Thứ Năm, 19/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 30/1/2010 17:41'(GMT+7)

Năm 2010, Tây Bắc cần đột phá về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Các tỉnh vùng Tây Bắc cần tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ hơn về cơ cấu kinh tế trong năm 2010 - Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Các tỉnh vùng Tây Bắc cần tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ hơn về cơ cấu kinh tế trong năm 2010 - Ảnh: Chinhphu.vn

Hôm nay (30/1), tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc (BCĐ) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2009, triển khai nhiệm vụ năm 2010. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng BCĐ chủ trì Hôi nghị.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành và lãnh đạo của 13 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc.

Khó khăn nhất là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực

Theo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, trong năm 2010, các tỉnh Tây Bắc cần chuyển dịch mạnh mẽ và hợp lý hơn về cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ở các ngành, các khu vực kinh tế.

Trong nông nghiệp, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Chú trọng xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân; rà soát quy hoạch vùng, ngành; thúc đẩy hình thành vùng chuyên canh tập trung.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng, khó khăn nhất trong phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh vùng Tây Bắc hiện nay là vấn đề về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. “Đây là 2 hạn chế làm kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng”, Phó Thủ tướng đề nghị, các tỉnh trong vùng cần tập trung đột phá và tạo bước chuyển biến căn bản đối với lĩnh vực này trong năm 2010.

Cụ thể, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến liên tỉnh, liên huyện và đường đến trung tâm xã.

Huy động rộng rãi nguồn lực của doanh nghiệp và của cộng đồng dân cư, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu nước cho trồng trọt, chăn nuôi, nước sinh hoạt và cải thiện môi trường ở mỗi địa bàn.

Bên cạnh việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có tay nghề, có chuyên môn... cần thực hiện chích sách khuyến khích thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Đối với BCĐ Tây Bắc, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác mạnh hơn tiềm năng, lợi thế của vùng.

Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2010

Tại Hội nghị, các đại biểu phát biểu tham luận đều bày tỏ sự đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 BCĐ đã xác định như tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải, thủy lợi, trạm y tế, trường học.

Phối hợp tổ chức tốt Hội nghị xúc tiến đầu tư các tỉnh vùng Tây Bắc (dự kiến tổ chức tại Yên Bái). Tiếp tục triển khai tích cực, có hiệu quả Chương trình giảm nghèo tại 43 huyện nghèo trong vùng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung phát triển giáo dục, dạy nghề cho thanh niên dân tộc, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số.

BCĐ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách hợp tác liên kết phát triển kinh tế vùng và giữa các vùng trong cả nước; phân công các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển giúp đỡ các tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo sự phát triển nhanh và bền vững.

Tăng trưởng GDP gấp 1,8  mức tăng của cả nước 

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2009 tăng trưởng GDP toàn vùng đạt 9,38%, gấp 1,8 lần mức tăng GDP của cả nước. Nhiều tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá như Sơn La 14,37%, Hà Giang 13,46%, Yên Bái 12,89 % ...

Sản xuất công nghiệp được phục hồi sớm, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng toàn vùng tăng 11,3%.

Kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông được cải thiện đáng kể. Công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được tập trung cao độ và đạt nhiều kết quả. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm xuống còn 24% (giảm 5,24% so với năm 2008, là mức giảm cao nhất từ năm 2000 đến nay)

Dẫu vậy,  Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh còn thấp; tiến độ thi công một số tuyến giao thông còn chậm và chưa đồng bộ; hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng còn thấp…

TG- Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất