Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 3/10/2008 22:43'(GMT+7)

Nông dân đối mặt với nhiều thách thức

Mục tiêu chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 xây dựng nền chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của đất nước và là động lực phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh bộn bề khó khăn từ chủ quan đến khách quan như thiên tai, dịch bệnh, quy mô nhỏ lẻ, bất cập trong khâu giống, phát triển đồng cỏ, vùng nguyên liệu cho chế biến thức ăn,... đặc biệt là phải chịu sức ép lớn từ các sản phẩm ngoại nhập là những “rào cản” đang đè nặng lên ngành chăn nuôi Việt Nam.

Đối mặt với khó khăn

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2007-2008 ngành chăn nuôi Việt Nam đã phải gánh chịu nhiều rủi ro từ thiên tại, dịch bệnh, bên cạnh đó là thị trường tài chính thiếu ổn định, lãi suất ngân hàng tăng cao, giá nguyên liệu thực ăn tăng mạnh dẫn đến người chăn nuôi thua lỗ đã ảnh hưởng đến mức tăng trưởng và giá trị gia tăng của toàn ngành. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân năm 2007 đạt 4,6%, trong 6 tháng đầu năm 2008 chỉ đạt 0,03%. Chỉ riêng trong đợt rét kéo dài vừa qua đã gây thiệt hại lớn tới đàn gia súc, nhất là trâu bò. Tổng số các loại vật nuôi đã bị chết rét, chết đói trong đợt rét vừa qua đã lên đến gần 200 nghìn con, trong đỏ chủ yếu là bê, nghé non (chiếm khoảng 70%), trâu bò già (chiếm khoảng 30%), cùng nhiều loại súc vật, gia cầm khác... Dịch nở mồm, long móng tuy chưa xảy ra trên diện rộng nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát gây tâm lý bất ổn cho người chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 82 đàn tại 63 xã, 24 huyện trên 25 tình, thành; Buộc phải tiêu huỷ 65.331 con (trong đó ga chiếm 38,1%, thuỷ cầm chiếm 61,9%); Nở mồm long móng đã xảy ra 45 ổ dịch tại 44 xã, 19 huyện trên 4 tỉnh, số gia súc mắc bệnh lên đến trên 270 con; Đặc biệt, dịch lợn tai xanh đã xảy ra trên diện rộng tại 953 xã, 99 huyện của 25 tỉnh thành, số lợn mắc 308.901 con, tiêu huỷ 299.988 con.

Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi được chế biến trong nước tuy đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm qua (đạt khoảng trên 17%/năm) nhưngc cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu trong nước còn lại đều phải phụ thuộc vào nhập khẩu, do đó giá thức ăn thưởng không ổn định vào luôn cao hơn trong nước khoảng từ 5-10%. Cộng thêm vào đó là giống tăng cao, trình độ chăn nuôi còn hạn chế... đã đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, giảm hiệu quả chăn nuôi.

Với việc Việt Nam gia nhập WTO, thực hiện những cam kết về thuế quan, phải cạnh tranh thương mại về các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu có chất lượng cao, giá cả hợp lý, chủng loại và số lượng nhập khẩu tăng dần đã tạo ra sức ép lớn đối với ngành chăn nuôi trong nước. Đặc biệt, trong năm 2008, lượng thịt và phụ phẩm giá rẻ được nhập khẩu từ bên ngoài quá lớn đã đẩy giá các sản phẩm chăn nuôi trong nước xuống dưới giá thành, người chăn nuôi lỗ nặng, nhiều người buộc phải bỏ nghề, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Quá tích cực... trong WTO

Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của nước ta đạt khoảng 80,62 triệu USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu đã lên tới 321,8 triệu USD. Phần lớn các sản phẩm nhập khẩu chính trong 8 tháng đều đã tăng gấp 3 lần so với cả năm 2007. Cụ thể như, thịt nội tạng (tim, gan, thận) trâu, bò, cừu đông lạnh gần 6.100 tấn (năm 2007 là 2.833 tấn); thịt (đùi, cánh), nội tạng (mề, tim), gà đông lạnh trên 103.000 tấn (năm 2007 là 40.800 tấn); đặc biệt thịt, nội tạng (gan, tim, thận) lợn đông lạnh trên 8.600 tấn, tăng hơn 17 lần năm 2007 (472 tấn).

Nguyên nhân dẫn đến số lượng thịt nhập khẩu tăng vọt trong thời gian qua, ngoài tác động từ nội tại ngành chăn nuôi như trận rét đậm, rét hại đầu năm làm gần 200.000 con trâu, bò chết và do dịch “tai xanh” hồi tháng 3 buộc phải tiêu huỷ gần 300.000 con lợn, một nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta đã hạ mức thuế suất nhập khẩu xuống quá thấp, thậm chí thấp hơn cả mức thuế cam kết cắt giảm với WTO đến năm 2012. Đơn cử, với các sản phẩm thịt lợn, mức thuế suất cam kết tại thời điểm gia nhập WTO là 30% và đến năm 2012 sẽ cắt giảm xuống từ 15 đến 25%, thì bây giờ đã giảm xuống còn 20%. Đối với các sản phẩm thịt gà, chúng ta còn tự nguyện cắt giảm từ 40% xuống còn... 12%.

Thực tế này cho thấy, tình hình nhập khẩu thịt trong thời gian vừa qua là quá ồ ạt, hầu hết các sản phẩm nhập khẩu là hàng đông lạnh. Điều này đã làm mất cân đối nguồn cung ở trong nước. Sản phẩm nhập khẩu vào nước ta có 2 dạng: Dạng chất lượng cao như thịt bò, chủ yếu đưa vào nhà hàng, khách sạn với giá cao, sản phẩm trong nước không thể cạnh tranh; Dạng thứ 2 là sản phẩm phụ phẩm như: đùi, cánh, chân... gà hay tim, cật… lợn, trâu, bò. Những sản phẩm này ở các nước xuất khẩu không ăn, nên họ lọc ra và bán cho ta. Do mức thuế suất đối với sản phẩm thịt nhập khẩu quá thấp, nên giá thành 1kg gà từ Mỹ nhập về Việt Nam chỉ có 895 USD/tấn (tương đương 14.700 đồng/kg), nghĩa là còn rẻ hơn cả thịt gà bán trong nước.

Cần có giải pháp mạnh

Với mức thuế thực hiện theo cam kết WTO, Việt Nam hạ thấp xuống hơn so với lộ trình là để nhập khẩu các sản phẩm thịt từ nước ngoài về nhằm bình ổn giá trong nước, kiềm chế lạm phát. Song, với tình hình giá cả ổn định như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, việc nhập khẩu này cần phải được hạn chế. Nếu không thì ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn bởi các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao, giá rẻ; hàng triệu người nông dân sẽ gặp khó, thua lỗ trong chăn nuôi, tình trạng nghèo đói ở sẽ gia tăng. Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần phải đưa mức thuế suất nhập khẩu về ngay về mức cũ như cam kết khi bắt đầu gia nhập WTO. Đồng thời, dùng hàng rào kỹ thuật để chi phối và bảo vệ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, chúng ta lại đang gặp khó khăn khi không thể cấm hoàn toàn được. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng thừa nhận: Việc lập hàng rào kỹ thuật là rất khó, do trình độ chăn nuôi của ta thấp hơn hẳn so với các nước chăn nuôi phát triển, nên về mặt an toàn thực phẩm họ làm rất chặt chẽ. Do vậy chúng ta không thể chứng minh được sản phẩm của họ có nguy cơ gì để ngăn chặn. Ông Bổng cũng cho biết, trước thực trạng này Bộ đã có những kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu các loại sản phẩm chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi theo lộ trình cho phù hợp vừa bảo vệ người tiêu dùng trong nước vừa thực hiện đúng cam kết của WTO. Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách, cân đối nguồn lực và hướng dẫn các địa phương thực hiện các nội dung và mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 và Nghị quyết Hội nghị TW 7 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Bên cạnh đó, để đạt được mức tăng bình quân từ 6-7%/năm cần có nhiều giải pháp đổi mới, phát triển quyết liệt và sự nỗ lực cao của người chăn nuôi, trước mặt, Bộ NN&PTNT đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp: Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi theo hướng lâu dài, an toàn, bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh; Tổ chức tuyển chọn nhân giống, nhập giống để có giống tốt cung ứng cho người chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra, giám sát loại bỏ những giống khong đạt yêu cầu, mặt khác, xây dựng, phê duyệt các chương trình giống tại các địa phương trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh từng vùng, miền tính đến hiệu quả kinh tế; Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, giúp biết được những giống tốt, thức ăn tốt, kỹ thuật nuôi dưỡng tốt. Khuyến khích người chăn nuôi thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt nhằm giúp họ chăn nuôi có hiệu quả... trên cơ sở đó giúp cho việc quản lý ngành theo chuổi giá trị sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Đồng thời, tăng cường giám sát thú y, thực hiện tốt các quy trình phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo khống chế dịch, quản lý được chất thải, xây dựng nhanh các quy định, tiêu chí nội dung về quản lý môi trường trong chăn nuôi. đặc biệt, tổ chức hệ thống thống kê và thông tin dự báo thị trường cung cấp kịp thời cho người chăn nuôi, các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, biến động về số lượng đàn gia súc, giá các loại thức ăn, giá các loại sản phẩm chăn nuôi...

 
Đỗ Văn Hải - Bộ Tài chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất