Dự buổi lễ, có các đồng chí: Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Việt Văn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, với mục đích thi đua là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để tạo hạnh phúc cho dân.
Lời kêu gọi của Người đã hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, cùng đoàn kết, tạo sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi vẻ vang trong thời kỳ kháng chiến và thời kỳ xây dựng đổi mới đất nước.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng, bám sát các nhiệm vụ chính trị và yêu cầu thực tiễn.
Các phong trào thi đua yêu nước có sức lan tỏa sâu rộng ở mọi lĩnh vực xã hội như: Phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo của CNVCLĐ; phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành GD&ĐT; phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Năm 1997 từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến; quốc phòng-an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,37%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến nay, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 89,75%; nông, lâm nghiệp,thủy sản còn 10,25%.
Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng và tăng cao; tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 40 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 72,3 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 33 lần so với năm 1997.
Thu ngân sách tăng nhanh, từ hơn 100 tỷ đồng (năm 1997) lên hơn 32 nghìn tỷ đồng (năm 2016), trong đó, thu nội địa đạt 29 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 26 lần so với năm 1997.
Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nông thôn mới được quan tâm đẩy mạnh. Hiện, tỉnh có 2 huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 95/112 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó, có 77 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,75% số xã trong toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 3,93%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%; mỗi năm giải quyết việc làm cho 25,3 nghìn lao động...
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì đã biểu dương, chúc mừng thành tích của các cơ quan, địa phương, đơn vị; những anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến toàn tỉnh đã có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ ra những hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng như: Phong trào thi đua chưa toàn diện, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; việc suy tôn, phong tặng danh hiệu còn biểu hiện nể nang; khen thưởng cho người trực tiếp sản xuất tuy được quan tâm nhưng vẫn còn ít...
Để đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì đề nghị, các cơ quan, địa phương, đơn vị và nhân dân cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức phong trào thi đua đảm bảo thiết thực, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, nhiệm vụ mới...; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Cần xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi đua, khen thưởng. Trong tổ chức triển khai cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá; biểu dương, khen thưởng cần kịp thời, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo.
Tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng và tuyên truyền những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là những nhân tố mới, điển hình mới; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước với công tác thi đua, khen thưởng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng vừa có đạo đức, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao.
Tại buổi lễ, 7 tập thể và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 – 2018; đội tuyển Vtec Summer – Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Vĩnh Phúc có thành tích xuất sắc trong kỳ thi Sáng tạo Robocon Việt Nam 2018 đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Phương Loan