Thứ Ba, 15/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 23/2/2010 21:13'(GMT+7)

Năm 2010: Đối mặt với nguy cơ lạm phát

Từ ngày 1-3, giá điện sẽ tăng, nguyên nhân được giải thích bởi than tăng giá.

Từ ngày 1-3, giá điện sẽ tăng, nguyên nhân được giải thích bởi than tăng giá.

Nguyên nhân tăng giá “đầu vào”

Trong lúc thị trường đang chịu áp lực tăng giá hàng hoá tiêu dùng trong những ngày áp tết, thì Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2010/TT-NHNN quy định tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD và VND tăng thêm 603 đồng kể từ ngày 11-2, tăng thêm 3,3% so với tỉ giá ngày trước đó. Như vậy, hàng hoá cũng như nguyên liệu nhập khẩu sẽ bị “đội” thêm chi phí do việc điều chỉnh tăng tỉ giá USD.

Trong lúc giới doanh nghiệp đang phải tính toán điều chỉnh giá thành do tăng giá điện thì ngày 21-2, giá xăng lại tăng thêm từ 550 – 590đ/lít. Mặt khác, kể từ ngày 1-3, giá điện sẽ tăng, nguyên nhân được giải thích là bởi do than tăng giá đã “đẩy” giá điện phải tăng.

Theo số liệu Cục Thống kê TPHCM công bố (ngày 22-2), tốc độ tăng CPI tháng 2 của TPHCM đã đạt mức tăng 1,68%, là mức tăng cao nhất trong 17 tháng qua. Nguyên nhân đẩy CPI 2 tháng đầu năm của TPHCM tăng tới 2,97%, tăng tới 9,45% so với cùng kỳ năm trước được cho là do giá cả cùng sức mua nhiều mặt hàng tăng mạnh trong những ngày áp tết và sau tết.

Cũng theo Cục Thống kê TPHCM, mức tăng bình quân một tháng của CPI đã lên tới xấp xỉ 1,46%, trong khi cùng kỳ năm 2009 chỉ mới có 0,67%. Với mức tăng CPI của TPHCM - một trung tâm kinh tế lớn của đất nước - khả năng CPI của TP.Hà Nội và của cả nước sẽ công bố trong những ngày sắp tới được dự báo sẽ không hề nhỏ. Trở lại tháng 1-2010, với mức tăng CPI đến 1,36% so với tháng 12.2009 đã trở thành con số gây áp lực rất lớn cho các cơ quan quản lý vĩ mô, trước mục tiêu giữ CPI năm 2010 chỉ tăng ở mức 7% như Nghị quyết của Quốc hội đã giao.

Theo dự báo của các chuyên gia Tổng cục Thống kê, tháng Tết Nguyên đán là thời điểm mà CPI có thể sẽ còn tăng cao hơn tháng 1. Và sau 2 tháng đầu năm, với mức tăng mạnh CPI thì việc để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức dưới 7% là một thách thức vô cùng gay gắt, đòi hỏi nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm cung - cầu hàng hoá và ổn định được giá cả trong từng tháng.

“Kịch bản” nào cho CPI?

Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, năm 2009 Việt Nam đã tăng trưởng tín dụng 38% để đạt được mức tăng trưởng GDP 5,3%. Như vậy, mức tăng tín dụng đã cao gấp 7 lần mức tăng GDP. Với tốc độ tăng tín dụng tới 38% trong năm 2009 thì thường nó có độ trễ từ 4 đến 6 tháng.

Khi kinh tế thế giới phục hồi, giá dầu sẽ tăng cao, kéo theo xăng, phân bón, thuốc trừ sâu tăng... Lúc đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với lạm phát từ thế giới. Việc tỉ giá điều chỉnh, giá điện theo cơ chế thị trường, giá than, nước tăng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng và các yếu tố này sẽ dồn tất cả vào CPI.

Năm 2010, Việt Nam đề ra mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% thì nếu theo kịch bản của năm 2009, tăng trưởng tín dụng sẽ phải là 44%. Điều này sẽ là không thể, bởi Thống đốc NHNN đã khẳng định mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 sẽ bị khống chế ở mức 25%. Đây sẽ là bài toán nan giải mà các cơ quan quản lý vĩ mô cũng như các địa phương không thể xem nhẹ trước yêu cầu chỉ được tăng CPI không quá 7%.

Đánh giá về khả năng tăng trưởng nền kinh tế cũng như tốc độ lạm phát của của Việt Nam, Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) cho rằng, áp lực lạm phát sẽ trở thành vấn đề ngày một lớn khi giá dầu và thực phẩm tăng cao. HSBC dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2010 sẽ đạt 6,8%; lạm phát 8% và lãi suất cơ bản sẽ là 12%. Còn theo Ngân hàng Standard Chartered, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức một con số, đứng ở mức trung bình 8,9% trong năm 2010 và lên mức 10% ở thời điểm cuối năm 2010. Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam cần giám sát chặt chẽ tình hình lạm phát, đặc biệt khi giá hàng hoá tiếp tục ở mức cao trong năm 2010.

Để đối phó với vấn đề lạm phát, bên cạnh hàng loạt giải pháp như chống nhập siêu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá nội địa, bình ổn giá cả thị trường... theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh cần phải nâng cao hiệu quả của nguồn tín dụng, theo đó phải điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế và không thể đầu tư vào tất cả các dự án đang triển khai, mà cần điều chỉnh lại cả mô hình tăng trưởng.

Theo đó, không thể tiếp tục tăng trưởng bằng cách cho thuê đất, kêu gọi đầu tư nước ngoài làm những dự án chiếm nhiều đất, làm sân golf. Cũng không thể đẩy xuất khẩu gạo lên tới 7 triệu tấn, tiếp tục xuất khẩu thuỷ sản mãi được, mà cần tìm cách thay đổi, phải chế biến nhiều hơn, sản xuất, chế tác sâu hơn, xuất khẩu các sản phẩm có chế biến, có sử dụng kinh nghiệm của người lao động Việt Nam.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): Lạm phát có thể trở lại 2 con số

Giả định Chính phủ Việt Nam sẽ không thông qua các biện pháp kích thích tài khoá bổ sung vào năm tới và Ngân hàng Nhà nước sẽ theo đuổi các chính sách tiền tệ thắt chặt hợp lý, đồng thời xoá bỏ sự khan hiếm ngoại hối thông qua việc việc tạo sự linh hoạt hơn cho tỉ giá tham chiếu của mình, áp dụng các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và bán ngoại tệ tăng lên, thì tăng trưởng GDP của VN được dự kiến là tăng lên 6,5% vào năm 2010.

Lạm phát được dự kiến là 8,5% năm. Lý do của lạm phát tăng là do nguồn cung tiền tăng nhanh năm 2009 và giá hàng hoá cơ bản của thế giới dự báo sẽ tăng lên trong cả năm 2009 và 2010. Thâm hụt tài chính chung dường như sẽ giảm xuống 4,5% GDP vào năm 2010.

Nhu cầu bên ngoài mạnh hơn và giá cả hàng hoá xuất khẩu cao hơn sẽ làm tăng việc xuất khẩu và dòng kiều hối chảy về sẽ tăng vì nền kinh tế của các nước nguồn đã cải thiện. Song, việc tăng xuất khẩu vẫn chưa đủ để bù đắp việc tăng nhập khẩu nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, nguồn tín dụng thương mại và ngoại hối và giá hàng nhập khẩu tăng lên.

Cán cân thanh toán chung chuyển thành thặng dư nếu dòng vốn chảy vào tăng như dự kiến. Rủi ro đối với viễn cảnh này chính là sự đi xuống của nền kinh tế. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu yếu hơn dự tính sẽ kiềm chế sự tăng trưởng ở Việt Nam và sự tăng giá cả hàng hoá thế giới có nghĩa là sự lạm phát tăng lên.

Rủi ro của nền kinh tế nội địa có thể dự đoán được là sức ép của lạm phát và kỳ vọng phá giá nội tệ có thể làm giảm nhu cầu đối với tài sản có mệnh giá tiền đồng. Trong trường hợp đó, tỉ giá hối đoái ở chợ đen sẽ giảm đáng kể và lạm phát có thể trở lại hai chữ số. 

TR.M

Công Thắng - Lao động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất