Thứ Bảy, 23/11/2024
Cuộc sống số
Chủ Nhật, 2/6/2013 9:13'(GMT+7)

Năm 2012, VNPT thiệt hại hơn 58 tỷ đồng do thiên tai

Thiệt hại mạng ngoại vi do thiên tai năm 2012 như anten, cáp quang... vẫn còn rất lớn, cao hơn nhiều so với năm 2011.

Thiệt hại mạng ngoại vi do thiên tai năm 2012 như anten, cáp quang... vẫn còn rất lớn, cao hơn nhiều so với năm 2011.

Thiệt hại chủ yếu là mạng ngoại vi như anten, cáp...

Đối với VNPT, bão lũ và gió lốc đã gây thiệt hại mạng lưới của 32 đơn vị, điển hình như VNPT các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, thiệt hại chủ yếu là mạng ngoại vi với trên 3.116 cột bê tông treo cáp bị gẫy và gần 9.479 cột bị đổ; 11 cột anten/BTS bị đổ (53 cột của VMS) và trên 140 km cáp quang các loại bị đứt, hỏng… Bên cạnh đó, sét cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới mạng lưới viễn thông của 34 đơn vị trong VNPT với thiệt hại khoảng 9,7 tỷ đồng (457 sự cố), tăng 2,5 lần so với năm 2011 và chiếm khoảng 16,7% so với tổng thiệt hại trực tiếp do thiên tai gây ra.

Còn với Tập đoàn Viettel, các cơn bão lũ trong năm 2012 đã làm gẫy, đổ 18 cột anten, đứt 92 tuyến cáp quang, mất điện trên diện rộng với 4.280 trạm. Tuy nhiên, các sự cố trên đã được khắc phục kịp thời đảm bảo vùng phủ sóng, không mất dịch vụ. Kinh phí sử dụng cho khắc phục hậu quả thiên tai ước tính khoảng 35 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 ngày 31/5, ông Nguyễn Xuân Trụ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, hệ thống hạ tầng mạng viễn thông công cộng đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng cùng với việc triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ kết hợp với hệ thống thông tin chuyên dùng đã đáp ứng tốt mọi yêu cầu về thông tin phục vụ sự chỉ đạo của các cấp. Mặc dù vậy, thiệt hại mạng ngoại vi trong năm 2012 vẫn còn rất lớn, cao hơn nhiều so với năm 2011, nhiều tuyến cột không chịu được các cơn bão cường độ mạnh. “Việc củng cố hạ tầng mạng viễn thông cần được tập trung triển khai đáp ứng đúng yêu cầu về kỹ thuật”, ông Trụ cho biết thêm.

Xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm giảm nhẹ thiên tai mạng lưới BCVT

Đối với công tác năm 2013, cũng theo ông Trụ, cơ quan quản lý phải đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp hạ tầng mạng nghiên cứu, xây dựng và ban hành kế hoạch dài hạn (5 - 10 năm) và có lộ trình thực hiện cho từng năm nhằm giảm nhẹ thiên tai đối với mạng lưới bưu chính viễn thông và đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của cơ quan Đảng, chính quyền địa phương các cấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện chủ trương kiên cố hóa nhà trạm, phòng máy; ngầm hóa và kiên cố mạng ngoại vi; đồng thời tổng kiểm tra mạng lưới, trang thiết bị… để sửa chữa kịp thời trước mùa mưa bão. “Trong năm 2013, cần củng cố, tăng cường và phát triển thông tin di động vùng ven biển thông qua việc xây lắp các trạm BTS công suất lớn vừa phục vụ sản xuất - kinh doanh, vừa đảm bảo công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn”, ông Trụ nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, vẫn còn một số tồn tại trong công tác phòng chống lụt bão, thiên tai của ngành như thông tin đến cấp xã, thôn, bản còn hạn chế. Hiện các doanh nghiệp viễn thông vẫn chủ yếu sử dụng mạng công cộng, hữu tuyến mà chưa triển khai mạng chuyên dùng tại những khu vực hẻo lánh này nên khi thiên tai xảy ra thì việc liên lạc gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản; nâng cao năng lực hệ thống thông tin, chỉ đạo các cấp; nâng cao nhận thức kỹ năng phòng chống thiên tai của người dân cũng như kiện toàn bộ máy chỉ huy các cấp để kịp thời xử lý khi có sự cố thiên tai.

Để chuẩn bị cho mùa mưa bão 2013, Bộ TT&TT đã chỉ đạo thành lập một Ban chỉ huy đặc biệt, với nhiệm vụ điều hành phòng, chống thiên tai tại các điểm nóng, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiệt hại. Ngoài ra, Bộ sẽ kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và bảo đảm an toàn thông tin liên lạc của 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng trong thời gian cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 8 - 9 và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 9 - 10. Đây là công tác thường xuyên trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bưu chính viễn thông. Sau mỗi đợt kiểm tra, Thường trực Ban chỉ huy sẽ tổng hợp và báo cáo cơ quan quản lý./.

Theo ICTnewws


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất