Chủ Nhật, 24/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 10/2/2016 19:56'(GMT+7)

Mùng ba Tết: Các thế hệ học trò tri ân thầy, cô giáo

Mùng ba Tết Thầy là truyền thống nhiều ý nghĩa của các thế hệ học sinh Việt Nam

Mùng ba Tết Thầy là truyền thống nhiều ý nghĩa của các thế hệ học sinh Việt Nam

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùng 3 Tết, là các thế hệ học trò lại đến thăm các thầy cô giáo cũ, chúc mừng năm mới bày tỏ tấm lòng tri ân với những người chở chữ, truyền dạy kiến thức cho học sinh.

“Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy” câu nói dân gian ấy đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến Xuân về. Đến thăm và chúc Tết các thầy cô vào dịp này với nhiều người còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn, cùng sự kính trọng đối với các thầy cô giáo. Với ý nghĩa như vậy, sáng nay mùng 3 Tết Bính Thân, nhóm học sinh lớp 9 Trường THCS Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lại hẹn nhau đến chúc Tết cô giáo chủ nhiệm. Cùng bó hoa tươi thắm như mùa Xuân, những tấm thiệp được các bạn tự tay làm để thể hiện lòng tôn kính “tôn sư trọng đạo” với lời chúc tốt đẹp nhất dành cho các thầy cô.

Em Nguyễn Quỳnh, học sinh lớp 9 Trường THCS Tô Hoàng cho biết: “Mùng 3 Tết chúng em thường đến nhà thầy cô chúc Tết hỏi thăm sức khỏe và tặng những bó hoa, bưu thiếp chúc sức khỏe các thầy cô. Tết của thầy cô là ngày để học sinh nhớ ơn đến các thầy cô vì công lao to lớn của các thầy cô đã dạy mình trong những năm trước”.

Theo quan điểm của một số người, hiện nay “Tết thầy” đã có nhiều thay đổi, có vẻ như đang bị thương mại hóa. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là trường hợp cá biệt.  Đa số học sinh đến chúc Tết thầy cô nhân dịp đầu năm mới đều với cả tấm lòng trân trọng và sự biết ơn sâu sắc nhất.

Nguyễn Quang Minh, sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, ngày Tết đến thăm thầy có ý nghĩa rất thiêng liêng: “Đã thành truyền thống, năm nào em cũng về thăm thầy dạy toán cấp hai của em. Vì thầy rất yêu quý chúng em. Thầy giúp em nhận ra mình học được nhất môn gì nên em đã thi được vào trường đại học đúng như mong muốn. Chúng em đến chúc Tết thầy thường tặng hoa, hoặc xin chữ nho với lời chúc tốt đẹp nhất để tặng thầy. Em thấy ngày này rất có ý nghĩa để cho chúng ta về thăm lại những thầy cô giáo đã dạy dỗ, dìu dắt để có được thành tích như bây giờ”.

Tết thầy không chỉ là truyền thống thể hiện tấm lòng tri ân của học trò đối với thầy cô giáo cũ mà còn là niềm vinh dự, tự hào của những người làm nhiệm vụ “trồng người”. Với những thầy cô giáo chân chính, cho dù đã nghỉ hưu thì vào ngày này, vẫn có nhiều thế hệ học trò cũ tới thăm và với họ đó là niềm vui, hạnh phúc không gì sánh được. Cô trò phấn khởi khi nghe kể những thành công của trò và ôn lại những năm tháng kỷ niệm xưa.

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Nguyễn Bích Hà, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam chia sẻ: “Khi học sinh đến chúc Tết các thầy các cô thấy ấm lòng. Có được học sinh đến thì có nghĩa là các em vẫn còn nhớ tới mình. Nếu mà lâu không gặp trước hết là hỏi thăm công việc của các bạn rồi là con cái các bạn, hỏi thăm sức khỏe hoặc là ôn lại những kỷ niệm giữa cô với trò ngày xưa”.

Người Việt có truyền thống “tôn sư trọng đạo” là để nhắc nhở mỗi người nhớ về công lao dạy dỗ trưởng thành một con người trong xã hội bên cạnh công nuôi dưỡng dạy bảo của cha mẹ có một phần không nhỏ của người thầy. Bởi vậy, dù bận rộn đến mấy thì Tết thầy vẫn được các thế hệ học trò lưu giữ để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ./.

(VOV.VN)

    
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất