Đào tạo nghề ở Việt Nam, một mặt phải tự đổi mới từ cơ chế quản lý đến toàn bộ quá trình đào tạo; mặt khác cần tiếp thu, áp dụng những tri thức khoa học và công nghệ của thế giới, tạo ra đột phá về chất lượng dạy nghề.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh điều này tại Hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam - Đột phá chất lượng dạy nghề do Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức tổ chức sáng 10/10 tại Hà Nội.
Diễn ra trong 2 ngày 10-11/10, Hội nghị có sự tham dự của hơn 250 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ hai nước.
Hội nghị tập trung thảo luận 4 chuyên đề, bao gồm: tiêu chuẩn nghề; quan hệ hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề; phát triển đội ngũ giáo viên đào tạo nghề có năng lực; tài chính cho dạy nghề.
Theo Bộ LĐTBXH, để hướng tới đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế của một nước công nghiệp vào năm 2020, Chính phủ đã quyết định đổi mới toàn diện hệ thống dạy nghề: từ đổi mới công tác quản lý dạy nghề; nội dung, chương trình và các điều kiện đảm bảo chất lượng...
Mạng lưới các cơ sở dạy nghề đang được mở rộng, phân bố hợp lý ở các vùng miền. Năm 2011, cả nước có 136 trường cao đẳng nghề, 308 trường trung cấp nghề, 849 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác. Quy mô đào tạo tăng đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2011 đạt 32%.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, để tạo ra sự đột phá về chất lượng trong lĩnh vực này, Việt Nam cần sự hợp tác và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có Đức và các nước ASEAN, tập trung vào một số nội dung như: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý dạy nghề, nâng cao năng lực hoạch định và xây dựng chính sách dạy nghề cho Việt Nam, trong đó có việc trao đổi, hỗ trợ để hoàn thiện Luật dạy nghề và các văn bản pháp luật liên quan; Thu hút các nguồn ODA từ các nhà tài trợ để phát triển dạy nghề, trong đó tập trung phát triển các trường nghề chất lượng cao, một số trường đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực.
Đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế được Chính phủ Việt Nam quan tâm đặc biệt và tập trung mọi nỗ lực để hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam - yếu tố quyết định sức cạnh tranh chung của nền kinh tế và phát triển xã hội.
Mặt khác, đào tạo theo nhu cầu của thị trường đang là xu thế chung, là cách tiếp cận đào tạo có hiệu quả đang được thực hiện ở tất cả các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để hội nhập, nguồn nhân lực Việt Nam cần phải đạt các chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động của thị trường lao động khu vực và thế giới.
Vì vậy, đào tạo nghề ở Việt Nam, một mặt phải tự đổi mới, từ cơ chế quản lý đến toàn bộ quá trình đào tạo; mặt khác cần tiếp thu, áp dụng những tri thức khoa học và công nghệ của thế giới, tiếp thu những ưu điểm của các mô hình dạy nghề hiện đại của các nước để phát triển dạy nghề trong nước, tạo ra đột phá về chất lượng dạy nghề.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này, song song với việc huy động các nguồn lực trong nước, Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN và các nước phát triển trên thế giới, như với Đức, nước có nhiều kinh nghiệm và đạt được nhiều thành công trong đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu rõ 4 vấn đề chính về hợp tác phát triển dạy nghề giữa Việt Nam, Đức và các nước ASEAN cần được trao đổi tại Hội nghị.
Thứ nhất, về lĩnh vực có thể hợp tác. Việt Nam cùng với các nước trong khu vực và Đức có thể hợp tác để nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề, trong đó tập trung vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Thứ hai, về hình thức hợp tác, có nhiều hình thức hợp tác song phương và đa phương; có thể là hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực của cả hệ thống thống qua các nguồn ODA, hoặc hợp tác, hỗ trợ đầu tư cơ sở dạy nghể đạt chất lượng cao, đào tạo những nghề đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế…, thông qua các chương trình, dự án cụ thể.
Thứ ba, để hợp tác có hiệu quả, cần trao đổi, chia sẻ học tập kinh nghiệm giữa các nước, chia sẻ những ưu nhược điểm của các mô hình đào tạo nghề, nhất là mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp. Các cuộc hội thảo, hội nghị, các diễn đàn ở các cấp độ khác nhau sẽ là rất cần thiết, để thấy được nhu cầu của nhau, điều kiện có thể áp dụng công nghệ đào tạo vào mỗi nước.
Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập, người lao động tự do di chuyển trong thị trường lao động khu vực và quốc tế. Theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN, đến năm 2015 các nước ASEAN sẽ trở thành cộng đồng, dẫn đến cần công nhận kỹ năng nghề của người lao động giữa các nước trong khối.
Vấn đề đặt ra là, liệu các nước có thể xây dựng khung chính sách phù hợp để hướng tới công nhận kỹ năng nghề của người lao động giữa các nước và làm thế nào để đạt được điều này.
Ngày mai (11/10), Hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận về nhân tố then chốt cho việc đột phá chất lượng đào tạo nghề là đội ngũ giáo viên và đưa ra những kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới.
Thu Cúc - Chinhphu.vn