Theo Phó Thủ tướng, cả hệ thống giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, các bộ, ngành và định hình được sơ đồ hệ thống giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới. Việc này vẫn đang được góp ý, sao cho đảm bảo một nền giáo dục hội nhập, tiến tiến.
Ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Hội nghị diễn ra tại 6 điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
* Ngành giáo dục phải chủ động hơn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà ngành giáo dục đã thực hiện được thời gian qua.
Theo Phó Thủ tướng, cả hệ thống giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, các bộ, ngành và định hình được sơ đồ hệ thống giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới. Việc này vẫn đang được góp ý, sao cho đảm bảo một nền giáo dục hội nhập, tiến tiến. Chương trình và sách giáo khoa mới cũng đã được tiến hành rất công phu. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tách bạch ra trước, theo hướng chuẩn mực quốc tế...
Về những khó khăn, hạn chế của ngành, Phó Thủ tướng cho rằng: Vấn đề khó khắc phục ngay là về cơ sở vật chất. Hiện nay, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học bằng vốn trái phiếu Chính phủ đang được thực hiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu vốn của xã hội còn nhiều. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc sát hơn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư để tìm phương án khả thi với tinh thần ưu tiên cho những vùng khó khăn nhất.
Những khó khăn như nhận thức và cách làm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cũng như học sinh, phụ huynh và xã hội khi triển khai đổi mới giáo dục; dạy thêm học thêm; tự quản, vệ sinh ở một số trường còn chưa tốt… đều đòi hỏi ngành cần chủ động nhìn thẳng vào bất cập để có giải pháp thích hợp. Bên cạnh đó, những đổi mới liên quan đến thi cử, đánh giá học sinh dù còn có hạn chế, song đó là vấn đề phát sinh trong quá trình đổi mới liên quan đến cả hệ thống giáo dục và đời sống xã hội.
Liên quan đến vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, Phó Thủ tướng cho rằng nên bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như tập thể dục giữa giờ, đầu giờ..., văn hóa xếp hàng, tôn trọng luật lệ giao thông… chứ không cần đến thứ kiến thức quá cao siêu... Phó Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã cùng phối hợp đưa vào trường học phần hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh...
*Tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục
Tiếp tục đổi mới và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là những nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu mà ngành giáo dục sẽ thực hiện trong năm học mới 2015-2016.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Năm học 2014-2015, ngành giáo dục đã có nhiều kết quả tích cực như cả nước có 32 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đặc biệt là công tác phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đạt tỷ lệ hơn 50% đơn vị cấp tỉnh được công nhận đạt chuẩn.
Ngành cũng triển khai đánh giá học sinh tiểu học, bước đầu tạo chuyển biến nhận thức về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực học sinh. Cùng với đó, ngành triển khai thành công bước đầu công việc thực nghiệm tốt cho quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới... Với việc triển khai đề án ngoại ngữ, công tác dạy và học ngoại ngữ đã bước đầu chuyển từ dạy và học ngôn ngữ sang dạy và học toàn diện kỹ năng giao tiếp.
Đặc biệt, năm học 2014-2015 là lần đầu tiên tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân, tạo ra những tiền đề cơ bản cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo. Để tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung, đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân; chú ý khai thác các tình huống trong đời sống để tổ chức dạy học, rèn luyện và đánh giá học sinh. Giờ học tổ chức theo hướng "mở" gắn với thực tế, với những tấm gương sáng về đạo đức nhằm bồi dưỡng hình thành nhân cách, nhận thức cho học sinh...
Nhiệm vụ trong năm học mới cũng tập trung vào công tác xã hội hóa và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; tiếp tục triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 và công tác phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Riêng với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ Bộ đến các địa phương, các trường đại học về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi... để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi; đồng thời xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức thi phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.
Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nhắc nhở cán bộ quản lý, giáo viên cần tiếp tục tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm để phát huy thành tích, hạn chế thiếu sót. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần đổi mới tư duy trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học để phù hợp với thay đổi của xã hội.
Tại hội nghị, 25 Sở Giáo dục và Đào tạo đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 đã được trao tặng Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội nghị cũng tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 38 Sở đã có thành tích xuất sắc, thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 – 2015./.
Theo TTXVN