Thời gian qua, nền khoa học và công nghệ Việt
Nam nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và cộng
đồng người làm khoa học nhưng ngành khoa học công nghệ vẫn tồn tại nhiều
bất cập làm cản trở sự phát triển triển kinh tế - xã hội nói chung. Vì
vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi động việc soạn thảo đề án tái cơ
cấu ngành khoa học và công nghệ Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ Việt Nam là một nhiệm vụ khó khăn nhưng rất quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong năm 2015.
Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ Việt Nam dự kiến tập trung vào các nội dung: Tái cơ cấu hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập và toàn bộ hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ nói chung; Tái cơ cấu nguồn nhân lực ở các trình độ khác nhau và các lĩnh vực khác nhau; Tái cơ cấu đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ để không còn tình trạng chỉ có một nguồn kinh phí duy nhất từ ngân sách nhà nước; Tái cơ cấu nền tài chính dành cho khoa học và công nghệ, chuyển mạnh sang cấp phát theo cơ chế quỹ, giao cho các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Toàn ngành phải thực hiện cơ chế đặt hàng để xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở; Tái cơ cấu hệ thống luật pháp về khoa học và công nghệ...
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ là việc cần thiết và việc chuyển đổi “tư duy của những người lãnh đạo, quản lý cũng như những người trực tiếp làm nghiên cứu, ứng dụng có ý nghĩa quyết định thành công đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ Việt Nam”.
Giới khoa học cũng kỳ vọng cuộc tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ Việt Nam sắp tới sẽ đem lại thay đổi, khẳng định vai trò cũng như tầm quan trọng của ngành khoa học công nghệ đối với sự phát triển của đất nước chứ không phải tái cơ cấu chỉ mang tính chất “đổi” mà không “mới” như đã diễn ra thời gian qua ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực./.
Theo TTXVN