Thứ Bảy, 23/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 18/5/2013 23:4'(GMT+7)

Bưu chính áp dụng CNTT để làm thương mại điện tử

Hãng bưu chính Pháp La Poste đã phát triển giải pháp ứng dụng di động rất thành công trong chuyển phát hàng hoá thương mại điện tử

Hãng bưu chính Pháp La Poste đã phát triển giải pháp ứng dụng di động rất thành công trong chuyển phát hàng hoá thương mại điện tử

Doanh số bán hàng trực tuyến đang tăng trưởng mạnh ở mức hai con số tại nhiều thị trường trên thế giới. Trong thời đại những nguồn doanh thu đến từ các hoạt động như chuyển phát thư tín đang sa sút, các hãng bưu chính đều nhận định sự phát triển của thương mại điện tử là cơ hội “vàng” của họ. Nhiều hãng bưu chính đã áp dụng các giải pháp CNTT để phát triển cơ hội này.

Tại một Hội nghị Bưu chính Toàn cầu hồi năm ngoái, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Japan Post cho biết có 3/4 khách hàng chuyển phát nhanh lớn nhất của Japan Post thuộc khu vực bán lẻ trực tuyến. Japan Post đặc biệt nhấn mạnh bưu chính các nước sẽ thu được lợi thế kinh doanh quan trọng nếu họ có mạng lưới chuyển phát rộng khắp và thương hiệu đáng tin cậy.

Trong thực tế, hầu hết các công ty bưu chính trên thế giới đều nhận định thương mại điện tử là “cơ hội vàng” cho các hãng bưu chính. Tuy nhiên, không phải công ty bưu chính nào cũng tận dụng được “cơ hội vàng” này, và để biến “cơ hội vàng” này thành những đồng tiền lợi nhuận, các hãng bưu chính đã trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ nghiên cứu, xem xét và chuyển đổi, cải tiến. Theo đó, họ đã nhận định ra những khó khăn, trở ngại mà các hãng bưu chính gặp phải khi tận dụng cơ hội kinh doanh từ thương mại điện tử.

Theo kinh nghiệm của các nước, một trong những vấn đề mà các hãng bán lẻ rất quan tâm là sự minh bạch về việc tính chi phí chuyển phát cho khách hàng, cũng như khả năng theo dõi hàng chuyển phát.

Để đạt được yêu cầu trên của nhà bán lẻ, các chuyên gia nhận định các công ty bưu chính phải tìm cách áp dụng công nghệ để mở rộng giá trị cho những giao dịch thương mại điện tử mà họ cung cấp. Công nghệ chính là chìa khóa của toàn bộ ngành kinh doanh thương mại điện tử. Không ít các sáng kiến giúp cải thiện trải nghiệm người dùng đã được các chuyên gia công nghệ và bưu chính đưa ra. Trong thời đại “phổ cập smartphone”, các giải pháp ứng dụng công nghệ di động được các hãng bưu chính đưa ra, tận dụng các ứng dụng thông báo chuyển phát qua SMS và sử dụng ứng dụng di động để đáp ứng yêu cầu chuyển phát của khách hàng. Công ty Geo Post, một chi nhánh của hãng bưu chính Pháp La Poste, đã phát triển giải pháp này và áp dụng rất thành công, không chỉ ở trong nước Pháp mà cả trên toàn cầu. Trong năm 2012, GeoPost đã xử lý 720 triệu bưu kiện, tăng 7,1% so với năm 2011 phần lớn nhờ sự phát triển của thương mại điện tử. Hoạt động kinh doanh của GeoPost có đến 74% là ở trên thị trường toàn cầu và 26% là ở trong nước Pháp. Trên thị trường toàn cầu, GeoPost đang có mặt tại các nước Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Kazakhstan và Russia. Công ty đang mở rộng sự có mặt của họ tại các nước ngoài châu Âu thông qua các mối hợp tác với các hãng bưu chính ở châu Á, châu Phi và Mỹ.

Trong khi đó, InPost, công ty chuyển phát bưu kiện của Ba Lan, đã liên minh với công ty công nghệ thư tín Pháp Neopost để mở rộng mạng lưới các thiết bị chuyển phát bưu kiện tự động “easyPack” ra toàn cầu. Những thiết bị này được thiết kế đặc biệt dành cho người dùng cuối, cho phép họ gửi và nhận bưu kiện theo cách thân thiện nhất, đồng thời theo dõi được “chặng đường đi” của bưu kiện.

Các nhà khai thác cũng ngày càng tinh vi trong việc sử dụng các phần mềm bán lẻ trực tuyến. Các công cụ như XML Services của DHL giúp mạng lưới giao thông toàn cầu và các hệ thống theo dõi phức tạp có thể được tích hợp vào một hệ thống giao dịch trực tuyến mà không cần thực hiện bất kỳ kỹ thuật công nghệ thông tin phức tạp.

Một chiến lược quan trọng của các hãng chuyển phát là hợp tác với các hãng kinh doanh trực tuyến để cung cấp các dịch vụ khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là thiết lập và củng cố mối quan hệ với các nhà bán lẻ. Ví dụ, DHL thiết lập quan hệ với eBay; USP liên minh với thị trường bán buôn AliExpress của Alibaba. Bưu chính một số nước còn mở dịch vụ hỗ trợ chuyên dụng cho các nhà bán lẻ trực tuyến. Chẳng hạn, Japan Post có bộ phận vận chuyển riêng phục vụ thương mại điện tử; HongKong Post phát hành dịch vụ “eClub” cho các nhà bán lẻ trực tuyến. Việc thiết lập ra những bộ phận riêng biệt phục vụ cho thương mại điện tử rất quan trọng và giúp các hãng chuyển phát có chiến lược tập trung hơn dành cho các cơ hội đến từ thương mại điện tử, bởi trước đây, không ít công ty đã nhận định rằng một trong những nguyên nhân chính khiến các công ty bưu chính tụt hậu trong ngành kinh doanh thương mại điện tử là họ không biết mảng kinh doanh này thuộc bộ phận nào trong công ty. Liệu thương mại điện tử nên thuộc vào bộ phận bưu kiện, thư tín, bộ phận kỹ thuật hay bộ phận chuyển phát nhanh? Nếu một công ty bưu chính không có một phòng ban trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực này, rất khó để xuất hiện những cải tiến đáng kể về thương mại điện tử./.

Theo ICTnews


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất