Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 25/6/2010 9:29'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT: Còn nhiều vướng mắc

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gần 62% dân số có thẻ BHYT

Theo Báo cáo kết quả triển khai một năm thực hiện BHYT của BHXH Việt Nam, từ 1/1/2010, toàn quốc thực hiện khám chữa bệnh theo mẫu thẻ BHYT mới theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Đến nay, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, toàn quốc đã cấp được gần 53 triệu thẻ BHYT, tỷ lệ dân số có thẻ BHYT đạt gần 62%. Trong số đó, nhóm đối tượng khó khăn như người nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên… đã được Nhà nước hỗ trợ để hưởng thụ quyền lợi về BHYT.

Tính đến 21/5, về cơ bản, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên toàn quốc có đủ điều kiện đã ký hợp đồng KCB BHYT năm 2010 với các cơ quan BHXH với tổng số 2.176 cơ sở KCB BHYT. Trong đó có 1.900 cơ sở công lập, 276 cơ sở ngoài công lập.

Trong quí I/2010, tổng số lượt KCB BHYT là trên 23 triệu lượt, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi KCB BHYT trên 3.900 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có nhiều bệnh nặng, chi phí lớn như chạy thận nhân tạo, ung thư, mổ tim hở và các bệnh về máu đã được hưởng chế độ BHYT.

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Tuy nhiên, việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi tại các địa phương lại gặp khó khăn. Việc phát hành thẻ BHYT chưa đầy đủ và kịp thời vì các cơ quan quản lý trẻ em chậm bàn giao, cung cấp danh sách trẻ em dưới 6 tuổi cho cơ quan BHXH.

Việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo cũng diễn ra chậm chạp do người cận nghèo không nộp thêm tiền tham gia BHYT mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ 50% mức phí của thẻ BHYT. Với đối tượng có tiềm năng lớn là học sinh, sinh viên, việc tham gia BHYT của nhóm đối tượng này cũng khá hạn chế do mức phí mua thẻ BHYT đối với đối tượng này tăng. Thêm vào đó, việc triển khai thực hiện và phát triển đối tượng tự nguyện tham gia BHYT chậm một phần do Luật BHYT quy định không có phần kinh phí hỗ trợ công tác thu cho các đại lý thu tại xã, phường.

Công tác KCB BHYT cũng có nhiều bất cập. Số lượt người KCB BHYT ngày càng tăng nhanh (hiện nay đã tăng 27% so với cùng kỳ năm trước) trong khi hệ thống y tế cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu KCB. Hiện tượng quá tải bệnh nhân KCB tuyến trên còn diễn ra phổ biến.

Bên cạnh đó, việc chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, chất lượng của các dịch vụ kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở KCB chưa có các quy định chuẩn, dẫn đến chỉ định quá nhiều những dịch vụ kỹ thuật không cần thiết trong điều trị, gây lãng phí quỹ BHYT, hiệu quả sử dụng kém.

Việc quản lý giá thuốc KCB BHYT còn nhiều bất cập, chưa có văn bản quy định rõ vai trò của cơ quan BHXH trong việc quản lý và đấu thầu thuốc BHYT. Những vi phạm pháp luật về lĩnh vực BHYT chưa có chế tài xử lý nên nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm, nhất là việc tuân thủ luật của các doanh nghiệp.

Việc KCB BHYT cho các bệnh nhân nghèo, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội bị bệnh nặng, có chi phí KCB lớn như chạy thận nhân tạo, ung thư… cũng gặp khó khăn do những đối tượng này khó có khả năng cùng chi trả chi phí trong KCB.

“Tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT”

Đó là chủ đề mà BHYT Việt Nam hướng tới trong năm 2010 này. Để nâng cao chất lượng KCB BHYT, đáp ứng yêu cầu của người bệnh, Ban thực hiện chính sách BHYT Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ cần sớm điều chỉnh các chính sách thu viện phí cho phù hợp với chi phí thực tế KCB, sớm ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT. Cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách để củng cố, phát triển mạng lưới KCB, nhất là mạng lưới y tế cơ sở để giảm tải bệnh nhân tại các bệnh việc tuyến tỉnh và tuyến trung ương, bảo đảm việc đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện, xã theo quy định của Luật BHYT.

Bên cạnh đó, cần sớm có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát và lập danh sách các đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, hộ cận nghèo và người nghèo còn lại, chuyển cơ quan BHXH để hoàn tất việc cấp thẻ BHYT. Bộ Y tế và các sở, ban, ngành cần sớm có các giải pháp quản lý giá đối với thị trường thuốc chữa bệnh trong nước, đồng thời phối hợp với BHXH Việt Nam thí điểm phương thức đấu thầu thuốc quốc gia, thống nhất giá thuốc, bảo đảm giá thuốc trong bệnh viện không cao hơn giá thuốc ngoài thị trường…

Trả lời câu hỏi của PV về việc KCB BHYT đối với người bị tai nạn giao thông trong buổi bặp mặt báo chí (24/6)  nhân ngày BHYT Việt Nam, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Theo quy định, người bị tai nạn giao thông chỉ được hưởng BHYT khi không vi phạm Luật Giao thông. Tuy nhiên, để xác minh người bị tai nạn có vi phạm luật hay không lại là một vấn đề khá phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, theo ông, trước mắt chỉ có biện pháp nâng cao trách nhiệm của người giám định viên. Bên cạnh đó, để được hưởng BHYT, người bệnh và người nhà cần tích cực và nhanh chóng chứng minh người bị tai nạn không vi phạm Luật. Ông cũng cho biết, hiện nay Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Y tế vẫn đang phối hợp soạn thảo quy định chính thức về vấn đề này.

 

Dương Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất