Trên
cơ sở đề xuất của các địa phương và doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền
thông quyết định cụ thể số lượng, quy mô phủ song, điều kiện lựa chọn
và hình thức tổ chức cấp phép cho các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng
truyền hình khu vực; quyết định phương án truyền dẫn, phát sóng kênh
chương trình địa phương tại các khu vực không có doanh nghiệp truyền
dẫn, phát sóng truyền hình khu vực.
Đề án số hóa truyền hình là đề án kinh tế, xã hội
quan trọng có liên quan tới hàng chục triệu người xem truyền hình trên
cả nước. Vì vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban Chỉ đạo Đề
án số hóa truyền hình Việt Nam, lãnh đạo các Bộ ngành có liên quan, lãnh
đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và tích
cực triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Đề án số hóa
truyền hình Việt Nam sớm định hướng về việc phủ sóng cho khu vực miền
núi theo hướng phủ sóng truyền hình mặt đất kết hợp với truyền hình số
qua vệ tinh cho khu vực này để đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt
Nam nghiên cứu, làm rõ các vấn đề liên quan đến giải pháp hỗ trợ tài
chính của Đề án, bao gồm: Hỗ trợ cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
truyền dẫn, phát sóng truyền hình số và các doanh nghiệp sản xuất thiết
bị thu truyền hình số; Hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho người dân từ
nguồn kinh phí Quỹ dịch vụ viễn thông công ích kết hợp với ngân sách địa
phương và các nguồn kinh phí khác.
Đài Truyền hình Việt Nam, các Đài Phát thanh Truyền
hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí và
truyền thông đại chúng tích cực tuyên truyền về Đề án số hóa truyền
hình, đặc biệt tuyên truyền về sự cần thiết, lợi ích và lộ trình thực
hiện để nhân dân được biết và hưởng ứng thực hiện.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng và phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất.
Kế hoạch số hóa truyền hình được thực hiện theo 4 giai đoạn với 4 nhóm tỉnh thành trên cả nước. Cụ
thể là, giai đoạn 1 ở các TP Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng,
Đà Nẵng và Cần Thơ sẽ phải kết thúc việc phát sóng truyền hình tín hiệu
Analog để phát trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất
trước 31/12/2015.
Giai đoạn 2 sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất ở 26 tỉnh, TP tiếp theo trước 31/12/2016. Giai
đoạn 3 sẽ thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 18 tỉnh tiếp theo,
với lộ trình chuyển đổi hoàn toàn trước ngày 31/12/2018. Giai đoạn 4 sẽ
cắt toàn bộ truyền hình tương tự tại Việt Nam.
Từ ngày 1/1/2021, các hệ thống truyền hình tại Việt Nam sẽ chuyển sang công nghệ truyền hình số.
|
Thanh Thanh/Chinhphu.vn