Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 17/10/2008 21:33'(GMT+7)

Mục tiêu quan trọng vẫn là kiềm chế lạm phát và cơ cấu lại nền kinh tế

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 của Chính phủ có đặt ra mục tiêu kiềm chế mức tăng giá tiêu dùng cả năm 2009 dưới 15%, tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.

Phân tích về cơ sở để đưa ra những con số này, ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đặt vấn đề kiềm chế lạm phát và cơ cấu lại nền kinh tế quan trọng hơn là đạt được tốc độ phát triển nhanh, cho nên đa phần đại biểu đề nghị ở mức 6,5%, nhưng cân nhắc đến điều kiện thuận lợi mà những nhóm giải pháp của Chính phủ Mỹ và các chính phủ ở châu Âu thực hiện tốt thì nền kinh tế phục hồi nhanh, chúng ta sẽ đạt mức 7%, như vậy hợp lý hơn.

** Thưa ông, ông có nghĩ rằng mức tăng trưởng 6,5% và 15% kiềm chế CPI là hợp lý?

- Nếu chúng ta đạt ở 6,5% thì chúng ta dễ dàng đạt được mức kiềm chế CPI là 15%.

** Theo nhiều chuyên gia đánh giá, nếu mức lạm phát đặt ra cho năm sau là 15% sẽ là quá cao, trong khi đang có nhiều yếu tố để giảm giá: giá dầu thô, hay giá nguyên vật liệu dầu thô trên thị trường quốc tế đã giảm nhiều; giá lương thực thực phẩm hiện nay cũng đã giảm nhiều, tại sao chúng ta lại đặt ra mức 15%?

- Chúng ta đặt ra mức 15% trên nguyên tắc không xử lý nền kinh tế theo liệu pháp sốc. Với tình hình như vậy, nếu chúng ta vẫn tiếp tục giữ chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm dư nợ tín dụng khoảng dưới 20%, giống như của những năm 2005, 2006, thì chắc chắn chúng ta phải hình dung ngay  350.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào từ nay đến tháng 6 sang năm. Cho nên các biện pháp mà chúng ta thực hiện không thể quá cứng nhắc để hàng triệu người lao động không có việc làm. Vì thế, chúng ta phải làm từ từ để các doanh nghiệp phải tự vươn lên, đầu tiên là để bảo vệ được tài sản của họ, sau đó họ mới giữ được việc làm của công nhân. Đây là mục tiêu của Chính phủ và của Uỷ ban kinh tế, khi thảo luận, chúng tôi đặt vấn đề như vậy. Còn nếu như bằng mọi giá phải giảm xuống 9% chúng ta có thể làm được ngay nhưng cái giá phải trả rất đắt cho nên chúng tôi chọn mức 15%.

** Theo phân tích của Uỷ ban Kinh tế thì tình hình bội chi vẫn tiềm tàng các yếu tố kích thích đến lạm phát. Ngay cả theo kế hoạch của năm 2009 thì bội chi ngân sách vẫn rất lớn, theo ông, vấn đề bội chi ngân sách sẽ phải được giải quyết như thế nào?

- Về bội chi Ngân sách, quan điểm của Ủy ban Kinh tế là không đặt vấn đề nhiều hay ít, có thể nếu mục tiêu chi của anh là đúng và chi có hiệu quả, thì có thể chấp nhận anh vay nữa cũng được, nhưng nếu anh vay về để tiêu dùng, thì chúng tôi phản đối. Vì thế nên trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, chúng tôi đề nghị Chính phủ phải chỉ rõ xem bội chi ngân sách ở điểm nào. Năm 2009, mức bội chi dự tính là 87,3 nghìn tỷ đồng để làm việc gì, nếu dùng để xử lý cho 13 dự án điện đang không có vốn, để chúng ta xử lý nút cổ chai về cảng biển, về đường giao thông nối với cảng biển đến các vùng công nghiệp thì tôi cho rằng để giải quyết những công việc ấy, mức bội chi còn phải lên tới 150.000 tỷ, và vẫn có thể làm được, bởi vì sau 3 năm sẽ có hiệu quả sinh lời. Nhưng nếu khoản bội chi ấy để chi lương, tôi chắc là vấn đề ấy sẽ còn phải bàn.

** Năm 2008 tuy mức bội chi cao nhưng hiệu quả đầu tư vẫn không được cải thiện, chỉ số ICOR vẫn còn cao?

- Chỉ số ICOR của năm 2008 cao là do chúng ta, bởi chúng ta cắt giảm đầu tư, rất nhiều dự án công trình đang thực hiện bị cắt giảm, buộc chỉ số ICOR phải lên, đấy là hệ quả tất yếu không mong muốn của chính sách thắt chặt tiền tệ và kiềm chế lạm phát. Thế nhưng với chỉ số ICOR ấy, hướng đầu tư của chúng ta sang năm sẽ như thế nào. Vì thế trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế, chúng tôi đề nghị nâng cao hiệu quả tập trung của vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và của cả doanh nghiệp khi đó chỉ số ICOR sẽ được nâng lên bởi tổng đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 40% tổng mức đầu tư toàn xã hội./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất