Nam Định là tỉnh duyên hải phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, có 72 km bờ biển (diện tích vùng biển khoảng 7000 km2 tính từ mép nước ra đến đường phân định Vịnh Bắc Bộ). Vùng ven biển của tỉnh có 18 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng (dân số khoảng 150.000 người, chủ yếu theo 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Thiên Chúa giáo, trong đó giáo dân theo đạo Thiên Chúa chiếm 43,6%). Vùng biển Nam Định có rất nhiều hải sản và rừng ngập mặn thu hút nhiều loài chim trên thế giới đến trú đông; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) của Đảng về “Chiến lược Biển Việt Nam đến 2020”, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII đã xác định mục tiêu hàng đầu để phát triển bền vững kinh tế vùng biển là làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng an ninh nông thôn vùng ven biển vững mạnh. Từ đó, Đảng bộ tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền về biển, đảo.
Với chức năng tham mưu cho cấp uỷ đảng chỉ đạo công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn công tác tuyên truyền biển, đảo tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, chú trọng những kiến thức cơ bản về Luật biển Quốc tế và hệ thống pháp luật về biển đảo nước ta; những diễn biến phức tạp về tình hình biển Đông và những cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên Biển Đông, nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Luật Biên giới Quốc gia, Hiệp định phân Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc… nhằm tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và nhận thức trong toàn Đảng bộ tỉnh các vấn đề về vấn đề biển Đông, góp phần giữ vững an ninh chính trị, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã chủ động phối kết hợp, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng như: Bộ đội Biên phòng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các ngành liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng, triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo chức năng nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng đã triển khai công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thiết thực như: lồng ghép nội dung tuyên truyền biển, đảo với các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể, thông qua đó có nhiều hoạt động hướng về Trường Sa thân yêu; tích cực tham gia xây dựng quỹ “Vì Trường Sa”, “Góp đá xây dựng Trường Sa”... Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật nội dung về biển, đảo phục vụ nhân dân vùng biển. Sở Thông tin - Truyền thông đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh xuất bản đề cương tài liệu “Một số văn bản chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước về thông tin đối ngoại, biên giới biển đảo Việt Nam”, làm tài liệu tuyên truyền cho cơ sở; tặng 150 cuốn sách cho các đồn biên phòng; phát hành 6000 tài liệu, tờ gấp “Những điều cần biết đối với người, tàu thuyền hoạt động trong khu vực biên giới biển” cho nhân dân các xã vùng ven biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã gắn kết công tác tuyên truyền biển, đảo với phát triển kinh tế-xã hội vùng biển theo phương châm “gần dân, sát dân, hiểu dân, giúp đỡ dân”; chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp quản lý kiểm tra, kiểm soát các loại phương tiện trên biển; vận động ngư dân tham gia mô hình các tổ “Tàu thuyền an toàn”, “An ninh tự quản đầm bãi”, câu lạc bộ “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”...
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng 35 bảng ảnh mô tả bản đồ, hình ảnh, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng như những hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử để phục vụ tuyên truyền trực quan tại các xã, thị trấn ven biển; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai các hoạt động tình nghĩa cho cho đối tượng nghèo vùng ven biển. Chỉ đạo các đồn, hải đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền trực tiếp tới các hộ ngư dân, trên bến tàu, thuyền bằng hệ thống loa truyền thanh di động về nhiệm vụ đánh bắt hải sản, kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển, công tác phòng chống bão; chủ động thông báo, kêu gọi, ngăn cản, sắp xếp hàng nghìn lượt tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; tổ chức vận động di dời dân, kiên quyết không cho ra khơi mỗi khi có bão và bảo vệ bến đậu, địa bàn an toàn.
Các ngành trong khối Tư tưởng - Văn hóa tích cực phối hợp tuyên truyền về biển đảo; viết tin, bài, phóng sự; sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và hệ thống truyền thanh ở cơ sở. Báo Nam Định, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh mở trang chuyên, chuyên mục tuyên truyền về biển, đảo như: Chuyên mục “Quốc phòng toàn dân”, “An ninh nhân dân”, “Toàn dân tham gia phong trào xây dựng và bảo vệ biên giới biển”, “Phụ nữ vì sự phát triển và sự bình yên tuyến biển”...
Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình biển Đông, để thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ở các địa phương có biển, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định đã biên soạn đề cương, hướng dẫn công tác tuyên truyền về tình hình biển Đông. Nội dung đề cương phản ánh đầy đủ tình hình an ninh trên các vùng biển, đảo nước ta và "những toan tính" của một số quốc gia đối với biển Đông, các vùng biển Việt Nam và quan điểm giải quyết "vấn đè biển Đông" của Đảng, Nhà nước ta, để kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề biển Đông.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã phối hợp Lữ đoàn 147- Quân chủng Hải quân tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm về biển, đảo cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền cho hơn 1.300 học sinh khối 12 của các trường THPT, các chức sắc tôn giáo và ngư dân là giáo dân ở 3 huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng.
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền về biển, đảo ở tỉnh Nam Định thời gian qua đã được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền về biển, đảo, thời gian tới cần làm tốt những nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương để chủ động, tích cực và thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo nước ta; cùng cả nước, phấn đấu thực hiện đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia biển, đảo của Tổ quốc.
Hai là, thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Lữ đoàn 147- Bộ Tư lệnh Hải quân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, nhất là các chức sắc tôn giáo và ngư dân tích cực hưởng ứng và thực hiện các phong trào giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng và bảo vệ biên giới tuyến biển; đấu tranh chống các hiện tượng sai trái, tiêu cực trên biển như: buôn lậu, đánh bắt có tính huỷ diệt thuỷ, hải sản, phá hoại môi trường biển, tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền về biển, đảo.
Ba là, tăng cường tuyên truyền cổ vũ và nhân rộng điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân trong phát triển kinh tế, xây dựng Đảng và tổ chức đời sống văn hoá vùng ven biển; nâng cao tinh thần trách nhiệm và tình cảm, sự sẻ chia và kịp thời động viên của mọi tầng lớp nhân dân đối với các chiến sĩ, các lực lượng vũ trang đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Phạm Văn Trường
Tỉnh uỷ Nam Định