Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 3/10/2008 20:32'(GMT+7)

Giá điện sắp tăng: Cần xây dựng cơ quan chống độc quyền về giá

 Theo ông Lê Đăng Doanh, bất cứ mặt hàng nào muốn tăng giá cần cần phải có một cuộc điều tra độc lập, đối thoại công khai.

“Ngành điện có cơ quan điều tiết điện nhưng cả nước chưa có cơ quan chống độc quyền. Trong khi đó, cơ quan điều tiết điện lại nằm trong Bộ Công thương nên hiệu quả hoạt động chưa được như mong muốn. Nhiều nước trên thế giới đã có Luật Kiểm soát độc quyền và cơ quan kiểm soát độc lập”-ông Lê Đăng Doanh nói.

Nên có lộ trình tăng giá điện

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, giá điện tăng đến 20% sẽ là một cú “sốc” cho người tiêu dùng. Đành rằng, việc điều chỉnh giá điện sẽ làm cho người tiêu dùng tiết kiệm hơn và người ta sẽ phải sử dụng những nguồn khác ngoài điện. Thế nhưng, mục tiêu giữ điện ổn định bằng việc tăng giá đột ngột sẽ dẫn đến méo mó nền kinh tế.

Ông Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi vì Chính phủ đã ổn định giá điện trong khi giá đầu vào đang tăng mạnh (giá dầu, than đều lên cao) nên việc “nín nhịn” giá điện quá lâu cũng khó có thể bảo đảm duy trì hoạt động của ngành này. Vấn đề là nên tăng ở mức nào để đảm bảo ngành điện có lãi. Có lãi mới đảm bảo đầu tư và kinh doanh lâu dài được.

Vấn đề thứ hai là giá thành của ngành điện  thế nào là hợp lý và mức tăng thế nào là có lãi. Đây là điều mà người tiêu dùng còn có nhiều ý kiến và hai bên chưa gặp nhau.

“Trong tình hình này nên có một có một điều tra độc lập, tiến hành đối thoại  giữa ngành điện - người tiêu dùng và cơ quan chuyên môn. Bởi thực tế, không thể có một quyết định vừa làm hài lòng ngành điện vừa làm hài lòng người tiêu dùng. Phương án tối ưu không phải là phương án vừa lòng một bên mà phải là cả hai bên đều chấp nhận được”- ông Doanh nói.

Giá cao mua hàng tốt?

Thực tế, phía nhà cung cấp thường tự ý cắt nguồn điện đã gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp và làm đảo lộn sinh hoạt của nhiều gia đình. Thế nhưng, những “nạn nhân” này lại chưa nhận được câu trả lời và sự đền bù thích đáng từ phía ngành điện.

Theo ông Lê Đăng Doanh khi giá điện tăng 20% thì ngành điện phải quan tâm đến chất lượng điện. Người dân hy vọng rằng trả giá cao hơn thì chất lượng sản phẩm phải tốt hơn”.

Theo ông Doanh, cần có các mức giá điện linh hoạt và đa dạng. Một mức giá điện thấp cho những người tiêu dùng ít, tối thiểu và có mức tăng tùy theo giờ cao điểm. “Chúng ta cũng cần công bố công khai và lấy ý kiến toàn dân về vấn đề này để mọi người đồng thuận” – ông Doanh khẳng định.

Về cách tính giá điện, ông Doanh cho rằng không nên tính đến mức tăng đồng loạt và đánh đồng giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Nhà nước không nên tăng giá điện với người tiêu dùng để bù lỗ cho những người sản xuất. Bởi giá điện tăng ở mức cao thích hợp sẽ là sức ép lành mạnh để doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ và giảm tiêu hao năng lượng điện./.

  (VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất