tụng nhau bước sang năm mới gặp mọi điều tốt đẹp, may mắn. Kỷ niệm trong trẻo về những cái Tết giản dị, an lành trở thành một phần ký ức không thể nhạt phai trong trái tim nhiều người Việt.

- Thời nay, kinh tế - xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng no đủ, sung túc, nhiều người, nhiều nhà không còn khái niệm “ăn Tết”, mà chủ yếu là “chơi Tết”, “vui Tết”. Nhưng “phú quý sinh lễ nghĩa”. Đôi khi sự giàu sang, khá giả khiến một bộ phận trong xã hội, nhất là người trẻ sẵn sàng lao vào những cuộc chơi, cuộc vui quá đà. Từ chúc tụng nhau quá chén, từ tư tưởng “xả hơi”, “ăn chơi thỏa thích” trong mấy ngày Tết khiến một số người không được hưởng trọn vẹn niềm vui Tết do đã gây lộn, xô xát, thậm chí bị thương tích, tai nạn giao thông phải vào bệnh viện cấp cứu! Những người tự mua thêm phiền toái, tự mình “làm khó, làm khổ” chính mình như thế đã đánh mất một cái Tết an lành!

- Để có một cái Tết lành, Xuân vui, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, dù chúng ta đang thích ứng an toàn, nhưng mỗi người chớ quên “vũ khí 5K”: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”. Đó cũng là một cách để chúng ta giữ gìn cho nhau những khoảnh khắc bình yên, những tình cảm gần gũi, thân thương của mỗi người và cả cộng đồng. Và chúng ta cũng khuyến khích, cổ vũ những sáng kiến của nhiều người để góp phần làm vui những ngày Tết. Ví như có người đã sáng tác những lời hay ý đẹp, chia sẻ cho nhau những câu thơ, lời ca giàu ý nghĩa qua mạng xã hội. Dẫu xa nhau, mà trong lòng luôn có nhau chính là Tết vậy!

- Thật ra, mong muốn được tận hưởng một cái Tết an lành đúng nghĩa cũng đâu khó khăn gì. Mỗi người cố gắng giữ gìn sao cho “thân lành, tâm lành, ngôn lành”. Ăn uống khoa học, đi lại thận trọng là giữ được “thân lành”. Sống thân thiện, nhân hậu, thủy chung là thể hiện “tâm lành”. Nói năng nhã nhặn, giao tiếp niềm nở, ứng xử tinh tế, đối đáp với nhau có văn hóa là biểu hiện “ngôn lành”. Mỗi người, mỗi nhà cùng chung ý thức giữ gìn “thân lành, tâm lành, ngôn lành” trong dịp đầu năm mới chính là góp sức, góp phần làm cho cả xã hội, cả dân tộc ta được hưởng những ngày Tết an lành, Xuân trọn vẹn./.

  THIỆN VĂN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất