Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 6/10/2008 6:54'(GMT+7)

Xung quanh chuyện 13 dự án EVN trả lại, PVN xin đầu tư: Phải chăng bởi thiếu bộ chủ quản

 

Thời gian gần đây, có rất nhiều ý kiến trái ngược xung quanh câu chuyện 13 dự án phát triển nguồn điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị “trả lại” Chính phủ do không thu xếp được vốn, lại được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam “xin được đầu tư”. Có lẽ là bởi nhu cầu về điện ngày càng trở nên cấp thiết đối với  phát triển kinh tế và đời sống xã hội, khi mà cảnh thiếu hụt điện vẫn đang ngày càng trở nên trầm trọng. Tuy nhiên, đánh giá về việc các tập đoàn trả lại hay nhận đầu tư 13 dự án nguồn điện này, cần nhìn nhận  toàn diện, khách quan. Và vấn đề quan trọng hơn, là trách nhiệm của chính cơ quan quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, đến cách điều hành, thực thi của các ngành chức năng và doanh nghiệp.

Nhìn nhận xung quanh việc EVN trả lại 13 dự án
Vấn đề trước tiên cần phải khẳng định ngay, đó là vai trò, tầm quan trọng của mỗi dự án phát triển nguồn điện khi được triển khai thực hiện và được đưa vào vận hành, bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn trong điều kiện đất nước đang thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cùng lúc đòi hỏi phải đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu để triển khai thực hiện, trong đó, điện là một trong những đòi hỏi cấp thiết nhất. Do vậy, việc EVN đề nghị “trả lại” 13 dự án phát triển nguồn điện trong điều kiện hiện nay tạo ra nhiều ý kiến trái chiều là điều hiển nhiên. Đặc biệt, khi cả 13 dự án này đều là những dự án đặc biệt cấp thiết, nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI).

Chỉ tính riêng nhu cầu điện cho nền kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, mỗi năm nước ta cần thêm ít nhất khoảng 4.000 MW. Tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/7/2007 phê duyệt Quy hoạch điện VI, đã chỉ rõ: “Mục tiêu: về dự báo phụ tải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mức tăng GDP khoảng 8,5% - 9%/năm giai đoạn 2006-2010 và cao hơn, dự báo nhu cầu điện nước ta tăng ở mức 17% năm (phương án cơ sở), 20% năm (phương án cao) trong giai đoạn 2015, trong đó, xác định phương án cao là phương án điều hành, chuẩn bị phương án 22% năm cho trường hợp tăng trưởng đột biến. Về phát triển nguồn điện, phải đáp ứng nhu cầu phụ tải nêu trên. Đảm bảo thực hiện tiến độ xây dựng các nhà máy thuỷ điện,… phát triển hợp lý có hiệu quả các nguồn nhiệt điện khí, đẩy mạnh xây dựng nhiệt điện than, phát triển thuỷ điện nhỏ, năng lượng mới và tái tạo… đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững…”.

Có thể nói, Quyết định 110 khẳng định sự cấp thiết của các dự án phát triển nguồn điện trong đó có 13 dự án EVN xin trả lại Chính phủ. Xét về mặt khách quan, sự việc trên, lỗi trước tiên thuộc về EVN, bởi nhiệm vụ của EVN được xác định rất rõ trong Quy hoạch điện VI, là “giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đầu tư phát triển các công trình lưới điện đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao”. Tại cuộc họp về vốn cho các dự án điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu EVN ngoài việc nghiêm túc rút kinh nghiệm, cần xác định trách nhiệm là đơn vị nòng cốt trong việc đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Về vốn cho các dự án điện, EVN cần tập trung đủ vốn cho các dự án đang dở dang để hoàn thành dứt điểm, đúng tiến độ, xử lý vốn và hoàn thành các thủ tục cần thiết để đảm bảo khởi công sớm các dự án có trong kế hoạch…

Về phía EVN cho biết đang thực hiện 40 dự án nguồn điện, trong đó có 28 công trình đang thi công, 12 công trình chuẩn bị đầu tư và 200 công trình lưới điện ở cấp diện áp 200-500kV. Tổng vốn đầu tư các dự án điện của EVN năm 2008 ước tính hơn 43 nghìn tỷ đồng, nhưng hiện tại EVN mới chỉ cân đối được khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Với 13 dự án Chính phủ giao, EVN đã đàm phán với nhiều ngân hàng trong và ngoài nước nhưng bị từ chối nên EVN không thể thu xếp được nguồn vốn, đề nghị Chính phủ giao 13 dự án phát triển nguồn điện này (tổng công suất 13.800MW) cho nhà đầu tư khác. Như vậy, về phía chủ quan, EVN khi nhận thấy không thực hiện được những dự án đòi hỏi tiến độ, đã dám trả lại những dự án Chính phủ ưu ái giao cho để các nhà đầu tư khác có điều kiện thực hiện, không cố đầu tư dàn trải.

Cần có một Uỷ ban quốc gia về phát triển năng lượng?
Nhìn nhận khách quan, có thể thấy, trong tiến trình thực hiện việc giảm dần thế “độc quyền” của Tập đoàn điện lực Việt Nam cả trong khâu đầu tư, quản lý và khai thác/phân phối điện, đã có khá nhiều nhà đầu tư tham gia vào việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển nguồn, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân làm thuỷ điện nhỏ, và sự góp mặt của 2 Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tham gia một số dự án nhiệt điện chạy khí và nhiệt điện chạy than... Và một thực tế là Tập đoàn dầu khí “xin được đầu tư” 13 dự án mà EVN từ chối với lý do trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, Tập đoàn này được giao nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% tổng sản lượng điện phát ra… 

Thế nhưng câu hỏi “ngành điện” hiện nay bao gồm những ai, và - vai trò, trách nhiệm của  Bộ chủ quản trong 13 dự án thuộc Quy hoạch điện VI như thế nào thì không phải dễ tìm được câu trả lời. Vấn đề nữa là phải xét đến cả vai trò của Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI… trong việc chỉ đạo, điều hành, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả Quy hoạch này. Bởi, nếu thực sự có trách nhiệm của cơ quan quản lý Quy hoạch điện VI thì đã không có chuyện 2 Tập đoàn là Than và Điện cùng “kêu khổ” về đầu vào cho các dự án nhiệt điện chạy than trong quy hoạch điện VI, cũng đã không có chuyện “xầm xì” về chuyện giá mua-bán điện giữa 2 Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn điện lực thời gian qua.

Than - điện - khí là vấn đề thuộc về năng lượng. Nhưng hiện nay, sự quản lý, điều hành không rõ ràng, tạo dư luận cho rằng, Tập đoàn Than, hay Tập đoàn Dầu khí đầu tư vào điện là đầu tư ra ngoài ngành, là chuyển đầu tư từ lĩnh vực chính sang các lĩnh vực khác, là thiếu thuyết phục… Thế mới có chuyện ngay cả Vụ Năng lượng - Bộ Công thương cũng hết sức bất ngờ khi Tập đoàn dầu khí Việt Nam xin đầu tư vào 13 dự án điện mà EVN xin trả lại…

Trong khi năng lượng đang ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết trong sự phát triển kinh tế, việc quản lý, sử dụng nguồn năng lượng không tái tạo được và phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo - với vai trò là nguồn để sản xuất ra điện năng phục vụ kinh tế - xã hội là không thể tách rời. Tại điều 4, trong QĐ 110/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến 2025 cũng chỉ rõ việc cần thiết thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Điện VI. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, cần nâng cao vai trò của Cục điều tiết điện lực, Vụ năng lượng trong quản lý, điều hành “ngành điện”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – PTGĐ Tập đoàn điện lực Việt Nam thì trong giai đoạn hiện nay, cần thiết phải có một Uỷ ban quốc gia về phát triển năng lượng. Bởi, trên thực tế, riêng với điện, chúng ta đang hoạt động trong trạng thái thiếu thốn và không có dự phòng. Đối với than và khí, chưa có sự tính toán cụ thể trong việc đảm bảo cam kết cung cấp ổn định cho sản xuất điện, phục vụ chiến lược phát triển nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội đất nước./.
 (VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất