Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 10/7/2013 17:54'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành

Ngày 10/7, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổ chức hội nghị "Nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành - các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên". Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Ban Tuyên giáo, phòng Lịch sử Đảng 19 tỉnh, thành phố trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, trong 10 năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được nâng cao. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng được củng cố, kiện toàn, có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, đầu tư kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng ngày càng được quan tâm. Các công trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng ngày càng nhiều với chất lượng ngày càng cao, góp phần tích cực vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng...Số lượng các ấn phẩm xuất bản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng được nâng cao, đảm bảo tính đảng, tính khoa học, tính thống nhất với lịch sử toàn Đảng, song cũng thể hiện được những nét đặc thù riêng của từng địa phương. Các ấn phẩm đã tái hiện một cách đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử chung toàn Đảng và lịch sử dân tộc, góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của từng đảng bộ nói riêng và của toàn Đảng nói chung trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cũng lưu ý, hội nghị cần tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề: Đánh giá đúng thực trạng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành trong thời gian qua, đặc biệt từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 15-CT/TW năm 2002 đến nay. Qua việc phân tích, đánh giá những thành tựu, ưu điểm và nhược điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành trong thời gian tới. Đánh giá công tác phối hợp giữa các đảng bộ địa phương, ngành với cơ quan nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương. Đề xuất, kiến nghị với các cơ quan hữu quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tổ chức nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930- 1975; 29 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975- 2000; 28 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975- 2005; đặc biệt có 10 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975- 2010. Nhiều tỉnh, thành phố biên soạn, xuất bản được Lịch sử đảng bộ ở hầu hết các quận, huyện, thị xã. Nhiều cơ sở xã, phường, thị trấn cũng tích cực nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng. Từ năm 2002 đến năm 2011, cả nước đã xuất bản được hơn 730 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các ban, ngành ở cấp tỉnh, thành phố; 780 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các đảng bộ, các ban, ngành, quận, huyện, thị xã và hơn 2.300 cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của xã, phường, thị trấn. Các công trình lịch sử đảng bộ tỉnh, thành phố được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản đã tập trung vào tổng kết những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo của Đảng ở địa phương

Hội nghị đã nghe Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật giới thiệu những kết quả trong công tác biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương của đơn vị; Viện Lịch sử Đảng giới thiệu kinh nghiệm nghiên cứu, thẩm định công trình lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể; Quy trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, ban ngành, đoàn thể...Qua đó khẳng định nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương là một trong những nhiệm vụ công tác của cấp ủy đảng. Vì vậy, các cấp lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể phải thống nhất nhận thức về vị trí, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của công tác nghiên cứu lịch sử đảng, sự cần thiết không chỉ đối với trước mắt mà còn đối với sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng, của dân tộc. Đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong quá trình tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ. Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận và trao đổi kinh nghiệm qua thực tiễn tại các địa phương./.

Văn Sơn (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất