Số lượng sách mà trẻ có khả năng tiếp xúc trong nhà càng lớn thì khả năng tư duy của chúng càng cao.
Giáo sư Brian Avants, một nhà nghiên cứu của Đại học Pennsylvania tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp phân tích thông tin về cuộc đời của 64 người. Những người này được theo dõi trong 20 năm, nghĩa là từ khi họ còn nhỏ tới khi thành người lớn, Fox News đưa tin.
Khi đối tượng nghiên cứu còn nhỏ, các chuyên gia tập trung vào những đồ vật có khả năng kích thích hoạt động trí tuệ - chẳng hạn như đồ chơi hay sách. Sau đó họ thường xuyên quan sát não của đối tượng nghiên cứu bằng máy chụp ảnh cộng hưởng từ trong những năm sau để phân tích.
Kết quả cho thấy, vỏ não của những người sống trong môi trường có nhiều đồ vật kích thích tư duy từ khi 4 tuổi mỏng hơn so với những trẻ khác. Xu hướng này không hề phụ thuộc vào chỉ số thông minh của cha, mẹ. Vỏ não càng mỏng thì khả năng tư duy càng lớn.
Độ dày của vỏ não thay đổi liên tục trong suốt cuộc đời của con người. Trẻ càng nhỏ thì vỏ não càng dày. Nhưng trong quá trình phát triển của người, vỏ não loại bỏ những tế bào không cần thiết nên trở nên mỏng hơn. Những tế bào còn lại sẽ chuyên biệt hóa để phù hợp với môi trường xung quanh.
"Con người càng tiếp xúc nhiều với sách, đồ chơi và những vật kích thích hoạt động thần kinh thì vỏ não càng mỏng. Tế bào não càng hoạt động nhiều thì chúng ngày càng trở nên chuyên biệt hóa để thực hiện một số chức năng nhất định. Vỏ não của những người có chỉ số thông minh cao thường mỏng hơn so với vỏ não của những người có chỉ số thông minh thấp", Avants giải thích.
Một điều thú vị là môi trường sống trong nhà không ảnh hưởng tới vỏ não của trẻ từ tuổi thứ tám. Do vậy, phụ huynh nên quan tâm tới môi trường trong nhà ngay từ khi trẻ còn nhỏ hơn độ tuổi đó.
"Nguyên nhân là não của người rất nhạy cảm với môi trường xung quanh trong quãng thời gian trước tuổi thứ tám. Song chúng tôi cũng cho rằng, từ tuổi thứ tám, thời gian ở nhà của trẻ ít hơn so với khoảng thời gian trước", nhóm nghiên cứu lập luận.
Minh Long - HNM