Thứ Sáu, 4/1/2013 23:15'(GMT+7)
Năm 2013, sẽ thí điểm thực hiện tự chủ học phí
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Tài chính gấp rút thực hiện đề án thí điểm thực hiện tự chủ học phí để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2013, dự kiến áp dụng ngay trong năm học 2013-2014.
Vượt trần Nghị định 43
Theo dự kiến của Bộ Tài chính, học phí đại học sẽ được phân ra theo từng nhóm ngành, từng loại hình, có nhóm ngành sẽ được Nhà nước hỗ trợ học phí nhiều, ngành được hỗ trợ ít và có ngành sẽ xã hội hóa hoàn toàn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, cho hay trong bối cảnh ngân sách không tăng nhưng đòi hỏi chất lượng đào tạo tăng là một bài toán khó và thay đổi cơ chế thu học phí là một cách giải.
Cũng theo ông Giang, tốc độ tăng của số lượng sinh viên cao hơn tốc độ tăng của ngân sách nên chi phí bình quân trên đầu sinh viên đã bị giảm xuống.
Nghị định 43 của Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng học phí theo lộ trình đến năm 2015, nhưng tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu đúng lộ trình, đến năm 2015, mức trần học phí cũng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Vì thế, phải đề xuất vượt trần, xây dựng quyền tự chủ cho các trường.
“Những vấn đề trong nghị định 43 cần phải sửa đổi theo hướng gắn với giá dịch vụ và đào tạo theo đơn đặt hàng,” ông Giang nói.
Cụ thế, sự hỗ trợ tài chính thay vì dựa trên số lượng đầu vào như truyền thống cần chuyển dựa trên sang chất lượng đầu ra, từ dự toán bình quân sang theo từng lĩnh vực: Ngành nào xã hội cần, ngành nào nhu cầu đào tạo tăng, loại cần hỗ trợ, loại cần hỗ trợ ít và loại không cần hỗ trợ.
“Ví dụ, nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, số lượng đào tạo đã đến ngưỡng. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không mở thêm ngành này nhưng với các trường cũ vẫn tuyển. Vậy, bên cạnh giải pháp quản lý số lượng, cần có giải pháp kinh tế, cụ thể là học phí không được trợ cấp. Chẳng hạn học phí trước đây trợ cấp 10 triệu, giờ chỉ 4 triệu, rút được 6 triệu ra hỗ trợ ngành cần đào tạo như nông lâm, y dược…,” ông Giang phân tích.
Thực hiện ngay trong năm 2013
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Bộ sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài chính sớm triển khai xây dựng đề án này.
Trong các trường thường đa ngành, có ngành nhu cầu người học cao, ngành lại khó tuyển. Vì thế, trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị các trường đại học, học viện nghiên cứu từng ngành học trong trường mình: ngành nào, cơ chế ra sao, ngành nào thu học phí cao, ngành nào cần hỗ trợ… và báo cáo về Bộ tổng hợp.
Các trường cũng cần tính toán mức thực chi cần thiết cho việc đảm bảo đào tạo chất lượng của từng ngành. Đây sẽ là cơ sở để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về mức học phí.
“Những vấn đề này sẽ được bàn bạc kỹ trong Hội nghị Tuyển sinh đại học, cao đẳng dự kiến tổ chức vào ngày 19/1/2013. Ngay trong quý 1/2013 sẽ có đề án cụ thể và năm 2013 phải thực hiện,” ông Ga nói.
Để có thể sớm đưa đề án này vào thực tế một cách thuận lợi, ông Nguyễn Trường Giang cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa thông tin đến người học để thí sinh có thể nghiên cứu lựa chọn ngành nghề./.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết đề án thí điểm tự chủ học phí đã được Bộ Tài chính đề xuất trong buổi họp Chính phủ ngày 6/11/2012, đồng chủ trì là Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Ngày 4/12/2012, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Tài chính và giao Bộ này kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng để trình Thủ tướng phê duyệt, ban hành ngay trong đầu năm 2013.
(Vietnam+)