Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 16/8/2015 10:11'(GMT+7)

Năm học 2015-2016: Nghệ An triển khai mô hình trường học mới cấp trung học cơ sở

Trường THCS Môn Sơn là một trong ba trường trung học cơ sở của huyện Con Cuông đi đầu thực hiện mô hình trường học mới từ năm học 2015-2016. Trước một mô hình giáo dục mới lại được thực hiện ở một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Nghệ An, tâm lý của học sinh, giáo viên lẫn cán bộ quản lý nhà trường không khỏi bỡ ngỡ. Nhà trường cũng đã lựa chọn những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm cử đi tập huấn tiếp cận mô hình trường học mới. Tại Môn Sơn có 3 trường tiểu học, trong đó trường Tiểu học 1 và Tiểu học 3 vẫn dạy học theo mô hình hiện hành, còn trường Tiểu học 2 lại dạy học theo mô hình trường học mới. Trong tổng số 51 em đã được học mô hình trường học mới từ tiểu học chuyển lên, nhà trường lựa chọn được 35 em có học lực khá, giỏi để tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới, còn 16 em phải chuyển sang các lớp học hiện hành. 

“Học sinh có cùng độ tuổi, thậm chí có 16 em đã được học mô hình trường học mới nay lại phải chuyển sang học chương trình hiện hành, điều này hết sức thiệt thòi cho các em. Giữa học sinh sẽ có sự tiếp cận chương trình khá chênh vênh. Về phía giáo viên cũng khá vất vả vì đồng thời một lúc dạy hai chương trình mới và cũ, soạn hai giáo án cho hai mô hình học khác nhau. Bên cạnh đó, nhà trường chưa có giáo viên phụ trách phần thiết bị nên giáo viên vừa giảng dạy vừa chuẩn bị thiết bị khá vất vả”, thầy Nguyễn Văn Hào – Hiệu trưởng trường THCS Môn Sơn bày tỏ. 

Cùng chung thực trạng trên, trường THCS Quang Tiến, thị xã Thái Hòa thực hiện mô hình trường học mới một lớp học với 30 em học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện theo mô hình này, bàn ghế, diện tích phòng học chưa đúng quy cách để phục vụ cho việc học nhóm. Tài liệu phục vụ giảng dạy, phân phối chương trình lại chưa có trong khi đó chỉ còn 10 ngày nữa là bắt đầu năm học mới. Bên cạnh đó, khi triển khai mô hình trường học mới phải dạy theo chủ đề, có những chủ đề lại học 3 tiết liền khiến cho việc sắp xếp thời khóa biểu học khá vất vả. 

Thầy giáo Lê Văn Minh - Phó Hiệu trưởng trường THCS Quang Tiến bày tỏ: “Việc duy trì dạy song song giữa mô hình mới và chương trình cũ khiến cho việc sắp xếp thời khóa biểu khá vất vả. Có khi mỗi tuần nhà trường phải sắp xếp một thời khóa biểu cho phù hợp với chủ đề giảng dạy và học tập. Năm học mới đã cận kề, đề nghị Bộ Giáo dục nhanh có tài liệu, sách giáo khoa phục vụ giảng dạy; Sở Giáo dục đào tạo sớm có phân phối chương trình, hướng dẫn cách thức thực hiện đề các nhà trường kịp thời ổn định trước năm học, chủ động sắp xếp lịch học cụ thể”. 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo, năm học 2015 – 2016, Nghệ An có 26/408 trường trung học cơ sở với 64 lớp, 1.868 học sinh tham gia chương trình mô hình trường học mới tại 15 huyện. Xác định đây là chương trình giáo dục mới nên ngành giáo dục và đào tạo tập trung chỉ đạo, phân công nhiệm vụ bám sát cơ sở theo dõi, hỗ trợ để thực hiện triển khai có hiệu quả. Sở cũng đã triển khai tập huấn về mô hình t rường học mới cho cán bộ quản lý ở phòng giáo dục, giáo viên tất cả các môn bố trí dạy ở lớp 6, nhất là hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ cho các trường học. Trên thực tế, những những hoạt động lâu nay giáo viên đã được tiếp cận góp phần bỗ trợ cho chương trình trường học mới như dạy học theo chủ đề, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học và đổi mới phương pháp dạy học. Giờ đây, hoạt động thăm lớp, dự giờ không chỉ đánh giá giáo viên mà còn quan sát học sinh xem học sinh tiếp cận với bài học như thế nào, xử lý tình huống và giải quyết vấn đề giáo viên đưa ra ra sao. 

Để tiếp cận với mô hình trường học mới, ngành giáo dục Nghệ An đã đề ra mục tiêu: Dạy học là quá trình giáo viên tổ chức liên tiếp các hoạt động, học sinh là người thực hiện; quá trình dạy học đi theo hướng chuyển học sinh là trung tâm, học sinh là người thực hiện còn giáo viên là người tổ chức hướng dẫn. Với mục tiêu trên, Nghệ An triển khai mô hình trường học mới ở tất cả các môn học (gồm 14 môn). 

C ác nhà trường đã tiến hành tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về chủ trương mới này. Đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí phòng học rộng hơn, mua sắm thêm các học liệu, dụng cụ học tập. Lựa chọn đội ngũ giáo viên đi tập huấn và giao nhiệm vụ cho họ, đồng thời mua tài liệu phục vụ công tác dạy học. 

“Thực hiện theo mô hình này sẽ phát triển năng lực của học sinh như năng lực nhìn nhận, giải quyết vấn đề, kỹ năng sống của học sinh được nâng lên. Đây là bước chuẩn bị để ngành Giáo dục triển khai thực hiện sách giáo khoa mới sau năm 2018”, thầy Võ Văn Mai – Trưởng phòng THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đánh giá./. 

Theo TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất