(TG)- Nhiều vấn đề mới, phức tạp đặt ra, đòi hỏi cấp ủy, hệ thống chính trị cơ sở nói chung và đội ngũ làm công tác tuyên giáo cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng ở Đắk Lắk phải không ngừng tìm tòi, đổi mới phương thức lãnh đạo, nội dung, trang bị và hỗ trợ điều kiện hoạt động để kịp thời thích ứng với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Đắk Lắk là một tỉnh miền núi, nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên là 13.125km2, có đường biên giới dài 73,4 km giáp với tỉnh Munđunkiri (Vương quốc Campuchia). Dân số hơn 1,9 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 36% dân số toàn tỉnh (riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm hơn 20%). Từ đặc điểm là một tỉnh có địa bàn rộng, với 49 dân tộc anh em trên khắp cả nước cùng về sinh sống (trong đó đồng bào Ê đê, M’nông, Gia Rai là dân tộc thiểu số tại chỗ) đã tạo nên một kho tàng văn hoá phong phú, đặc sắc, đa dạng, đồng thời cũng có những nét riêng biệt khác nhau.
Đắk Lắk là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh; vì vậy các thế lực thù địch thường tập trung chống phá, gây mất đoàn kết dân tộc, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”… do đó công tác tuyên giáo ở cấp cơ sở trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng, chính trị, đạo đức của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là kênh quan trọng để huy động sức mạnh lòng dân, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, hạn chế những vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở.
Những năm qua, công tác tuyên giáo cấp cơ sở trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và đạt được những kết quả tích cực: đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; thường xuyên nắm diễn biến tư tưởng và dư luận xã hội trước các vấn đề thời sự, bức xúc, nổi cộm để có các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững ổn định tình hình cơ sở; triển khai sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng; thực hiện tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, phát hành lịch sử đảng bộ và chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử đảng bộ địa phương…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập, hạn chế: một số cơ quan, địa phương chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, do đó chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; công tác dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân vẫn còn chưa kịp thời; công tác tuyên truyền, vận động còn chậm; khả năng vận dụng ngôn ngữ đồng bào dân tộc (chủ yếu là Ê đê, M’nông) trong công tác tuyên truyền ở vùng có đông đồng bào DTTS còn hạn chế, từ đó cũng làm giảm hiệu quả tuyên truyền cho đối tượng là người đồng bào DTTS; công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả chưa cao; không ít cán bộ làm công tác tuyên giáo ở cơ sở chưa được đào tạo có hệ thống về nghiệp vụ tuyên giáo, chủ yếu trưởng thành từ thực tiễn; chưa phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động ở cơ sở…
Đắk Lắk vẫn là địa bàn trọng yếu mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để chống phá, dụ dỗ, lôi kéo đồng bào DTTS tham gia biểu tình, bạo loạn, vượt biên trái phép; các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng các vấn đề xã hội bức xúc, những bất cập trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị ở địa phương để phát tán những thông tin sai trái, xuyên tạc, phản động, gây hoài nghi, hoang mang, làm giảm sút niềm tin vào cấp ủy, chính quyền; gây mất ổn định chính trị, ảnh hưởng đến việc giữ gìn và củng cố khối đoàn kết các dân tộc, an ninh trật tự ở cơ sở. |
Tình hình đó đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi cấp ủy, hệ thống chính trị ở cơ sở nói chung và đội ngũ làm công tác tuyên giáo cơ sở trong vùng đồng bào DTTS nói riêng phải không ngừng tìm tòi, đổi mới phương thức lãnh đạo, nội dung, trang bị và hỗ trợ điều kiện hoạt động để kịp thời thích ứng với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Để nâng cao chất lượng hoạt động công tác tuyên giáo của cấp ủy cơ sở trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên giáo ở cơ sở. Cấp uỷ xác định rõ công tác tuyên giáo cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Do vậy cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp làm công tác tuyên giáo, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời. Cần thống nhất quan điểm, nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng, tác dụng to lớn của công tác tuyên giáo đối với mọi hoạt động ở cơ sở. Khắc phục những biểu hiện coi nhẹ, trông chờ, ỷ lại, thậm chí khoán trắng cho cán bộ tuyên giáo.
Thứ hai, kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động của tuyên giáo cấp cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Đối với vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Đắk Lắk thì mô hình Ban Tuyên vận cấp xã (trong đó trưởng ban là bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy kiêm nhiệm) sẽ rất phù hợp với đặc điểm, điều kiện và đặc thù của tỉnh Đắk Lắk. Bởi thực hiện mô hình Ban Tuyên vận cấp xã vừa phát huy được vai trò hạt nhân chính trị và sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác tuyên giáo; vừađáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ cấp xã trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, ngày 20/12/2021 của HĐND tỉnh Đắk Lắk (theo đó tỉnh Đắk Lắk bố trí 01 người hoạt động không chuyên trách là cán bộphụ trách công tác Tuyên giáo - Dân vận ở cấp xã).Hơn nữa, vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của ngành tuyên giáo và ngành dân vận có sự giao thoa nhất định, đặc biệt trong khâu tuyên truyền và vận động Nhân dân để đạt mục tiêu là tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động. Đây là mô hình rất phù hợp đối với vùng đồng bào DTTS và cũng là mô hình khá thành công ở tỉnh Lào Cai. Do đó, nếu triển khai mô hình này trong vùng đồng bào DTTS tại tỉnh Đắk Lắk sẽ rất phát huy hiệu quả trong thực hiện công tác tư tưởng và vận động quần chúng Nhân dân.
Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo trong vùng đồng bào DTTS phải được bồi dưỡng để có kiến thức chuyên sâu, am hiểu phong tục, tập quán, tâm lý đồng bào và biết tiếng dân tộc. Thực hiện tốt chủ trương 3 bám “bám làng, bám dân, bám đối tượng”, 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào, vạch trần các luận điệu tuyên truyền, lừa mị của bọn phản động, đề ra các giải pháp để tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng kịp thời, chính xác. Mặt khác, đối với những địa phương có buôn làng thì cấp ủy nhất thiết phải bố trí cán bộ tuyên giáo là người DTTS với cơ cấu hợp lý.
Thứ tư, cần đổi mới cơ chế, chính sách đặc thù cho cán bộ tuyên giáo trong vùng đồng bào DTTS. Phải xây dựng hệ thống chế độ, chính sách phản ánh đúng vai trò, trách nhiệm xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và trình độ nghề nghiệp của cán bộ tuyên giáo cơ sở. Chỉ có như vậy mới động viên, tạo điều kiện cho cán bộ tuyên giáo phát huy khả năng và yên tâm công tác lâu dài trong ngành tuyên giáo, nhất là tại vùng đồng bào DTTS.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới phương thức, đa dạng hóa các hình thức tiến hành công tác tuyên giáo trong vùng đồng bào DTTS; trong đó chú trọng hình thức và nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn (có song ngữ Việt - Ê đê), dễ hiểu, dễ nhớ, đi thẳng vào vấn đề cụ thể đã và đang xảy ra ở địa phương, dựa trên người thực, việc thực. Sử dụng mọi phương tiện, mọi lực lượng sẵn có, nhất là vận động đội ngũ những người có uy tín trong cộng đồng... tham gia công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, tùy theo đặc điểm tâm lý, truyền thống dân tộc và yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đối tượng mà xác định, lựa chọn các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp.
Để thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp trên đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn bộ hệ thống chính trị để công tác tuyên giáo trong vùng đồng bào DTTS hoạt động thiết thực, hiệu quả góp phần cùng toàn Đảng bộ tỉnh “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã đề ra.
ThS. Trịnh Dũng
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk