Sáng nay(12/8), Bộ GD&ĐT tiến hành Hội nghị trực tuyến tại 6 điểm cầu về công tác tổng kết kế hoạch năm học 2014.
Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 đối với giáo dục mầm non, giáo
dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được tổ chức qua mạng trực tuyến
truyền hình, tại 6 điểm cầu: Hà Nội - Thái Nguyên - Nghệ An - Đà Nẵng -
TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Theo Bộ GD&ĐT, trong năm qua khâu đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá Bộ
đã chỉ đạo thực hiện đổi mới mạnh mẽ hình thức đánh giá đối với học
sinh tiểu học; tiếp tục đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học
tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực; chú trọng kết hợp đánh
giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm
học; từng bước nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực
tiễn, hướng dẫn học sinh biết nhận xét góp ý lẫn nhau và biết tự đánh
giá.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng đề thi, đề kiểm tra theo
ma trận, soạn các câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn đúng
thay vì chỉ có các câu hỏi 1 lựa chọn đúng như trước đây; triển khai
phần kiểm tra tự luận trong các bài kiểm tra viết môn ngoại ngữ.
Tiếp tục nâng cao chất lượng việc thi theo bốn kỹ năng nghe, nói,
đọc, viết đối với các môn Ngoại ngữ và thi thực hành đối với các môn Vật
lí, Hóa học, Sinh học trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Tiếp tục triển khai đánh giá các chỉ số trí tuệ (IQ, AQ, EQ…) trong
tuyển sinh trường THPT chuyên, trường chất lượng cao ở những nơi có đủ
điều kiện. Tăng cường xây dựng "Nguồn học liệu mở", đổi mới nội dung,
phương pháp đánh giá chất lượng trong quá trình giáo dục.
Tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2012 và
đang tiếp tục triển khai chu kỳ 2015 để tách bạch việc đánh giá chất
lượng của cơ sở giáo dục, địa phương và của quốc gia .
Tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tự đánh giá
chất lượng trong nhà trường. Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục từ mầm
non đến Trung cấp chuyên nghiệp đã hoàn thành việc tự đánh giá . Nhiều
chương trình đào tạo đã được đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn của khu vực
và quốc tế.
Công tác tuyển chọn, tập huấn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu
vực và quốc tế tiếp tục được đổi mới có hiệu quả. Các đội tuyển học sinh
Việt Nam tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích
xuất sắc , tất cả các học sinh tham gia dự thi đều đạt giải.
Được sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ
chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015, lấy kết quả để vừa xét công nhận
tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở
giáo dục đại học, nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Theo đánh giá ban đầu, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được chuẩn bị
chu đáo từ Trung ương đến các địa phương và được tổ chức theo đúng tinh
thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân; kết quả
thi phản ánh đúng trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT
đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục
nghề nghiệp xét tuyển sinh.
Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đúng quy chế,
nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội,
tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục
triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Toàn quốc có 38 cụm thi do trường đại học chủ trì và 63 cụm thi do sở GDĐT chủ trì, với 752.367 thí sinh dự thi.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia của giáo dục THPT là 93,42%, của giáo dục thường xuyên là 70,08%; tỷ lệ chung là 91,58%.
Về việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học.
Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai tích cực Nghị quyết số
88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách
giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo
khoa giáo dục phổ thông,.
Tổ chức nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm xây dựng, phát triển
chương trình giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa theo định
hướng phát triển năng lực tập trung vào 13 nước có nền giáo dục phát
triển hoặc có điều kiện tương đồng với Việt Nam; mời các đoàn chuyên gia
nước ngoài đến Việt Nam để tập huấn về thiết kế chương trình và biên
soạn sách giáo khoa phổ thông.
Chỉ đạo 7 trường đại học sư phạm lớn nhất của cả nước hợp tác nghiên
cứu, rà soát chuẩn đầu ra, điều chỉnh chương trình đào tạo, đổi mới
công tác đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên (đào tạo lại, bồi dưỡng
giáo viên, xây dựng nguồn học liệu dùng chung) nhằm đáp ứng yêu cầu của
việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa; giao trách nhiệm cho các
trường này tích cực tham gia vào việc nghiên cứu xây dựng chương trình
và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Tổ chức nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở
pháp lý để tổ chức xây dựng, thẩm định, triển khai chương trình, sách
giáo khoa mới; kiện toàn Ban Chỉ đạo, bộ phận thường trực và các ban/hội
đồng soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới; tổ chức đánh giá
chương trình đào tạo hiện hành; tổ chức nhiều hội thảo về đổi mới chương
trình đào tạo cho các cơ sở đào tạo giáo viên.
Tập huấn toàn bộ trưởng phòng giáo dục và đào tạo các quận/huyện,
hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và giám đốc trung tâm giáo
dục thường xuyên về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa; tổ
chức nhiều hội thảo trao đổi, bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện chương trình
giáo dục phổ thông tổng thể; chuẩn bị nhân sự làm chương trình các môn
học.
Năm học vừa qua, các địa phương, cơ sở giáo dục tích cực áp dụng mô
hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất
người học theo tinh thần Nghị quyết 29 như: Phương pháp “Bàn tay nặn
bột”; mô hình trường học mới Việt Nam, chương trình tiếng Việt lớp 1
Công nghệ giáo dục; các hình thức dạy học mới: giáo dục thông qua di
sản, thí điểm mô hình dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi
trường.
Kết quả thu được của những thử nghiệm này là tiền đề để triển khai Đề
án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong năm 2015, Bộ GD&ĐT trong kế hoạch của mình tiếp tục bổ sung, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp sau trung học cơ sở, trung
học phổ thông và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và
trình độ đào tạo./.
Theo GDVN