Thứ Ba, 15/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 31/1/2010 19:21'(GMT+7)

Năm 2010, sẽ phấn đấu cao cho xuất khẩu

Bốc dỡ gạo xuất khẩu (Ảnh minh hoạ).

Bốc dỡ gạo xuất khẩu (Ảnh minh hoạ).

Nhìn lại năm 2009, nền kinh tế nước ta đã “vật lộn” vượt qua những khó khăn, thách thức. Sự tiếp diễn của khủng hoảng tài chính ở một số nền kinh tế lớn tron từ năm 2008 đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái, làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, sức tiêu thụ hàng hoá trên thị trường thế giới thu hẹp, giá cả của nhiều loại hàng hoá giảm mạnh...

Trong 10 năm qua lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu lớn: Tổng kim ngạch xuất khẩu ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước, từ 2,4 tỷ USD năm 1990 lên trên 5,4 tỷ USD năm 1995, lên gần 14,5 tỷ USD năm 2000, lên gần 32,5 tỷ USD năm 2005 và đạt 62,9 tỷ USD trong năm 2008. Như vậy, trong 10 năm qua tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP tới 2,7 lần (bình quân 7,6%/năm).

Năm 2010 nền kinh tế Thế giới sẽ tiếp tục phục hồi sẽ mang lại nhiều triển vọng và thuận lợi hơn cho Việt Nam. Vừa qua, Bộ Công thương đề ra mục tiêu cho năm 2010 trong đó phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng 6%. Đây là con số cao, cần phải có sự nỗ lực chủ động của các doanh nghiệp xuất khẩu mới đạt được.

Trong kim ngạch xuất khẩu hiện nay, các mặt hàng nhiên liệu và năng lượng gồm dầu thô, than đá, khoáng sản chiếm tỷ trọng không nhỏ. Tuy nhiên, xuất khẩu dựa vào tài nguyên sẵn có sẽ nhanh chóng mất đi lợi thế khi các mặt hàng này giảm sản lượng. Năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có kế hoạch khai thác 15 triệu tấn dầu thô, cả ở trong và ngoài nước. Như vậy, so với 16 triệu tấn dầu thô khai thác và xuất khẩu được trong năm 2009, năm 2010 này, ngân sách sẽ hụt thu một khoản không nhỏ. Đối với than, dự báo năm 2010 sản lượng than xuất khẩu cũng sẽ giảm khi nguồn cung không tăng nhiều, trong khi có thêm một số nhà máy nhiệt điện than mới đi vào hoạt động. Nếu như trong vòng 4 năm trở lại đây, xuất khẩu than đều ở mức bình quân 20 triệu tấn/năm thì năm 2010 dự kiến lượng than xuất khẩu có thể giảm từ 3 đến 5 triệu tấn. Về lâu dài, lượng than xuất khẩu của Việt Nam còn tiếp tục giảm xuống khi nhu cầu than trong nước ngày một gia tăng và tiến tới Việt Nam phải nhập khẩu than cho sản xuất điện từ năm 2012, với dự kiến 6 triệu tấn/năm và sẽ tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Như vậy, khi thời gian tới khối lượng các nhiên liệu và khoáng sản xuất khẩu sẽ theo chiều hướng giảm đi sẽ làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm xuống.

Để thúc đẩy xuất khẩu thì việc thay đổi cơ cấu mặt hàng xuât khẩu là vấn đề quan trọng nhất và trong những năm qua, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện theo chiều hướng đa dạng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô. Theo đó, tỷ trọng của các nhóm hàng nông – lâm – thủy sản và nhiên liệu – khoáng sản sẽ có xu hướng giảm dần và nhóm hàng công nghệ và thủ công mỹ nghệ có xu hướng tăng dần.

Như vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử, sản phẩm nhựa, dây và cáp điện; phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới như: sản phẩm cơ khí, thực phẩm chế biến, hóa phẩm tiêu dùng … và đẩy mạnh các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như: phần mềm, hàng điện tử…

Một trong những điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu là công tác xúc tiến thương mại cũng sẽ được quan tâm hơn nữa trong năm 2010. Nhiều khả năng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho công tác xúc tiến xuất khẩu của năm 2010 sẽ tăng hơn nhiều so với mức 172 tỷ đồng của năm 2009. Đây sẽ là điều kiện tốt để các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và địa phương thực hiện các chương trình tìm kiếm thị trường, bạn hàng xuất khẩu một cách hiệu quả hơn./.

Phạm Cường

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất