Thứ Sáu, 20/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 27/10/2013 22:12'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội thảo.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội thảo.

Nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An; Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, ngày 25/10, tại Long An đã diễn ra Hội thảo "Bàn giải pháp đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống".

Hội thảo do Tạp chí Cộng Sản phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Long An tổ chức. Tham dự còn có đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cùng đông đảo các chuyên gia - nhà khoa học, nhà quản lý...

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Văn Nên nêu rõ: Những năm qua, việc ban hành và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng đã từng bước sát với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân, mang lại nhiều kết quả hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, việc ban hành cũng như tổ chức thực hiện đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Với mục đích nhằm tập hợp được nhiều ý kiến đánh giá từ thực tiễn của các nhà quản lý, nhà khoa học đối với việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng... đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo chú trọng chỉ rõ thực trạng, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thiết thực, phù hợp để việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả cao, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”...

Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học, quản lý trong nhiều lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương. Các tham luận và ý kiến trình bày tại Hội thảo đã tập trung khẳng định những kết quả tích cực, thành công to lớn trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đồng thời nêu rõ những tồn tại, hạn chế, có phần thiếu sát thực với cuộc sống trong quá trình đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Trong các nguyên nhân của thực trạng tồn tại, được nhiều đại biểu chỉ ra, có những hạn chế liên quan đến công tác chuẩn bị xây dựng và ban hành Nghị quyết; công tác tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết trong thực tiễn...

Các đại biểu nêu rõ: Hầu hết Nghị quyết của Đảng khi được ban hành là đúng và trúng. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn. Một trong nhiều nguyên là do kế hoạch, thời gian tổ chức học tập, triển khai ngắn, thiếu khoa học, trong khi mỗi nghị quyết lại có rất nhiều nội dung quan trọng. Bên cạnh đó, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên nhiều nơi chưa thể hiện đúng vai trò của mình, nên việc chuyển tải nội dung của Nghị quyết không tạo được sự chú ý của người nghe; ý thức học tập Nghị quyết của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao.

Nhiều cấp ủy, chính quyền cấp dưới trong quá trình cụ thể hoá các nghị quyết của cấp trên nhiều khi thiếu thực tiễn, nên sức sống của Nghị quyết của Đảng khó đi vào cuộc sống; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ ở các cơ quan tham mưu còn hạn chế...

Đưa ra các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, nhằm góp phần quan trọng trong việc đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, các đại biểu đã tập trung vào những nội dung:

Thứ nhất, khi xây dựng và ban hành Nghị quyết phải nhận diện rõ, đúng và trúng vấn đề, phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân, của xã hội; xây dựng và ban hành nghị quyết phải trên cơ sở khoa học, sát với thực tiễn.

Thứ hai, trong học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, cần nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của từng cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, cùng với việc chú trọng đến chất lượng, số lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chuyên sâu, Đảng, Nhà nước cần điều chỉnh hợp lý chế độ phụ cấp đối với đội ngũ này, nhất là đối với những báo cáo viên kiêm chức, tuyên tuyền viên chuyên sâu ở các địa bàn khó khăn, phức tạp.

Thứ tư, tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí làm tốt chuyên mục “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”; sáng tạo trong việc lồng ghép những nội dung của Nghị quyết vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ để tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Thứ năm, cần chú trọng trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành các quy định của pháp luật, thành các chương trình hành động sát hợp với thực tiễn của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Thứ sáu, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Đảng. Đánh giá sát, đúng thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả, những điển hình tiên tiến để biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng.

Kết luận Hội thảo, PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản đã khái quát 7 nhóm vấn đề trọng tâm được các đại biểu nêu lên, đó là:

Một là, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Đảng phải phù hợp với thực tiễn và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trước khi ban hành Nghị quyết phải được thẩm định nội dung, phù hợp với quy luật khách quan, phải từ cuộc sống, hợp với lòng dân, dự báo đúng và trúng, tránh duy ý chí. Giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa việc ra Nghị quyết và việc thực hiện Nghị quyết trong cuộc sống.

Hai là, tổ chức học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết của Đảng hiệu quả, thiết thực, để Nghị quyết của Đảng thật sự “thấm” và “ngấm” vào trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Ba là, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền.

Bốn là, chủ động, sáng tạo trong việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn, đây là khâu có vai trò đặt biệt quan trọng.

Năm là, làm tốt việc tập hợp lực lượng, phát huy tổng hợp sức mạnh chính trị để triển khai thực hiện Nghị quyết; nguồn lực, kể cả tài chính.

Sáu là, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Đảng.

Bảy là, tổng kết, đánh giá và khen thưởng sát đúng với thực tiễn./.

Trung Nguyên
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất