Sau gần 45 năm “biệt lập” ngoài “ốc đảo Hansen”, Xuân Quý Tỵ 2013 là năm đầu tiên bà con làng phong Hòa Vân (trước đây), đón Tết trong đất liền tại Khu tái định cư phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu
Đến nơi ở mới của người dân làng Vân tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) vào những ngày đầu Xuân Quý Tỵ trong lòng ai nấy đều có những cảm xúc khó tả và không khỏi nghẹn ngào khi gặp lại những bệnh nhân không may mang trong mình vi khuẩn Mycobacterium Leprae (được biết đến nhiều hơn với tên gọi vi khuẩn Hansen). Không ồn ào, vui nhộn và náo nhiệt như các khu phố khác, nhưng mùa Xuân ở đây thật ấm áp và đầy ắp tình người. Nhà nào nhà nấy cũng đầy đủ hương hoa, thịt, bánh chưng, bánh tét…
Như vậy, sau gần 45 năm “biệt lập” ngoài “ốc đảo Hansen”, Xuân Quý Tỵ 2013 là năm đầu tiên bà con làng phong Hòa Vân (trước đây), đón Tết trong đất liền tại Khu tái định cư phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Đâu đây, vẫn còn đó những lo toan chuyện miếng cơm manh áo khi vào trong bờ, rồi lo sự kì thị … nhưng ai nấy đều thừa nhận, dẫu sao vô trong đất liền có việc gì cũng đỡ hơn là chơ vơ ngoài đảo. Quan trọng hơn, cái tên “người làng cùi” giờ đây đã dần lùi vào dĩ vãng...
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, khu tái định cư của bà con làng Vân có 70 hộ dân với 104 nhân khẩu, trong đó 53 người mất sức lao động và đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm nay, dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đối với các gia đình chính sách, các hộ nghèo, hộ thuộc diện bảo trợ… vẫn luôn được chính quyền thành phố, chính quyền địa phương cùng nhiều cơ quan, tổ chức trên địa bàn quan tâm chu đáo, được cấp nhà liền kề ở tổ 13 và 14, số hộ còn lại được nhận đất tái định cư. Với sự quan tâm của nhà nước và toàn xã hội, bà con có một cái Tết ấm êm đầu tiên trên đất liền. Đối với người dân làng Vân, thành phố cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt. Ngoài việc có nhà ở và chăm sóc y tế, người dân còn được trợ cấp 610.000 đồng/tháng. Tết này, UBND thành phố Đà Nẵng còn trợ cấp lương thực với mức 15kg gạo/người.
Ông Võ Ngọc Tâm, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, cho biết: Ngày đầu người làng Vân về nơi ở mới, không ít người dân sống chung quanh cũng kỳ thị lắm, nhưng khi hiểu ra bệnh phong không lây nhiễm, họ đã hỗ trợ người dân làng Vân nhiều. Mặc dù về nơi ở mới nhưng cuộc sống người dân làng Vân còn khó khăn, vì thế chính quyền địa phương luôn chọn đây là điểm đến ưu tiên trong các đợt ủng hộ vì người nghèo. Tết này, ngoài việc phát quà, phường còn tổ chức gặp mặt, chào cờ đầu năm tại nhà sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các trò chơi để bà con hòa nhập, không thấy buồn khi xa nơi ở cũ...
Để đón mùa Xuân đầu tiên trên đất liền được đầy đủ và trọn vẹn với những bà con xung quanh, từ những ngày trước Tết tất cả 138 hộ dân làng Vân đã nhận được quà Tết trị giá 341 triệu đồng; trong đó UBND thành phố hỗ trợ 281 triệu đồng, UBND quận hỗ trợ 60 triệu đồng. Lãnh đạo quận Liên Chiểu đã đến thăm và tặng 70 suất quà cho 70 hộ dân làng Vân tại khu nhà liền kề tổ 13 và 14 phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu); đồng thời, tặng 2 triệu đồng cho Ban điều hành Tổ dân phố để tổ chức đón giao thừa Quý Tỵ cùng bà con. Ngoài ra, các đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố còn đến thăm và tặng bà con trên 153 triệu đồng, 3.465kg gạo, 213 thùng mì tôm, 369 lít dầu ăn, 249 lít nước mắm, 190 lon sữa, 38 gói bột ngọt, 160kg đường, 212 hộp bánh và 112 bộ áo quần.
Ông Nguyễn Văn Nga (66 tuổi) bị bệnh phong từ lúc 25 tuổi, vợ ông cũng bị bệnh phong một năm sau đó đã không giấu nỗi xúc động khi cho biết: hồi ở ngoài làng Phong Hòa Vân, “tận dụng” một ít sức khỏe còn lại để làm nông, đắp đổi qua ngày. Giờ về khu tái định cư, gia đình sống nhờ vào tấm lòng của các nhà hảo tâm, hạnh phúc nhất khi các nhà hảo tâm, những tấm lòng đã không hề quên khu tái định cư làng Phong này.
Bà Phú, ở dãy nhà B- khu tái định cư của người dân làng Vân đã không giấu được nỗi niềm khi được đón cái Tết đầu tiên ở phố phường, xa làng cũ cũng buồn, nhưng vào đây có phố xá, có không khí Tết hơn. Bà bộc bạch: Giờ được sống ở khu dân cư đông đúc, phố xá lúc nào cũng đông người qua lại, con cháu được đi đây đi đó chứ không lủi thủi như ngoài kia, hàng xóm láng giềng ở đây cả nên Tết này vui lắm...
Làng Phong Hòa Vân ngày trước chính thức ra đời ngày tháng năm nào, buổi đầu có bao nhiêu người...hầu như không có câu trả lời chính xác. Người ta chỉ nhớ mang máng rằng khoảng từ những năm 1960-1965, do không thể chịu đựng sự kỳ thị của cộng đồng, những người mang bệnh phong đã chọn Hòa Vân (phần đất nhô ra biển dưới chân đèo Hải Vân, Đà Nẵng) làm nơi dung thân. Sau đó, một tổ chức tôn giáo hay tin tìm đến và những ngôi nhà đầu tiên của bà con làng cùi lúc đó được dựng lên, nhưng cũng chỉ là những căn lều (trại) dã chiến bằng vải. Mọi người chui nhủi sống chung trong đó. Sau đó, tại làng cùi Hòa Vân ra đời một cơ sở điều trị bệnh phong (của Hội Truyền giáo Cơ đốc). Những cư dân của làng bắt đầu ý thức hơn đến việc phải tồn tại, khi họ đã có được sự an tâm về thuốc men. Để mưu sinh, bằng sức lực còn lại của mình, người thì đánh bắt cá ven bờ, một số khác làm nông và lúa gạo thì chia cho bà con. Cơ cực quá, bà con làng phong Hòa Vân tựa vào nhau để sống và sinh con đẻ cái. Đơn vị hành chính cấp thôn, có tên gọi là Hòa Vân, thật ra cho đến năm 1998, mới chính thức được thành lập. Thôn Hòa Vân (tức làng phong Hòa Vân) thuộc phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Rồi một ngày không xa dấu tích của làng cùi Hoà Vân sẽ không còn, người dân rồi sẽ quên đi... và Tết này tại nơi ở mới, những người lớn tuổi được gần con gần cháu, không phải để chúng lặn lội từ trong phố ra thăm làng như trước. Bầy trẻ nhỏ vui mừng vì được nô đùa thoả thích trong phố xá đông người qua và đầy ắp tiếng cười nói chào Xuân mới. Một mùa Xuân mới đầy ắp tình nhân ái, nghĩa đồng bào và sự yêu thương đã về với người dân nơi đây./.
Văn Sơn