Thứ Ba, 17/12/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 29/1/2010 14:10'(GMT+7)

Cần xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam

Công ty lương thực Long An (Tổng công ty lương thực miền Nam) vận chuyển gạo vào kho. (Nguồn: Đình Huệ/TTXVN)

Công ty lương thực Long An (Tổng công ty lương thực miền Nam) vận chuyển gạo vào kho. (Nguồn: Đình Huệ/TTXVN)

Trong khi đó, trên thị trường nội địa, gạo đóng gói có nhãn hiệu bày bán ở các siêu thị cũng có giá cao hơn gạo cùng loại ở các sạp khoảng 20%. Do đó, điều cần làm là xây dựng thương hiệu lúa gạo trên cơ sở chuẩn hóa chất lượng lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

Điều kiện là doanh nghiệp có chiến lược xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao tham gia “Liên kết bốn nhà”, cụ thể là tham gia chuỗi giá trị, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến.

Theo ông Richard Moore, chuyên gia Thương hiệu thế giới: "Giá gạo liên quan đến chất lượng gạo và phương cách giao hàng. Nâng cao giá trị hạt gạo cần sự đầu tư lớn về tiếp thị, bao bì và bán hàng. Xây dựng thương hiệu hạt gạo từ sản phẩm thông thường khi gắn lên bao bì một thương hiệu là gắn với tạo dựng uy tín và liên hệ với khách hàng trên thị trường. Thái Lan làm thương hiệu rất tốt nên họ vẫn là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới và giá trị luôn cao hơn Việt Nam".

Còn Chủ tịch Hiệp hội Makerting thế giới, ông Hermawan Kartajaya, khi nói về vấn đề này đã cho rằng do chúng ta chưa khám phá ra tính đặc trưng của hạt gạo Việt Nam, làm cho nó trở nên nổi trội lên và giúp cho người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là gạo Việt Nam, đâu là gạo Thái Lan hay Trung Quốc... Có như thế, chúng ta mới đánh đúng vào tâm lý của người tiêu dùng. Một khi đã được nhận biết và ưa chuộng một thương hiệu, vấn đề giá cả sẽ trở thành thứ yếu và người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để mua vì sự hài lòng, thay vì phải phân vân hay mặc cả về giá cả.

Vì vậy, vấn đề tạo mối liên hệ chặt chẽ với nông dân, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Phải xem đây là những vấn đề cốt tử, mang tính vĩ mô của nền kinh tế khi vẫn còn dựa vào thế mạnh nông nghiệp.

Bộ Công Thương cho biết, theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, kể từ năm 2011, các công ty nước ngoài được quyền tham gia xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nắm bắt lộ trình này, hiện nay các công ty kinh doanh gạo nước ngoài cũng đã thiết lập đại diện tại Việt Nam, mặc dù không tham gia trực tiếp xuất khẩu gạo, nhưng họ đã cung cấp dịch vụ, làm đại lý cho công ty lương thực tỉnh, hoặc ký hợp đồng với các công ty xuất khẩu. Đây cũng là điều đáng lo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước nếu không có sự chuẩn bị kịp thời.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2010 xuất gạo sẽ có nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và kinh doanh, vì thương mại có tác dụng hướng dẫn sản xuất và xác định kết quả sản xuất bằng cách tiêu thụ hợp lý sản phẩm làm ra. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và xác lập thị phần..., các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh để bảo đảm sản xuất đáp ứng yêu cầu chất lượng và xây dựng thương hiệu riêng.

Trong các tỉnh, thành của khu vực, An Giang là một địa phương có thành tích vượt trội, với sản lượng lúa cao nhất nước. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến nông với đội ngũ nông dân sản xuất giỏi, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa được thực hiện đều khắp đã giúp đồng ruộng An Giang ngày càng tăng giá trị sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Điều đó cũng khiến cho An Giang trở thành nơi tập trung đông đảo các doanh nghiệp kinh doanh ngành xay xát, chế biến, cũng như thu hút các đơn vị thu mua lúa gạo lớn của cả nước. Trong đó đã có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân tạo dựng được thương hiệu riêng cho mình.

Điển hình như Công ty xuất nhập khẩu An Giang (Agimex) liên doanh với một công ty của Nhật Bản từ năm 1990 lấy tên là Agimex- Kitoku chuyên trồng và mua bán lúa gạo. Diện tích trồng lúa ban đầu chỉ có 40ha, năng suất 5 tấn/ha, nay đã tăng lên 1.870ha. Liên doanh bị lỗ suốt 13 năm liền. Nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây liên doanh đã có lãi, mặc dù sau khi đã trừ đi số lỗ cũ, liên doanh vẫn còn lãi nhiều. Lãi lớn nhất của liên doanh là thương hiệu gạo mang tên Agimex-Kitoku.

Là tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang đã đầu tư 3,4 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng chất lượng thương hiệu gạo xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP trên 3 dòng lúa gạo đặc sản nổi tiếng của địa phương là nàng Nhen Bảy Núi, gạo thơm Châu Phú và nếp Phú Tân với thời gian thực hiện trong 3 năm (2008-2011). Chương trình này nhằm gắn kết giữa nhà nông và doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu gạo An Giang, đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu. Không chỉ riêng ở An Giang mà hiện nay ở nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang xúc tiến xây dựng thương hiệu lúa gạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, bán được giá cao và đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân.

Ở tỉnh Tiền Giang có hợp tác xã Mỹ Thành Nam đã thực hiện quy trình sản xuất gạo theo tiêu chuẩn Global GAP và tháng 9/2008 đã được công nhận tiêu chuẩn này. Hiện nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn ADC đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã với giá cao hơn giá thị trường 20 %.

Tỉnh Bạc Liêu cũng thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân. Hiện Bạc Liêu có 18.722ha đang trồng loại lúa này, tập trung ở hai huyện là Hồng Dân và Phước Long. Năm 2008, gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, hứa hẹn tạo ra nhiều lợi thế cho thương hiệu của mình trong xuất khẩu. Mới đây, gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân đã ký kết họp đồng cung cấp 25.000 tấn cho thị trường châu Âu, với tổng trị giá 375 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã lai tạo thành công những dòng gạo đặc sản ST như ST3, ST5, ST10 được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng với giá bán từ 15.000-17.000 đồng/kg, cao hơn hẳn so với gạo thường. Để khai thác lợi thế này, Sóc Trăng đã quy hoạch vùng lúa đặc sản xuất khẩu tại vùng lúa cao sản của 4 huyện Ngã Năm, Mỹ Tú, Thạnh Trị và Kế Sách, phấn đấu đưa diện tích từ 30.000ha hiện nay lên 50.000ha vào năm 2010 và 100.000ha vào năm 2020.

Từ những nỗ lực quy hoạch và phát triển vùng lúa gạo đặc sản chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu phục vụ cho xuất khẩu ở các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chắc hắn sẽ nâng cao năng lực cạnh trạnh cho hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế./.

Lê Hiền (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất