Ngày 9/12, Mỹ từ chối các đề nghị nước này tham gia một hiệp ước yêu cầu
tiêu hủy ngay lập tức các loại vũ khí hạt nhân. Washington tuyên bố
theo đuổi cách tiếp cận từng bước đối với vấn đề này.
Phát biểu trước báo giới bên lề một hội nghị về vũ khí hạt nhân diễn ra
tại thủ đô Vienna của Áo, đặc phái viên của Mỹ phụ trách vấn đề không
phổ biến vũ khí hạt nhân Adam Scheinman cho biết cách tiếp cận hiệu quả
và khả thi nhất trong vấn đề này là từng bước cắt giảm kho vũ khí hạt
nhân và cuối cùng là tiêu hủy hoàn toàn.
Quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh trong điều kiện an ninh cho phép, Mỹ có
thể tiếp tục thu hẹp hơn nữa kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình như
cam kết của chính quyền Obama.
Hội nghị về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Vienna thu hút hơn 800
đại biểu đến từ 160 quốc gia và các tổ chức dân sự. Nội dung cơ bản là
đánh giá những hậu quả khôn lường mà thế giới phải hứng chịu trong
trường hợp xảy ra một vụ nổ hạt nhân.
Đây là hội nghị quốc tế thứ ba về chủ đề này và lần đầu tiên có sự tham
dự của đại diện Mỹ và Anh. Các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân khác
như Nga, Trung Quốc và Pháp đều không cử đại diện tham dự.
Hiện nay Nga và Mỹ hiện sở hữu 90% số lượng vũ khí hạt nhân của thế giới
và số lượng này đã giảm đáng kể kể từ sau Chiến tranh Lạnh thông qua
các hiệp ước như Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START),
Hiệp ước Moscow và START mới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 16.300 đơn
vị vũ khí hạt nhân, trong đó có 4.000 đơn vị trong tình trạng sẵn sàng
hoạt động, 1.800 đơn vị ở mức "cảnh báo cao."
Hiệp ước START mới có hiệu lực từ ngày 5/2/2011, kêu gọi Mỹ và Nga cắt
giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược từ mức 2.200 xuống còn 1.550 đầu đạn
trước năm 2018. START mới cũng quy định mỗi bên giảm tổng số hệ thống
phóng vũ khí hạt nhân xuống còn không quá 800 đơn vị. Tuy nhiên, đến
nay, hai quốc gia này vẫn chưa có bất kỳ động thái nào./.
(TTXVN)