Với ý nghĩa đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2080/QĐ-TTg phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025".
Thực ra việc dạy và học ngoại ngữ không phải bây giờ mới được Chính phủ
đặt ra, mà cách đây 9 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định
1400/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống
giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Đề án xác định đổi mới toàn diện
việc dạy và học ngoại ngữ ở tất cả cấp học, phấn đấu đến năm 2020 đa số
thanh niên Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp có
đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm
việc trong môi trường hội nhập quốc tế. Tuy bước đầu đã đạt được một số
kết quả nhất định, nhưng quá trình thực hiện đề án gặp không ít khó
khăn, bất cập, vì vậy khó hoàn thành mục tiêu như kỳ vọng đặt ra.
Một trong những bất cập dễ nhận thấy là trình độ, năng lực ngoại ngữ,
nhất là tiếng Anh của đội ngũ nhà giáo ở bậc tiểu học và trung học còn
nhiều hạn chế. Cách đây hai năm, một cuộc khảo sát đối với 8.000 giáo
viên tiếng Anh ở bậc THPT trở xuống trong cả nước cho thấy, có tới hơn
90% giáo viên chưa đạt chuẩn chất lượng trình độ B2. Điều đó nghĩa là
trong 10 giáo viên dạy tiếng Anh thì chỉ có…1 giáo viên đủ tiêu chuẩn
đứng lớp. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học
ngoại ngữ, nhất là ở các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa vừa thiếu
thốn, vừa lạc hậu cũng là một lực cản tác động không thuận đến việc nâng
cao chất lượng dạy và học tiếng nước ngoài.
Ít có nghề nghiệp nào lại đòi hỏi sự chuẩn hóa cao như giáo viên giảng
dạy môn ngoại ngữ. Chuẩn hóa ở đây không chỉ là có trình độ đào tạo
tương xứng với từng lớp học, bậc học, mà đòi hỏi người đứng lớp phải có
khả năng phát âm chính xác, có năng lực lôi cuốn, thuyết phục người học
bằng phương pháp giảng dạy khoa học, sinh động, tạo niềm hứng thú để học
sinh, sinh viên coi mỗi giờ học ngoại ngữ là một lần được mở rộng tâm
hồn, trải nghiệm văn hóa ở quốc gia có ngôn ngữ đang theo học. Giáo viên
phải làm sao để các em cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của câu danh ngôn “Biết
thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời”!
Muốn có đội ngũ giáo viên tốt thì các cơ sở đào tạo sư phạm ngoại ngữ
phải quan tâm tuyển chọn được những người có tố chất về ngoại ngữ, tiếp
cận nhanh và làm chủ các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết. Quá trình đào tạo
đội ngũ giáo viên ngoại ngữ cần tạo môi trường thuận lợi để người học
được cọ sát, giao tiếp trực tiếp với người bản địa; tăng cường các buổi
sinh hoạt, giao lưu bằng chính ngôn ngữ các em đang theo học. Cùng với
đó, việc sớm triển khai các chương trình đào tạo bằng ngoại ngữ vừa là
yêu cầu cấp thiết, vừa là giải pháp cần ưu tiên để góp phần nâng cao
chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ hiện nay.
Kinh nghiệm thành công về phổ cập ngoại ngữ cho người dân, nhất là phổ
cập tiếng Anh ở một số nước châu Á như: Singapore, Philippines, Ấn Độ,
Hàn Quốc… cho thấy, ngoài việc chú trọng cách dạy của giáo viên, thì
việc trang bị phương pháp, kỹ năng học tập đúng đắn, phù hợp cho người
học cần được coi trọng đúng mức. Người học không chỉ được học tập tiếng
Anh trong nhà trường, mà còn được trang bị những kỹ năng quan trọng để
nắm vững ngôn ngữ quốc tế thông dụng này bên ngoài lớp học. Vì vậy,
chúng ta cần tạo ra phong trào học tập ngoại ngữ để khích lệ tinh thần
người dân, nhất là thế hệ trẻ, tích cực học ngoại ngữ ở mọi lúc, mọi
nơi./.
Anh Thảo (Báo QĐND)