Để công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện thường xuyên và đạt kết quả tốt, một vấn đề có tính quyết định là phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp, các ngành. Nói cách khác là muốn nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng thì phải bắt đầu từ công tác cán bộ.
Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng là tổng hợp những phẩm chất, yếu tố quy định năng lực của họ. Đó là phẩm chất đạo đức, lối sống, sự hiểu biết về công tác thi đua, khen thưởng, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Đó còn là năng lực phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh của từng cá nhân, tập thể thực hiện có hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu thi đua ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Năng lực đó, không phải tự nhiên mà có, mà trải qua quá trình lâu dài, liên tục, bền bỉ gắn liền với các hoạt động thực hiện lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương mình; là sự phối kết hợp giữa các tổ chức, lực lượng có liên quan với đội ngũ cán bộ, công chức trong suốt thời gian diễn ra các phong trào thi đua yêu nước.
Do đó, có thể hiểu nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng ở nước ta hiện nay là quá trình tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi của bản thân cán bộ, công chức và các tổ chức, lực lượng có liên quan nhằm không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực lãnh đạo các phong trào thi đua yêu nước, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công tác thi đua, khen thưởng ở nước ta hiện nay.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đầy nhiệt huyết, có năng lực lãnh đạo, tổ chức tốt đáp ứng được với yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng.
Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang có những diễn biến phức tạp khó lường, bên cạnh những thời cơ, vận hội là những nhân tố gây mất ổn định. Vì vậy, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở nước ta cần phải được đặc biệt quan tâm, chú trọng để không ngừng nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp, các ngành, thực hiện có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trong thời gian qua việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức này đã được các cơ quan, ban ngành quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, công tác thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đi vào nền nếp, đạt kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy tinh thần làm việc, phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Qua đó phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh...
Tuy nhiên, công tác thi đua, khen thưởng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thể hiện trên một số mặt cơ bản sau:
Một là, nhận thức của một số cấp uỷ, chỉ huy của cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác thi đua, khen thưởng chưa đầy đủ, sâu sắc.
Hai là, chưa khắc phục được bệnh hình thức, chạy theo “thành tích”. Tình trạng “ưu tiên” khen thưởng cho lãnh đạo, chưa quan tâm khen thưởng, động viên người lao động sản xuất trực tiếp còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều đơn vị.
Ba là, một số nội dung, chỉ tiêu, biện pháp thi đua còn chung chung, chưa tập trung đột phá dứt điểm khâu yếu, mặt yếu, hoặc có lúc chưa tập trung nhiệm vụ quan trọng, đột xuất; việc phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiến tiến còn đơn điệu, thiếu linh hoạt, sáng tạo. Một số điển hình được lựa chọn nhưng tính thuyết phục chưa cao; chưa kết hợp giữa lựa chọn, xây dựng, nhân rộng điển hình với duy trì, mở rộng phong trào thi đua.
Bốn là, công tác khen thưởng còn bộc lộ bất cập cả về nội dung, hình thức, tiêu chuẩn và quy trình, thủ tục. Trong khen thưởng có xu hướng đề cao lợi ích vật chất thuần tuý, coi nhẹ giá trị tinh thần.
Năm là, công tác thi đua chưa gắn chặt với công tác khen thưởng, chưa có chính sách đãi ngộ thoả đáng với người có nhiều thành tích trong công tác thi đua.
Sáu là, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức về công tác thi đua, khen thưởng còn hạn chế, thiếu tính thực tiễn, còn nặng về lý thuyết, dập khuân, máy móc. Hình thức trong đề ra các nội dung, chỉ tiêu thi đua, có nơi còn mang tính áp đặt, chưa phát huy cao độ sức mạnh tập thể trong thi đua, khen thưởng.
Để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi, cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, đổi mới nhận thức, quan điểm về công tác cán bộ và xác định tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức ngành Thi đua - Khen thưởng.
Cần quán triệt và vận dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng của từng chức danh, theo tiêu chuẩn Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khoá X; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; các văn bản của Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã quy định và phải cụ thể hoá đối với từng chức danh, ngạch, bậc cán bộ, công chức của ngành.
Xây dựng Quy chế đánh giá cán bộ, công chức hàng năm, thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá tư cách đạo đức và hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ để qua đó phát huy những mặt tích cực, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, giúp cho các cán bộ của ngành ngày càng tự hoàn thiện mình. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giúp cho lãnh đạo cơ quan điều chỉnh, sắp xếp lại nhân sự của cơ quan cho phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ trong cơ quan.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Công tác quy hoạch cán bộ, công chức ngành Thi đua, Khen thưởng phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ của tổ chức, trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có; dự kiến nhu cầu và khả năng phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức để chủ động có phương hướng, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng và cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển của từng bộ, ngành, địa phương và cả nước.
Thực hiện công tác quy hoạch cán bộ thi đua, khen thưởng ở các cấp đúng theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng và kế hoạch của Tỉnh ủy, Thành uỷ. Các bước quy hoạch phải được thực hiện đầy đủ và theo đúng hướng dẫn; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, bao gồm cả đào tạo và đào tạo lại, cả đào tạo dài hạn và ngắn hạn.
Tạo điều kiện để cán bộ quản lý làm công tác thi đua, khen thưởng có điều kiện được luân chuyển, thay đổi vị trí công tác làm cho cán bộ quản lý được rèn luyện trong nhiều môi trường, có điều kiện mở rộng tầm hoạt động, thay đổi tác phong làm việc để thích ứng với môi trường mới.
Hiện nay, việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng về: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đổn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt các quy chế, quy trình về công tác cán bộ, công chức, viên chức ngành Thi đua, Khen thưởng.
Việc xây dựng và hoàn thiện quy chế, quy trình công tác cán bộ, công chức nhằm làm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, có tính khoa học, đảm bảo tính thống nhất theo nguyên tắc, chuẩn mực chung, tránh tình trạng tuỳ tiện, áp đặt chủ quan, duy ý chí trong công tác cán bộ của ngành.
Việc xây dựng hệ thống quy chế, quy trình công tác cán bộ phải thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, cụ thể, công khai, khoa học. Xây dựng quy chế tuyển chọn cán bộ, công chức vào cương vị lãnh đạo, quản lý trong ngành Thi đua, Khen thưởng nên thông qua việc thi tuyển chuyên môn và sát hạch năng lực, đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong và kinh nghiệm thực tiễn về thi đua, khen thưởng thông qua thăm dò tín nhiệm. Ngoài ra, cần nghiên cứu, tìm tòi những cách thức khách quan, công bằng và có tính cạnh tranh cao.
Thứ tư, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên nghiệp hoá, khuyến khích hình thức tự đào tạo, bồi dưỡng của từng cán bộ, công chức.
Đối với cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng phải tiêu chuẩn hoá, được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, phải có kiến thức xã hội, am hiểu lịch sử và có nhận thức tốt tiếp cận thông tin mới, nhanh nhạy nắm bắt chủ trương chính sách mới của Đảng và nhà nước. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp về các chủ trương giải pháp trong chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua.
Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thi đua, khen thưởng cần phải đổi mới, kết hợp trang bị kiến thức nghiệp vụ mới, kỹ năng nghề nghiệp với việc nâng cao phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, tác phong, kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hành cho đội ngũ cán bộ, công chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ những hạn chế, thiếu hụt về tri thức, kỹ năng của đội ngũ quản lý làm công tác thi đua, khen thưởng; từ nhu cầu của nguồn lực để xây dựng nội dung, chương trình và lựa chọn phương pháp bồi dưỡng cho phù hợp. Phải quán triệt quan điểm lấy người học làm trung tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo trong nhà trường và đào tạo, rèn luyện trong thực tế.
Thứ năm, thực hiện tốt quy chế quản lý và thực hiện chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thi đua, Khen thưởng.
Quản lý cán bộ, công chức phải gắn với việc quan tâm đến trình độ, năng lực, trí tuệ và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Xây dựng các chế độ, chính sách tôn vinh, khuyến khích sự tận tâm thực hiện công vụ, khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức làm việc tốt, tận tụy và trong sạch. Cải cách về hệ thống thang lương, chú ý chế độ phụ cấp thích hợp cho những đối tượng cán bộ, công chức ở những vùng sâu, vùng xa.
Tóm lại, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ở mỗi cơ quan, ban, ngành, địa phương phát triển ở mức độ nào phụ thuộc rất lớn vào năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, công chức ở nơi đó. Do đó, đội ngũ cán bộ, công chức cần căn cứ vào đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để đưa ra những quyết sách trúng, đúng với năng lực, sở trường của từng người với những việc làm tương ứng. Qua đó nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước ở nước ta nói chung và từng cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng. /.
Nguyễn Mạnh Cường
Trường Chính trị tỉnh Hà Nam