(TG) - Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh Trà Vinh đã đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lồng ghép vào trong nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Nhờ đó, chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được nâng cao, nhất là đã giải quyết kịp thời, đủ, đúng chế độ cho người lao động.
Chiều ngày 26/10/2017, Thường trực Tỉnh uỷ Trà Vinh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020” trên địa bàn tỉnh. Dự Hội nghị có Thường trực Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; thường trực các huyện - thị - thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ; đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các năm qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh đã đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lồng ghép vào trong nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm; tăng cường phối hợp liên ngành để triển khai các mặt công tác liên quan. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các sở, ngành chức năng liên quan ký kết liên tịch và thực hiện tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách bảo hiểm cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh. Tính đến tháng 9 năm 2017, toàn tỉnh có 976.591 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được nâng cao, nhất là đã giải quyết kịp thời, đủ, đúng chế độ cho người lao động. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh để thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, số chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên 1.030 tỷ đồng. Việc thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về bảo hiểm được thực hiện nghiêm, giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử được đẩy mạnh. Đến nay, có 1.562/1604 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch qua mạng Internet, đạt 73,38%.
Tuy nhiên, so với chỉ tiêu theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 21 của Tỉnh uỷ, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội mới đạt 11,59%/30%, bảo hiểm thất nghiệp đạt 10,17%/51%; do xuất phát điểm, quy mô kinh tế còn thấp, số doanh nghiệp còn ít. Bảo hiểm y tế đạt 94,40%, vượt 14,4% so với Nghị quyết số 21, vượt 4,4% so Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, do khoảng 32% người dân tộc Khmer đời sống khó khăn được Nhà nước mua cho bảo hiểm y tế, nhưng về lâu dài thì tính bền vững chưa đảm bảo.
Theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh tăng cường trách nhiệm trong lãnh, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện chính sách báo hiểm vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị. Ban Cán sự Đảng uỷ ban nhân dân tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về các loại bảo hiểm; đẩy mạnh đổi mới công tác cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết chế độ bảo hiểm nhất là bảo hiểm y tế; đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết tốt chế độ đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm. Sở y tế tập trung tổ chức nguồn lực, củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh, xem đây là giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân mang tính bềnh vững v.v…
Tại Hội nghị, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã khen thưởng cho 12 tập thể, 8 cá nhân thực hiện tốt chính sách bảo hiểm trong thời gian qua.
Nguyễn Dũ