Thứ Ba, 1/10/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 8/5/2010 6:47'(GMT+7)

Mùa hè, nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhiều người vẫn có thói quen ăn uống thiếu vệ sinh. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, phần lớn dịch bệnh nguy hiểm bùng phát đều do ý thức kém của người dân.
           
Mắc bệnh từ… miệng
 
Thời gian gần đây, chỉ trong vòng 1 tuần đã liên tiếp xuất hiện các bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn (một loại bệnh lây từ lợn sang người). Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Viện các bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, thì 6 bệnh nhân bị liên cầu khuẩn được điều trị tại bệnh viện này thì phần lớn đều do ăn thịt lợn và tiết canh.
 
Như anh Nguyễn Văn H., 30 tuổi, ở Phổ Yên, Thái Nguyên mới qua được cơn nguy kịch do bị nhiễm căn bệnh liên cầu khuẩn từ heo. Sau khi phải mất hơn nửa tháng nằm viện điều trị tại Khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trên cơ thể anh vẫn còn loang lổ những mảng thâm đen vì xuất huyết hoại tử trên da do vi khuẩn liên cầu lợn gây ra. Nguyên nhân chính vì quá khoái khẩu món tiết canh, lòng heo mà anh bị nhiễm căn bệnh nguy hiểm này.
 
Hiện nay tuy chưa có bằng chứng nào về bệnh liên cầu khuẩn ở heo lây từ người sang người, nhưng kể từ khi có dịch heo tai xanh bùng phát ở nhiều địa phương, số người mắc liên cầu khuẩn cũng tăng theo, tất cả trường hợp nghi ngờ hay nhiễm căn bệnh này đều có tiếp xúc với heo bệnh hoặc ăn tiết canh, lòng heo, thịt heo chưa được nấu chín kỹ.
 
Cùng với bệnh liên cầu khuẩn, dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả cũng đang lăm le bùng phát tại nhiều địa phương. Tại Hà Nam, ngày 23/4, có 47 trường hợp mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả sau khi cùng ăn cỗ ở một đám cưới tại thôn Hàn, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân. Từ ngày 16/4, một ổ dịch tả cấp cũng bùng phát tại thôn Bằng Trai, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương với 32 trường hợp mắc bệnh sau khi ăn cỗ tại một đám tang.
 
Chính thói quen ăn uống dễ dãi của người dân, điều kiện vệ sinh môi trường ở các vùng nông thôn chưa đảm bảo cũng là điều kiện dễ phát sinh dịch tiêu chảy cấp. Điều đáng lo ngại hơn, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết ngày 5/5 mới đây thì, hiện nay vi khuẩn tả có thể đã biến đổi gen.
 
Theo Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, thông thường vi khuẩn tả có thể sống trong các loài nhuyễn thể nước lợ từ 2 - 3 năm, tuy nhiên các nhà dịch tễ lo ngại vi khuẩn tả đã biến đổi gen để thích nghi với môi trường sống. Nhiều khả năng vi khuẩn tả có thể cư trú cả ở các loài nhuyễn thể nước ngọt đến một vài năm. Đây có thể là một trong những nguyên nhân xuất hiện các bệnh nhân tả lẻ tẻ tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, An Giang, TPHCM, Tây Ninh... trong thời gian vừa qua.
 
Nhiều bệnh khác cũng vào mùa
 
Bệnh viêm não thường xuất hiện vào đầu tháng 5 và bùng phát từ tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm. Tuần qua, tại một số bệnh viện tại Hà Nội đang càng trở nên quá tải vì số bệnh nhân sốt vi rút, viêm màng não… nhập viện.
 
Không chỉ tại Hà Nội, nắng nóng tại miền Trung liên tục trong nhiều ngày qua đã khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến, đặc biệt là người già và trẻ em.  Bệnh viện Nhi Nghệ An cho biết, tính đến 15 giờ hôm qua (6/5) đã có 420 trẻ nhập viện do sốt và suy hô hấp.
 
Tại Hà Tĩnh, nắng nóng gay gắt và kéo dài cũng khiến nhiều bệnh viện trở nên quá tải do các bệnh nhân bị viêm phổi, suy hô hấp, tiêu chảy.... tăng cao. Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, số lượng bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện đa khoa tỉnh chúng tôi tăng khoảng 40-50% trong vài ngày qua, đặc biệt là người già và trẻ em, những người cao huyết áp, những người bị bệnh phổi mãn tính.
 
Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch sốt xuất huyết cũng đang lan mạnh tại các miền Trung và Tây Nguyên, trong khi các tỉnh miền Trung và Tây nguyên chưa có nhiều nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống sốt xuất huyết.
 
Tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng tự ý phun thuốc diệt muỗi, phòng chống sốt xuất huyết nhưng phun một cách tràn lan, không đúng cách đang làm cho muỗi trở nên “nhờn” thuốc.
 
Trước nguy cơ nhiều dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
 

Hai ngày cuối tuần, thời tiết tiếp tục nắng nóng
 
Ngày 7/5, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây nên mấy ngày nay trời nóng và khá oi bức. Khu Tây bắc và Bắc Trung bộ còn xảy ra nắng gay gắt. Một số nơi nhiệt độ lên tới trên 40 độ. Tại Hà Nội, có lúc nhiệt độ cũng lên tới trên 36 độ. Trời nắng rát. Hai ngày cuối tuần này, nhiệt độ tiếp tục tăng lên, trời sẽ tiếp tục nắng nóng. Sang tuần sau, trời bắt đầu chuyển mát và có mưa.


Thuỳ Minh - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất